SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

Đặc điểm tâm sinh lí trẻ mẫu giáo lớn với hoạt động Âm nhạc

 phách).

 

                             Trần Thị Thu Trang

 

            Trẻ thơ rất nhạy cảm với âm nhạc. Đối với trẻ, âm nhạc là một thế giới kì diệu đầy cảm xúc vui sướng. Thông qua các hoạt động âm nhạc, trẻ phát triển nhạc cảm, mở rộng nhận thức thế giới xung quanh, phát triển các kĩ năng hoạt động. Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo biết cảm thụ và thích thú với những hoạt động mang tính nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc.

            1. Nghe nhạc

             Khoa học ngày nay đã chứng minh rằng, thai nhi ở tuần tuổi thứ 32 đã cảm nhận được các âm thanh trong giới hạn từ 20 Hz đến 5000 Hz và đã có những phản ứng lại bằng các cử động. Trong bài Tác dụng của âm nhạc đối với thai nhi đăng trên mạng đã viết về những nghiên cứu của một số học giả nước ngoài về cảm nhận âm nhạc của thai nhi như sau: “Shetler (1989) ghi nhận rằng 33% chủ đề về thai nhi trong nghiên cứu của ông thể hiện những phản ứng trái ngược nhau với những nhịp trống trong các thể loại nhạc nhanh và chậm khác nhau. Đây có thể là phản ứng đầu tiên và cơ bản nhất của thai nhi với âm nhạc. TS. Henry Truby, GS danh dự về Trẻ em và Ngôn ngữ của Đại học Miami, chỉ ra rằng sau tháng thứ 6, thai nhi bắt đầu cử động theo nhịp điệu khi nói của người mẹ và quang phổ ghi nhận tiếng khóc đầu tiên của đứa trẻ đẻ non khi mới 28 tuần tuổi cũng phù hợp với giọng nói của người mẹ. Những yếu tố của âm nhạc như cao độ, âm sắc, cường độ và nhịp điệu cũng chính là những yếu tố được dùng khi nói. Chính vì thế, âm nhạc sẽ giúp chuẩn bị cho tai, cơ thể và bộ não khả năng nghe, tổng hợp và phát âm. Có thể coi âm nhạc như một thứ tiền ngôn ngữ nuôi dưỡng và kích thích đến toàn bộ con người, có ảnh hưởng đến cơ thể, cảm xúc, trí tuệ và phát triển khả năng thưởng thức vẻ đẹp từ bên trong, xác nhận và đánh thức những phẩm chất không thể diễn tả bằng lời được của chúng ta”.

Sự phản ứng với âm thanh được thể hiện rõ nhất là khi trẻ ra đời được 7 - 8 tuần tuổi. Khi trẻ được 2 tháng tuổi, trẻ đã biết lắng nghe âm thanh. Đến tháng thứ 5, trẻ có thể phân biệt và xác định được hướng phát ra âm thanh. Như vậy ta thấy rằng, sự nhạy cảm về âm thanh của trẻ phát triển khá nhanh, khả năng tiếp thu âm nhạc của trẻ mẫu giáo diễn ra phổ biến như sau: 

Trẻ 3 tuổi thích nghe hát, sự hứng thú đó được thể hiện rõ qua nét mặt như vui sướng, chăm chú lắng nghe. Những cảm xúc này diễn ra khá mạnh mẽ nhưng cũng chóng qua đi, ít để lại ấn tượng. Trẻ mẫu giáo bé rất thích nghe những bài hát dân ca, có giai điệu trữ tình êm ái hoặc những làn điệu hát ru. Vì vậy, trẻ ở độ tuổi này có biểu hiện nhớ và nhận biết bài hát mà mình yêu thích.

Trẻ mẫu giáo lớn nếu được nghe có quá trình với các nội dung phù hợp có thể hình thành thói quen tập trung lắng nghe, theo dõi sự phát triển của âm nhạc, hiểu được tính chất chung và một số đặc điểm của bài hát được nghe, so sánh một số đặc điểm của bài được nghe với các hiện tượng gần gũi trong cuộc sống. Đa số các trẻ mẫu giáo lớn thích nghe những tác phẩm có giai điệu súc tích dễ nhớ, tiết tấu nhịp nhàng, nhịp độ linh hoạt. 

Trẻ mẫu giáo lớn đã hình thành thói quen nghe nhạc và đã biết lựa chọn bài hát mà mình yêu thích. Nếu như ở mẫu giáo bé, sự tập trung chú ý chỉ là tạm thời không chủ định thì đến mẫu giáo lớn, khả năng chú ý của trẻ đã lâu hơn, trẻ cảm nhận trạng thái chung của âm nhạc, phân biệt được âm thanh cao - thấp, giai điệu đi lên - đi xuống, độ to - nhỏ của âm nhạc, thậm chí cả sự thay đổi cường độ âm nhạc mạnh dần hay nhẹ dần, phân biệt âm sắc của một số nhạc cụ (tiếng kèn, tiếng trống, tiếng sáo…), và âm sắc giọng hát. Trẻ hiểu được nội dung của tác phẩm âm nhạc thông qua lời ca, nhận xét được giọng hát đúng, giọng hát sai của bạn mình. Trẻ cảm thụ âm nhạc có định hướng hơn, hứng thú tham gia các hoạt động âm nhạc và biết sáng tạo.

2. Sự phát triển của hoạt động hát

Âm thanh trẻ phát ra yếu do các dây thanh đới còn mảnh và ngắn, hơi thở ngắn, nông. Giọng trẻ cao và yếu hơn người lớn, đồng thời sự phối hợp giữa tai nghe và giọng hát chưa thật chủ động (đôi khi còn hát sai, hát ngọng), khoang ngực chứa hơi chưa phát triển do đó không hát được những câu hát dài. Trong quá trình học hát sẽ tạo sự phối hợp giữa tai nghe và giọng: Tai nghe âm thanh – giọng bắt chước. Bắt chước có chuẩn xác hay không là do tai nghe kiểm tra. Sự phối hợp của người lớn giúp trẻ tái hiện chính xác những gì nghe được trong phạm vi khả năng của các cháu. Tuổi mẫu giáo lớn học hát theo lối “truyền khẩu” (nghe rồi bắt chước) vì các cháu chưa biết chữ. Thông qua các bài hát mà trẻ hiểu về ý nghĩa của lời ca, ngôn từ. Tuy nhiên, trẻ hát một cách tình cảm mà không phải gắng sức, biết điều chỉnh tốc độ từ vừa phải – hơi nhanh hoặc từ vừa phải – chậm lại. Âm thanh mềm mại, nhẹ nhàng, biết lấy hơi giữa các câu nhạc, hát rõ lời, mạch lạc. Trẻ biết bắt đầu và kết thúc cùng nhau khi hát tập thể, hát có nhạc đệm hoặc không có nhạc đệm, hát đơn ca, nhóm… Tầm cữ giọng ổn định hơn, thường hát trong khoảng từ nốt Đô của quãng tám thứ nhất đến nốt Đô của quãng tám thứ 2 cùng với sự phối hợp giữa nghe và hát của trẻ cũng tốt hơn. 

            3. Đặc điểm tâm sinh lý liên quan đến vận động theo nhạc

            Hiếu động là nét đặc trưng của trẻ, hầu như không lúc nào trẻ ngồi yên. Các cháu thích chạy nhảy, nô đùa, hoặc tìm tòi khám phá mọi thứ xung quanh. Giữa âm nhạc và vận động có mối liên hệ trực tiếp xuất phát từ cơ sở sinh lý, đó là cơ quan thính giác và cơ quan cảm giác về chuyển động và thăng bằng. Trẻ mẫu giáo lớn có thể vận động mạnh mẽ – êm dịu ; nhanh – chậm theo tính chất âm nhạc

 Nghiên cứu sinh lý trẻ cho thấy, ở độ tuổi mẫu giáo lớn các cơ lớn như cơ đùi, cơ vai, cơ cánh tay phát triển trước, còn các cơ lòng bàn tay, bàn chân phát triển chậm hơn. Bước đầu, các vận động bằng tay thuận hơn chân và sự khéo léo trong các động tác vận động âm nhạc của trẻ mẫu giáo được tăng dần theo độ tuổi cụ thể là: Đa số trẻ mẫu giáo bé chưa gõ được các dạng tiết tấu có nhịp độ hơi nhanh, còn trẻ mẫu giáo lớn có khả năng vừa hát vừa gõ theo nhịp, phách, gõ âm hình tiết tấu kết hợp nốt đen, lặng đen với móc đơn. Ngoài khả năng gõ đệm, trẻ mẫu giáo lớn còn thực hiện được những động tác minh họa theo lời ca hoặc múa. Khi nhảy múa, trẻ đã thể hiện được sự mềm dẻo, nhanh nhẹn, biết di chuyển trong đội hình hàng ngang, hàng dọc, vòng tròn và định hướng trong không gian. Trẻ biểu diễn múa hát không chỉ đúng giai điệu, nhịp điệu mà còn thể hiện diễn cảm và đã có yếu tố sáng tạo. Nhịp 2/4 khá thuận với lứa tuổi này. Trong quá trình dạy trẻ học đàn, đây là những đặc điểm để chúng tôi xây dựng các bài vận động giúp trẻ phát triển cảm giác nhịp điệu (gõ, vỗ tay theo nhịp,

 

Một đặc trưng không thể thiếu trong quá trình học tập của tuổi mẫu giáo là học thông qua chơi (học mà chơi – chơi mà học). Từ xa xưa, mỗi dân tộc đều đã nghĩ ra những trò chơi học tập để dạy dỗ con trẻ, giúp các cháu tiếp thu nền văn hóa dân tộc và những kiến thức của nhân loại. Trẻ con cùng nhau hát đồng dao, vừa hát vừa chơi như: Trò Ú tim, Nu na nu nống, Kéo cưa lừa xẻ, Trồng nụ trồng hoa, Dung dăng dung dẻ… rất vui vẻ. Có thể thấy, ham chơi là một đặc tính rất phổ biến của trẻ, bởi vì vui chơi luôn tạo cho trẻ một không khí vui hòa nhập, không gò bó. Các trò chơi đều được quy định bằng luật chơi và kết quả cuối cùng được phân định bởi đúng - sai hoặc thắng - thua. Khi tham gia trò chơi ai cũng muốn cố gắng hết sức mình để giành kết quả. Do tính chất sôi động đó nên từ xưa đến nay, các trò chơi luôn là đối tượng thu hút sự tham gia đông đảo của mọi người, đặc biệt trẻ em.

Với trẻ mẫu giáo, cơ thể đang phát triển, hệ thần kinh hiện ở trạng thái hưng phấn nên trẻ rất hiếu động, nhưng khả năng chú ý lại hạn chế. Nếu như phải tham gia vào hoạt động đơn điệu nào đó, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi do sự nhàm chán gây nên. Vì vậy, trò chơi học tập nói chung, trong đó có trò chơi âm nhạc, có thể coi là một phương pháp đặc hiệu để khắc phục những hạn chế của trẻ. Đồng thời, giúp trẻ lấy lại thăng bằng để tiếp tục tham gia vào các hoạt động khác. Trò chơi gắn với âm nhạc đã tạo nên sự cuốn hút mạnh mẽ đối với trẻ, giúp trẻ phát triển trí nhớ âm nhạc, mở rộng nhận thức và tăng cường khả năng hoạt động tư duy. Trí tưởng tượng phong phú giúp trẻ có sự liên tưởng, sáng tạo đồng thời, trẻ được thả hồn mình trong các nhân vật gần gũi thông qua lời ca, những ca cảnh trong khi sắm vai... Đó là hình thức thể hiện sống động phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ, là sự phát triển mạnh mẽ của tính hình tượng tư duy trực quan hành động và nhu cầu ham hoạt động của trẻ. 

Tóm lại, âm nhạc là nhịp sống hằng ngày của trẻ, làm cho trẻ thêm linh hoạt, vui tươi, hồn nhiên. Khi nắm bắt được các đặc điểm tâm sinh lí của trẻ mẫu giáo lớn, các giáo viên mầm non sẽ có định hướng tốt hơn trong khi tổ chức dạy các hoạt động: Ca hát, nghe nhạc, vận động- múa và trò chơi để sử dụng âm nhạc vì đó là một trong những phương tiện phát triển toàn diện nhân cách trẻ về Đức- Trí- Thể- Mĩ- một nền tảng giáo dục cơ bản của người công dân tương lại./.

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates