Sáng tạo góc học tập
Hơn 10 năm công tác tại trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cô Nguyễn Minh Thúy luôn tâm niệm và chủ động sáng tạo để xây dựng môi trường giáo dục trong đó trẻ là trung tâm, chủ thể của lĩnh hội và tiếp thu kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Theo cô Thúy, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm nhằm tạo môi trường công bằng, an toàn, thân thiện, lành mạnh đối với trẻ giúp các em phát huy tính tích cực, tự giác chủ động, sáng tạo, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, tinh thần hợp tác. Bên cạnh đó là những kỹ năng vận dụng kiến thức vào các tình huống khác nhau trong cuộc sống, tạo hứng thú trong học tập. Trong quá trình học, trẻ được tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, xử lý thông tin, luyện tập…được chú trọng hình thành các năng lực (tự học, sáng tạo, hợp tác…).
Cô Nguyễn Minh Thúy tạo không gian sáng tạo cho trẻ qua từng bài học. |
Đối với mầm non, môi trường giáo dục trong lớp đóng vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ. Bởi vậy, cần lựa chọn, sắp xếp các góc chơi một cách khoa học, hợp lý đảm bảo an toàn cho trẻ. Đồng thời, dành không gian cho hoạt động chung của lớp và hoạt động theo sở thích, khả năng của nhóm nhỏ hoặc cá nhân. Qua đó, tạo môi trường phù hợp với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ.
Không dừng lại ở đó, cô còn lựa chọn và sử dụng chất liệu gỗ để trang trí góc chơi giúp lớp học vừa hiện đại, thân thiện và có độ bền cao. Đồng thời, tận dụng, tìm kiếm những nguyên vật liệu thiên nhiên như: vỏ ngao, hến, hạt gấc, lá cây khô... bổ sung vào các góc chơi cho trẻ khám phá.
Cô Nguyễn Minh Thúy tạo không khí sôi nổi trong giờ học. |
Làm mới bài giảng
Để cho trẻ không cảm thấy nhàm chán, cô Nguyễn Minh Thúy luôn đổi mới trong dạy và học. Cô đẩy mạnh ứng dụng phương pháp STEAM trong giáo dục với mục tiêu giúp trẻ được trải nghiệm, phát huy tính tích cực, vận dụng vốn kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết nhiệm vụ, tình huống trong cuộc sống.
Sau nhiều lần trăn trở, suy nghĩ, được sự động viên của Ban giám hiệu, cô Thúy đã mạnh dạn ứng dụng phương pháp STEAM tổ chức cho trẻ tự thiết kế các động tác minh họa cho bài hát. Đây là bước ngoặt so với hoạt động truyền thống trước đây là giáo viên dạy trẻ vận động minh họa từ những động tác do giáo viên chuẩn bị trước.
Với học sinh lứa tuổi mầm non nhỡ (MGN) 4 - 5 tuổi, để làm được bước đột phá này, cô Thúy đã cùng trẻ tìm hiểu lựa chọn các động tác vận động cơ bản. Đồng thời, giải thích để trẻ hiểu tính phù hợp của động tác với lời ca, cho trẻ làm việc nhóm, thảo luận, lựa chọn, thống nhất động tác phù hợp.
"Bản thiết kế do chính trẻ tạo nên được giáo viên tôn trọng sử dụng ngay trong giờ học âm nhạc. Như vậy trẻ được cùng nhau tập luyện, biểu diễn, giúp phát triển cho trẻ kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết...", cô Thúy cho hay.
Thực tế, âm nhạc là một hoạt động nghệ thuật, trong giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non, việc ứng dụng công nghệ thông tin không hề đơn giản. Cô Thúy cho rằng, giáo viên cần hiểu rõ bản chất, thấy được giá trị và sáng tạo tìm tòi để ứng dụng STEM trong giảng dạy. Đơn cử như tận dụng các trang thiết bị hiện đại trong nhà trường (bảng tương tác, bàn học Efun) để đổi mới hình thức dạy.
Cô Nguyễn Minh Thúy diện trang phục dân tộc H.Mông để học sinh được trải nghiệm thực tế. |
Giúp trẻ nhớ lâu và thay vì cho trẻ nhắc lại nội dung của bài hát bằng phương pháp truyền thống, cô đã thiết kế các hình ảnh minh họa cho các câu hát để giới thiệu về giai điệu, lời ca tác phẩm âm nhạc, một cách sinh động, hấp dẫn, gây hứng thú với trẻ. Ngoài ra, cô Thúy đã sử dụng các phần mềm trực tuyến thiết kế trò chơi trên bàn efun, cho trẻ được thực hành, trải nghiệm "học mà chơi chơi mà học", làm việc nhóm cùng lựa chọn, thiết kế các động tác vận động minh họa cho bài hát.
Cô Thúy lấy ví dụ, trong quá trình trẻ biểu diễn, giáo viên cần linh hoạt cho trẻ thay đổi các đội hình hàng ngang, hàng dọc, hình tròn, hình chữ V để tránh nhàm chán và cho trẻ thấy được sự đa dạng của đội hình biểu diễn được chính trẻ tạo nên.
Không dừng lại ở yếu tố công nghệ hiện đại, nét văn hóa dân tộc được cô Thúy chú trọng. Đơn cử, trong phần hát nghe với việc sử dụng trang phục dân tộc, đàn đá để đánh đàn và múa minh họa cho trẻ xem. Ngoài ra, cô khích lệ trẻ chuẩn bị sân khấu cho giáo viên biểu diễn, sử dụng dụng cụ âm nhạc yêu thích hòa tấu cùng giáo viên.
Qua những tiết học, cô Thúy nhận được phản hồi tích cực và đánh giá cao của đồng nghiệp ở các khối lớp. Trẻ mẫu giáo thích thú đi học với các hoạt động được cô hứa hẹn tổ chức trên lớp. Còn trẻ mẫu giáo lớn tha hồ thỏa sức sáng tạo trên những kỹ năng trẻ đã thuần thục từ giáo dục STEM.
Cô Vũ Ngọc Dự - Hiệu trưởng trường Mầm non Ánh Sao (thứ 3 từ trái sang phải) chúc mừng cô Nguyễn Minh Thúy nhận Giấy khen của Sở GD&ĐT Hà Nội. |
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Vũ Ngọc Dự - Hiệu trưởng trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy) - nhấn mạnh nhà trường luôn chú trọng cho trẻ học mỹ thuật, âm nhạc để rèn khả năng tập trung, đức tính kiên trì và cảm nhận cuộc sống tinh tế hơn.
"Âm nhạc là nhu cầu cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ mầm non thì những nốt nhạc trầm bổng, những giai điệu mượt mà vui tươi, trong trẻo của các tác phẩm âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp trẻ phát triển toàn diện. Phương pháp giảng dạy của cô Nguyễn Minh Thúy là điểm sáng trong chăm sóc, giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non mới...", cô Vũ Ngọc Dự nói.
Với những sáng tạo đổi mới trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, cô Nguyễn Minh Thúy nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; giải Nhất tại Hội thi cô giáo tài năng duyên dáng (năm học 2020- 2021); sáng kiến kinh nghiệm cấp TP Hà Nội và danh hiệu "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Đặc biệt là giải Nhất tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp TP Hà Nội (năm học 2022 - 2023).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét