SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

Một số vấn đề về giáo dục nghệ thuật cho học sinh trung học phổ thông trong bối cảnh hiện nay




 Lê Vũ Anh  |    27/12/2022

Giáo dục nghệ thuật trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh. Để nâng cao hiệu quả giáo dục nghệ thuật cho học sinh trung học phổ thông, cần nắm vững mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.


1. Mở đầu
Từ năm học 2022- 2023, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, bắt đầu triển khai ở cấp trung học phổ thông (THPT). Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 cấp THPT là “giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới”. Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình GDPT 2018 cấp THPT đã được xây dựng theo hướng mở bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh (HS) thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống. Trong các nội dung giáo dục cho HS cấp THPT có nội dung giáo dục nghệ thuật. Đây là nội dung nhằm góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho HS; đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho HS; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho HS.
GDNT cho HS cấp THPT theo Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên (GV) phải nắm vững mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục; đánh giá kết quả giáo dục.

2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Mục tiêu, ý nghĩa giáo dục nghệ thuật cho học sinh trung học phổ thông
2.1.1. Mục tiêu giáo dục nghệ thuật cho học sinh trung học phổ thông
GDNT cho HS cấp THPT phải nhằm các mục tiêu sau: 
- Góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho HS
Các phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển cho HS bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Tùy theo từng cấp học mà việc hình thành, phát triển các phẩm chất này có những yêu cầu cụ thể.
Các năng lực chung cần hình thành, phát triển cho HS bao gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Ở các cấp học khác nhau yêu cầu đối với việc hình thành, phát triển các năng lực này cũng khác nhau.
- Tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho HS.
Đây được xem là mục tiêu then chốt trong GDNT cho HS nói chung, HS cấp THPT nói riêng. Năng lực thẩm mĩ chính là năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua các môn học đảm nhiệm vai trò cốt lõi như: Âm nhạc, Mĩ thuật và các hoạt động giáo dục khác. Cùng với hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ, GDNT còn nhằm phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho HS.
- Giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc 
Những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc cần được giữ gìn và lan tỏa trong tâm thức của thế hệ trẻ để hình thành ở họ thị hiếu thẩm mĩ đúng đắn. GDNT ở trường THPT phải góp phần bồi dưỡng tình cảm thẩm mĩ cho HS, giúp các em có thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. 
2.1.2. Ý nghĩa của giáo dục nghệ thuật cho học sinh trung học phổ thông
GDNT cho HS cấp THPT có các ý nghĩa sau đây:
- GDNT là nội dung giáo dục quan trọng trong nhà trường, có liên quan chặt chẽ với các nội dung giáo dục khác, thúc đẩy sự phát triển toàn diện nhân cách của HS.
- GDNT có thể mở rộng tầm nhìn và phát triển trí lực, tinh thần sáng tạo của HS trong các lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điêu khắc...
- GDNT góp phần làm cho tâm hồn của HS trở nên trong sáng hơn, tình cảm tốt đẹp hơn, hoàn thiện phẩm chất đạo đức cho các em. 
- GDNT thúc đẩy HS vươn tới cái Chân - Thiện - Mỹ, biết thể hiện cái đẹp trong mọi lĩnh vực của đời sống...
2.2. Nội dung giáo dục nghệ thuật cho học sinh trung học phổ thông
 Nội dung GDNT ở trường THPT được thể hiện ở nội dung của hai môn học cốt lõi là Âm nhạc và Mĩ thuật.
- Nội dung giáo dục âm nhạc
Giáo dục âm nhạc giúp HS phát triển năng lực âm nhạc, những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã được hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản; định hình thị hiếu thẩm mĩ; mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố lịch sử, văn hoá và xã hội, biết trân trọng và có ý thức giữ gìn, bảo vệ, phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống; phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc, vận dụng kiến thức, kĩ năng âm nhạc vào đời sống; có định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân.
Trong Chương trình GDPT 2018 cấp THPT, âm nhạc là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của HS. Nội dung môn học bao gồm kiến thức và kĩ năng mở rộng, nâng cao về hát, nghe nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Những học sinh có sở thích, năng khiếu hoặc định hướng nghề nghiệp liên quan có thể chọn học thêm một số chuyên đề học tập. Nội dung giáo dục âm nhạc giúp HS tiếp tục phát triển các kĩ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố văn hoá, lịch sử và xã hội, ứng dụng kiến thức vào đời sống, đáp ứng sở thích cá nhân và tiếp cận với những nghề nghiệp liên quan đến âm nhạc.
- Nội dung giáo dục mĩ thuật
Giáo dục mĩ thuật giúp HS tiếp tục phát triển năng lực mĩ thuật đã được hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản và các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm thông qua nhiều hình thức hoạt động; phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo, kĩ năng thực hành, giao tiếp và hợp tác; ý thức tôn trọng và phát huy văn hoá, nghệ thuật truyền thống dân tộc, tiếp cận giá trị nghệ thuật và thành tựu khoa học, công nghệ của thời đại, phát triển năng lực tự chủ và tự học; tăng cường hiểu biết về kiến thức mĩ thuật trong các lĩnh vực ngành nghề có liên quan, bồi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu nghệ thuật, có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội.
Trong Chương trình GDPT 2018 cấp THPT, mĩ thuật cũng là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của HS. Nội dung giáo dục mĩ thuật được mở rộng, phát triển kiến thức, kĩ năng về lí luận và lịch sử mĩ thuật; hội họa; đồ họa; điêu khắc, thiết kế công nghiệp; thiết kế đồ họa; thiết kế thời trang; thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh; thiết kế mĩ thuật đa phương tiện; kiến trúc đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản.
Ngoài âm nhạc và mĩ thuật, nội dung GDNT cho HS còn được thể hiện ở các môn học khác và ở hoạt động trải nghiệm.
2.3. Phương pháp giáo dục nghệ thuật cho học sinh trung học phổ thông
Phương pháp GDNT cho HS cấp THPT cần theo xu hướng giáo dục hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS trong học tập và phát triển tiềm năng hoạt động âm nhạc, mĩ thuật.
Trong quá trình dạy học âm nhạc, GV cần chủ động xây dựng môi trường học tập thân thiện để HS có cơ hội giao tiếp, hợp tác, trải nghiệm, tìm tòi kiến thức và phát huy tiềm năng âm nhạc; linh hoạt kết hợp nhóm phương pháp dạy học dùng lời với nhóm phương pháp tổ chức hoạt động; tăng cường cho HS trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc thông qua học trong lớp, xem biểu diễn ca nhạc, tham quan di sản văn hoá, giao lưu với các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân; dành thời gian thích hợp cho những học sinh có năng khiếu âm nhạc thực hiện vai trò hạt nhân và phát triển năng lực âm nhạc cá nhân.
Trong quá trình dạy học mĩ thuật, GV cần vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học và các hình thức tổ chức, không gian hoạt động học tập nhằm huy động kiến thức, kinh nghiệm, kích thích trí tưởng tượng, tư duy hình ảnh thẩm mĩ của HS, tạo cơ hội để HS được vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực hành, thể nghiệm ý tưởng sáng tạo và đưa các sản phẩm sáng tạo vào đời sống; khai thác, sử dụng hợp lí thiết bị dạy học, mạng Internet; tận dụng các chất liệu, vật liệu sẵn có ở địa phương…
2.4. Đánh giá kết quả giáo dục nghệ thuật cho học sinh trung học phổ thông
Đánh giá kết quả GDNT nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình GDNT và sự tiến bộ của HS; hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình để nâng cao chất lượng GDNT cho HS cấp THPT.
Khi đánh giá kết quả GDNT cho HS cấp THPT có thể sử dụng các hình thức: - Đánh giá chẩn đoán; đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; đánh giá định tính và đánh giá định lượng. Trong đánh giá kết quả GDNT cho HS cấp THPT cần chú trọng đúng mức đến đánh giá định lượng, căn cứ vào các sản phẩm được HS tạo ra trong quá trình học tập, thực hành các môn học âm nhạc, mĩ thuật…
3. Kết luận
GDNT là một trong các nội dung của Chương trình GDPT 2018 nhằm hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho HS. Việc nắm vững mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả GDNT là yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục nội dung này.
Tài liệu tham khảo
[1]. Bộ GD&ĐT (2018),Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.
[2]. Bùi Nhọc Chu-Lê Xuân Quý (2016), Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển năng lực học sinh tại trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành qua mô hình câu lạc bộ, Tạp chí Giáo dục số đặc biệt, kỳ 1 tháng 6/2016.
[3]. Đỗ Xuân Hà (1997): Giáo dục thẩm mĩ - món nợ lớn đối với thế hệ trẻ, NXB Giáo dục.
[4]. NguyễnTrọng Hoàn (2019), Giáo dục nghệ thuật trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, https://moet.gov.vn/.
[5]. Trần Thị Vân (2019], Xây dựng mô hình hoạt động trải nghiệm trong dạy học Mĩ thuật ở trường phổ thông,Tạp chí Giáo dục số đặc biệt, tháng 6/2019.
[6]. Phạm Văn Tuyến (2017), Giáo dục nghệ thuật - vai trò và trách nhiệm, http://nghethuat.hnue.edu.vn/Nghiên-cứu-Trao-đổi/article/1051.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates