VTV.vn - Kế hoạch được triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới tại 120 cơ sở giáo dục mầm non ở 40 huyện thuộc 20 tỉnh đại diện các vùng miền trong 3 năm học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết dự kiến thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới trong 3 năm học 2025-2026; 2026- 2027; 2027-2028 và triển khai đại trà vào năm học 2029-2030.
Ngành giáo dục dự kiến kế hoạch triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới tại 120 cơ sở giáo dục mầm non ở 40 huyện thuộc 20 tỉnh đại diện các vùng miền trong 3 năm học 2025-2026; 2026- 2027; 2027-2028. Chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được triển khai đại trà vào năm học 2029-2030.
Đây là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong báo cáo Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non tại phiên họp ngày 4/4, về "Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các thành viên Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo (GDĐT) giai đoạn 2023-2026; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lai Châu, Thái Bình, Nghệ An, Ninh Thuận, Gia Lai, Sóc Trăng; đại diện một số Bộ, ngành, Uỷ ban của Quốc hội.
Khẳng định sự cần thiết đổi mới chương trình giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Chương trình giáo dục mầm non năm 2009 đã triển khai được 14 năm. Theo báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá cho thấy chương trình giáo dục mầm non hiện hành có nhiều ưu điểm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nhưng chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế cũng như yêu cầu đổi mới theo Nghị quyết số 29/NQ- TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu đổi mới theo Nghị quyết số 29/NQ-TW, yêu cầu về Chương trình giáo dục mầm non được quy định tại Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, quy định về quyền trẻ em tại Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 và những cam kết thực hiện các công ước quốc tế của Chính phủ, việc đổi mới chương trình giáo dục mầm non là hết sức cần thiết.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp
Để triển khai đổi mới Chương trình giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khảo sát, đánh giá việc thực hiện chương trình hiện hành, nghiên cứu luận cứ khoa học cho xây dựng chương trình mới.
Bộ cũng xây dựng, đề xuất định hướng, nội dung đổi mới chương trình giáo dục mầm non và tổ chức một số hội thảo tham vấn chuyên gia. Chương trình mới đã được thử nghiệm, điều chỉnh, hoàn thiện nội dung đổi mới trong thời gian từ tháng 8-12/2023.
Hiện nay Ban soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo những nội dung đổi mới Chương trình giáo dục mầm non.
Theo quy định, sáng 4/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin ý kiến Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về việc báo cáo Quốc hội về việc đổi mới chương trình giáo dục mầm non và việc xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non.
Đến năm 2030, giáo dục mầm non tập trung vào 3 mục tiêu:
1. Đổi mới Chương trình GDMN theo tiếp cận năng lực, tôn trọng quyền của trẻ em, dựa trên trục tình cảm - xã hội phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi và sự phát triển toàn diện của trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đặt nền móng để hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.
2. Tăng cơ hội tiếp cận GDMN có chất lượng cho trẻ em mầm non thông qua thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo; nâng cao cơ hội tiếp cận và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nhà trẻ và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở GDMN.
3. Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; coi trọng phát triển giáo dục hòa nhập và vấn đề công bằng trong xây dựng, triển khai các chính sách nhà nước dựa trên quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét