SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức

 

d

  

o

 


Lâm Vĩnh-Thế, Nguyên Giáo-sư và Quản-Thủ Thư-Viện Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức

Từ rất nhiều năm nay, tại hải ngoại, khi nhắc lại chuyện giáo dục tai Miền Nam trước 1975, nói đến các trường trung học lớn, đa số mọi người chỉ nói về các trường Petrus Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương ở Sài Gòn, hay Nguyễn Đình Chiểu, Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho, hay Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm ở Cần Thơ, hay Quốc Học, Đồng Khánh ở Huế, ít thấy ai nhắc đến tên Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (THKMTĐ), trực thuộc Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ĐHSPSG), mặc dù ngôi trường này đã có mặt từ năm 1965, nghĩa là đã hoạt động được đúng 10 năm, và đã có những cống hiến rất quan trọng cho hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Người viết bài này, đã từng phục vụ tại THKMTĐ một thời gian khá dài (1966-1971) với tư cách giáo sư môn Kiến Thức Xã Hội (tên gọi mới của môn Sử Địa tại Trường) và Quản Thủ Thư Viện, cố gắng giới thiệu những nét đặc biệt của trường THKMTĐ khiến nó trở thành biểu tượng của một đường lối và phương pháp giáo dục thật sự tân tiến của VNCH.

Thành Lập Trường THKMTĐ

Hệ thống giáo dục của nước Việt Nam độc lập đã được đặt nền móng vững chắc từ năm 1945 dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim với Bộ Trưởng Giáo Dục đầu tiên là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.  Tuy tiếng Việt đã được sử dụng để giảng dạy nhưng toàn bộ hệ thống giáo dục, từ “hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử, và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của chương trình Pháp.” [1] Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã có một hội nghị giáo dục được tổ chức vào năm 1958 mang tên là “Hội Thảo Giáo Dục Toàn Quốc.” [2] Chính cuộc hội thảo giáo dục này, lần đầu tiên, đã tạo ra triết lý giáo dục cho VNCH với ba nguyên tắc chỉ đạo là Dân tộc, Nhân bản, và Khai phóng.  Đại hội giáo dục toàn quốc lần thứ hai được tổ chức vào năm 1964 khẳng định lại một lần nữa ba nguyên tắc chỉ đạo vừa nêu trên, với một điều chỉnh nhỏ: nguyên tắc chỉ đạo thứ ba được đổi từ Khai phóng sang Khoa học[3] Chính trong thời gian này đã xuất hiện một số bài viết thảo luận chung quanh đề tài “một nền giáo dục mới” cho VNCH.  Trường ĐHSPSG đi một bước xa hơn, không phải chỉ tham gia vào việc thảo luận suông về chuyện giáo dục mới này, mà bằng việc thực hiện một dự án giáo dục cụ thể: thiết lập THKMTĐ. Trong Dự Án Đại Cương cho ngôi trường mới này, đệ trình cho Hội Đồng Khoa của ĐHSPSG vào tháng 3-1965, người thảo dự án, Giáo sư Dương Thiệu Tống, vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường, đã khẳng định:

Chương trình ấy chỉ có thể thực hiện không phải bằng những cuộc bàn cải về lý thuyết mà phải là kết quả của các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm.” [4]

Như thế rõ ràng là THKMTĐ sẽ là nơi thực hiện các cuộc nghiên cứu và kiểm nghiệm đó. Và, quả thật, THKMTĐ, nhìn từ tất cả mọi khía cạnh, từ triết lý giáo dục, chương trình học, hệ thống lượng giá (thi cử), cho đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo sư, phương pháp giảng dạy và học tập, tất cả đều hoàn toàn mới, chưa từng có tại Việt Nam nói chung và tại VNCH nói riêng, hoàn toàn mang tính chất nghiên cứu và kiểm nghiệm cho một chương trình “giáo dục mới” cho VNCH.

Bộ Văn-Hóa Giáo-Dục của Chính phủ VNCH đã chính thức chấp nhận dự án thành lập THKMTĐ bằng 2 nghị-định như sau:

“Trường Trung-học Kiểu-Mẫu Thủ-Đức trực thuộc Đại-Học Sư-Phạm Saigon là một Trường Trung-Học Đệ-Nhị-Cấp thiết lập do Nghị-định số 945-GD/PC/NĐ sửa đổi bởi nghị dịnh số 840/GD/PC/NĐ, ngày 12-6-1965 của Bộ Văn-Hóa Giáo-Dục.” [5]

 Triết Lý Giáo Dục của THKMTĐ

Dựa trên căn bản là các đánh giá của các nhà giáo dục qua 20 năm nước nhà được độc lập (1945-1965), và qua hai cuộc hội thảo giáo dục toàn quốc (1958 và 1964), thể hiện qua 3 nguyên tắc chỉ đạo đã nêu bên trên (Nhân Bản, Dân Tộc, và Khai Phóng – sau chỉnh lại là Khoa Học), Giáo sư Dương Thiệu Tống, sau khi đưa ra các nhận xét như sau về nền giáo dục cũ:

1. Học đường tách rời với xã hội, kiến thức tách rời với thực tế

 2. Thiếu sự hướng dẫn do đó trẻ không được phát triển theo đúng khả năng.” [6]

đã đề nghị một triết lý giáo dục mới cho THKMTĐ như sau:

Phương pháp giáo dục mới ở các nước tân tiến hiện nay dựa trên nguyên tắc của Khoa Tâm Lý giáo dục. Trẻ khác nhau về khả năng(ability), hứng thú (interests) và phải được phát triển toàn diện (full development).  Dựa trên nguyên tắc ấy, học đường và phương pháp giáo dục phải làm sao đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu hướng dẫn và phát triển khả năng và sở thích của trẻ. Do đó, bên cạnh lối giáo dục phổ thông, phải có giáo dục hướng nghiệp để chuẩn bị cho thanh thiêu niên có sẵn năng khiếu và hứng thú có thể lựa chọn nghề nghiệp thích hợp sau này; như vậy tránh được sự lãng phí về nhân lực như đã nói ở trên và tạo nên sự quân bình về các ngành hoạt động Văn Hóa, Mỹ Thuật, Kinh tế vv…. trong xã hội Việt Nam tương lai.” [7]

 Chương Trình Giáo Dục của THKMTĐ

Chương trình giáo dục được áp dụng tại THKMTĐ đã thể hiện hoàn toàn triết lý giáo dục vừa nêu trên.  Nói một cách cụ thể, chương trình giáo dục tại THKMTĐ là một chương trình giáo dục tổng hợp gồm 2 phần rõ rệt:

  • Giáo dục phổ thông: gồm đủ tất cả các môn học của chương trình giáo dục phổ thông lúc đó đang được giảng dạy trong các trường trung học trên toàn quốc, tức là các môn Triết Học (riêng cho Lớp 12), Quốc Văn, Sinh Ngữ (Anh Văn và Pháp Văn), Sử Địa (được gọi dưới tên mới là Kiến Thức Xã Hội), Toán, Lý Hóa, Vạn Vật, và ba môn Hội Họa, Âm Nhạc, và Thể Dục (cho các lớp Đệ Nhất Cấp).
  • Giáo dục hướng nghiệp: gồm các môn Canh Nông, Công Kỷ Nghệ, Doanh Thương, và Kinh Tế Gia Đình.

Phần giáo dục hướng nghiệp này có một số mục tiêu như sau: [8]

  • Đem lại giải pháp cho nền giáo dục đương thời với những khuyết điểm như là “lý thuyết, từ chương, khoa cử, không thực dụng, không sửa soạn thanh hiếu niên vào đời…” bằng cách tạo cho học sinh những “tài khéo căn bản hữu dụng cần thiết… để bổ túc chophần kiến thức thiên về lý thuyết.” 
  • Đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam, phá bỏ quan niệm lỗi thời “sĩ nông công thương,” đào tạo nhân viên kỹ thuật trung cấp cho đầy đủ mọi ngành nghề
  • Đáp ứng “những thử thách kỹ thuật của thế kỷ 20… là thế kỷ của văn minh cơ khí.”
  • Giúp học sinh “xóa bỏ quan niệm khinh miệt nghề lao động chân tay,” hiểu rõ “tầm quan trọng của mọi nghề và giá trị của mọi nghề,” và cũng giúp học sinh “phát triển óc tổ chức, tinh thần cộng tác, sự phối hợp, sự liên hệ giữa những người cộng sự.”
  • Giáo dục hướng nghiệp không nhằm đào tạo chuyên viên, chỉ là chuẩn bị cho học sinh có đầy đủ kiến thức và thông tin để có thể dễ dàng chọn nghề đúng khả năng và sở thích của mình trong tương lai

Dựa trên mục tiêu vừa nêu trên, các bộ môn chính của giáo dục hướng nghiệp, Công Kỹ Nghệ, Kinh Tế Gia Đình, và Doanh Thương, đã được xác định tầm quan trọng và xây dựng với nội dung cụ thể như sau:

Công Kỹ Nghệ: (sau đây xin viết tắt là CKN)

  • Tầm quan trọng: [9]
    • CKN giúp học sinh biết sử dụng, sửa chữa và ngay cả chế tạo các máy móc và dụng cụ
    • CKN giúp học sinh hiểu rõ đặc tính và giá trị cũng như bảo trì để tránh phí phạm những vật dụng, máy móc sử dụng trong gia đình
    • CKN giúp học sinh có được một căn bản thật vững chắc để có thể tiếp tục theo học các trường cao đẳng hay kỹ sư chuyên nghiệp hay kỹ thuật về sau khi đã xong bậc trung học
    • CKN cũng giúp học sinh phát triển óc sáng tạo, phát huy sáng kiến và nắm vững cách làm việc tập thể
  • Nội dung cụ thể: [10]
    • Vẽ CKN, không phải chỉ là kỹ nghệ họa, mà gồm đủ tất cả các loại vẽ như sau:
      • Vẽ cơ khí
      • Vẽ hoa hình học: xây cất, hình dạng
      • Vẽ kiến trúc và đồ xá xây cất
      • Vẽ sáng tác trang trí nhà cửa
      • Vẽ khai triển về uốn ráp kim loại
    • Các kỹ nghệ nhẹ:
      • Gỗ: tính chất của gỗ, vật dụng trong nhà, bàn ghế tủ giường
      • Điện: điện nhà, radio, TV, vv
      • Ấn loát: sắp chữ, in sách báo, rửa phim ảnh, bản kẽm
      • Công nghệ: thủy tinh, đồ gốm, thuộc da, plastic
    • Các kỹ nghệ nặng:
      • Kỹ nghệ kim loại: biến chế kim loại nóng (đúc gang, luyện kim…), biến chế kim loại nguội
      • Năng lượng và cơ khí: năng lương thiên nhiên (gió, nước, than đá…), động cơ (máy nổ 2 thì, máy nổ 4 thì, sửa xe Honda…)
    • Phân phối chương trình cho các cấp lớp:
      • Đệ Thất + Đệ Lục: CKN nhập môn, lý thuyết đại cương, vai trò của người tiêu thụ, nguyên tắc căn bản vê sản xuất và vật liệu (đặt trọng tâm vào vẽ CKN)
      • Đệ Ngũ + Đệ Tứ: động tác căn bản, sử dụng dụng cụ cầm tay, tài khéo cần thiết trong cơ xưởng
      • Đệ Tam: chú trọng về kỹ nghệ năng
      • Đệ Nhị + Đệ Nhứt: các nguyên tắc để tự sản xuất, tự chọn một ngành chuyên môn cho mình trong các trường cao đẳng kỹ thuật; tài nguyên của đất nước; tổ chức cơ xưởng và nhân công

Kinh Tế Gia Đình (sau đây xin viết tắt là KTGĐ):

  • Tầm quan trọng: [11] KTGĐ đem lại cho nữ sinh các kiến thức căn bản của phụ nữ về các lãnh vực sau đây:
    • Thực phẩm
    • Dinh dưỡng
    • Hàng vải và may cắt
    • Săn sóc trẻ con
    • Chăm sóc sức khỏe cá nhân, trẻ em, và người già trong gia đình
    • Điều hành, trang hoàng nhà cửa
    • Chuẩn bị hôn nhân, liên hệ giữa cá nhân, gia đình, và cộng đồng
  • Chương trình học cho các cấp lớp: [12]
    • Đệ Thất:
      • Chăm sóc bản thân: sức khỏe, và trang phục
      • Thêu may và hàng vải I
      • Thực phẩm và dinh dưỡng I
      • Trách nhiệm trong gia đình
      • Săn sóc trẻ em
    • Đệ Lục:
      • Cải thiện bản thân
      • Chăm sóc hình dáng bên ngoài
      • Thêu may và hàng vải II
      • Thực phẩm và dinh dưỡng II
      • Sử dụng tiền bạc, thì giờ và năng lực
    • Đệ Ngũ:
      • Thêu may và hàng vải III
      • Công việc giặt ủi
      • Săn sóc người bệnh và người già
      • Thực phẩm và dinh dưỡng III
      • Bản thân và gia đình
    • Đệ Tứ:
      • Mỹ thuật trong đời sống hàng ngày
      • Nhà cửa và vật dụng trong nhà
      • Săn sóc trẻ em
      • Nghề nghiệp và nữ giới
    • Đệ Tam:
      • Ngân quỹ gia đình
      • Mua sắm vật dụng trong nhà
      • Quản trị gia đình
      • Thêu may
    • Đệ Nhị:
      • Chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân
      • Săn sóc trẻ con
      • Thực phẩm của trẻ con
    • Đệ Nhứt:
      • Thanh thiếu niên trong đời sống cộng đồng
      • Vấn đề nhà cửa trong đời sống gia đình và trong đời sống cộng đồng
      • Thực phẩm của gia đình

Doanh Thương: (sau đây sẽ viết tắt là DT) [13}

  • Trong nếp suy nghĩ của người Việt Nam từ ngàn xưa, DT bị xếp cuối cùng: “Sĩ Nông Công Thương,” đưa đến hiện trang là nền kinh tế nói chung, và DT nói riêng đã bị ngoại kiều chi phối hoàn toàn.
  • Để xóa bỏ khuyết điểm đó, môn DT phải được đưa vào chương trình trung học phổ thông, xếp ngang hàng với các môn văn chương, khoa học hay toán học; học sinh phải được cung cấp kiến thức để hiểu những vấn đề kinh tế thực tiễn và hữu dụng trong đời sống hàng ngày
  • Môn DT giúp học sinh thấu hiểu tầm quan trọng của DT trong sự thịnh vượng của quốc gia
  • Môn DT cũng giúp học sinh trở thành những công dân hữu dụng cho quốc gia với kiến thức thu thập được về một số bộ môn như đánh máy, kế toán, tốc ký, nghề bán hàng, vv.

Ngoài hai phần Giáo dục phổ thông và Giáo dục hướng nghiệp vừa trình bày bên trên, THKMTĐ còn có thêm một số ban ngoại khóa hoạt động rất tích cực và đem lại hiệu quả rất tốt cho việc học tập của học sinh.

Trước tiên là Ban Hướng Dẫn Khải Đạo (với Giáo sư Phạm Văn Quảng là Trưởng Ban, và hai Giáo sư Dương Thủy Ngân, và Mai Thi Thanh là thành viên) có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ các học sinh về nhiều lãnh vực như: học tập (chọn các môn nhiệm ý chẳng hạn), hướng nghiệp, tìm hiểu và giúp các học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý, khó khăn gia đình, vv.

Ban Hướng Dẫn Khải Đạo luôn luôn làm việc sát cánh với hai ban ngoại khóa khác là Ban Hướng Dẫn Đức Dục (với Trưởng Ban là Giáo sư Nguyễn Nhã, và các Giáo sư Dương Thi Kim Sơn, Huỳnh Thị Bạch Tuyết, và Phạm Văn Quảng là thành viên; sẽ nói thêm về Ban này trong phần sau) và Ban Sinh Hoạt Học Đường (với Giáo sư Trần Ngọc Ban là Trưởng Ban).  Sinh Hoạt Hiệu Đoàn tại THKMTĐ cũng rất phong phú vì có cả một buổi chiều Thứ Năm hàng tuần dành cho Sinh Hoạt Hiệu Đoàn gồm cả sinh hoạt Hướng Đạo với các Trưởng Hướng Đạo là các Giáo sư Dương Văn Hóa, Huỳnh Văn Nhì, và Dương Thị Kim Sơn.

Hệ Thống Lượng Giá của THKMTĐ

THKMTĐ đã chuyển hẳn lối chấm điểm theo điểm số (từ 0 đến 20) mà tất cả các trường trung học trên toàn quốc đang áp dụng sang hệ thống chấm điểm theo chữ viết (A,B.C,D,và L) như sau: [14]

  • Điểm A: Rất Giỏi (tương đượng với Hạng Ưu)
  • Điểm B: Giỏi (tương đương với Hạng Bình)
  • Điểm C: Khá (tương đương với Hạng Bình Thứ)
  • Điểm D: Thường (tương đương với Hạng Thứ
  • Điểm L: Loại (Hỏng, Rớt)

Thang điểm đổi điểm số ra điểm chữ

Các bài kiểm tra và bài thi thường được soạn chủ yếu dưới dạng trắc nghiệm với nhiều kiểu khác nhau: điền khuyết, chọn lựa, trả lời vắn tắt. [15]

Học sinh được chọn vào trường trên căn bản thi tuyển tự do và cạnh tranh. Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đi tiên phong trong việc dùng đề thi trắc nghiệm trong việc khảo thí. Muốn lên lớp 12, học sinh phải đậu bằng Hoàn Tất Mỹ Mãn Lớp 11. Muốn tốt nghiệp lớp 12, học sinh phải đậu kỳ thi Chứng Chỉ Thành Chung Trung Học Tổng Hợp (sau này đổi tên thành Tú Tài Tổng Hợp). Vì lý do thử nghiệm của chương trình giáo dục tổng hợp, hai kỳ thi trên được tổ chức trong trường theo đúng tinh thần các nghị định của Bộ Giáo Dục, có thêm phần thi vấn đáp nhiều môn học. Cách chấm điểm của các kỳ thi này có phần khó hơn lối chấm điểm trong các kỳ thi Tú Tài phổ thông bên ngoài. Hai bằng này được coi là tương đương và hưởng cùng quyền lợi như văn bằng Tú Tài I và Tú Tài II. [16]

Cơ Sở Vật Chất của THKMTĐ

Toàn cảnh Trường THKMTĐ 

Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ đức được xây dựng trong Khu Trung Tâm Đại Học Thủ Đức, cách đường Xa lộ Biên Hòa khoảng 1.000 mét và cách trung tâm Sàigòn khoảng 16 km, thuộc xã Linh Xuân Thôn, Quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là Q.Thủ Đức, Tp.HCM).  Diện tích xây cất khu trường là 5.107 m2 (kể cả khu trường mới của Đại học Sư phạm Sàigòn) trên khuôn viên khoảng 5 ha.  Kinh phí xây dựng là 40 triệu đồng cho xây cất cả khu (tài khóa 1963), 6 triệu đồng cho trang bị bàn ghế cho các lớp học và văn phòng, trang bị sơ khởi cho các Phòng Thí Nghiêm. (Tài khóa 1964).” [17]

Tại thời điểm năm 1965, khi vừa được xây cất xong, THKMTĐ là trường trung học có cơ sở vật chất đồ sộ và khang trang nhất tại VNCH.

Ngôi trường đồ sộ và khang trang nhất nước này đã được thiết kế do chính Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, người đã đoạt giải Khôi Nguyên La Mã năm 1955, và cũng chính là người, sau này, vẽ kiểu cho Dinh Độc Lập (tức Phủ Tổng Thống của Đệ Nhị Công Hòa). Việc xây cất được khởi công ngày 26/5/1963 và hoàn tất vào ngày 30/3/1964.

Không ảnh của trường THKMTĐ mới xây cất xong chụp năm1965

Ghi Chú:  1) Dãy nhà A [tòa nhà dài nhất, nằm ngoài cùng bên phải] là Cơ sở mới của ĐHSPSG. 2) Tất cả các cơ sở còn lại là của Trường THKMTĐ, gồm: Giảng Đường, và các dãy nhà B, C, và D.

Về sau, năm 1971, THKMTĐ được Cơ Quan USAID (United States Agency for International Development) cấp ngân sách để xây thêm một câu lạc bộ – nhà ăn cho học sinh rất lớn (với khoảng 600 chỗ ngồi).

Câu lạc bộ – Nhà ăn của THKMTĐ mới xây thêm năm 1971

          Với cơ sở vật chất như thế, THKMTĐ đã có phương tiện để tổ chức các phòng học riêng biệt theo chức năng của từng bộ môn của chương trình giáo dục tổng hợp:

Phòng học cho bộ môn CKN: với rất nhiều máy móc cho từng môn học như Vẽ CKN, Kỹ nghệ gỗ, Kỹ nghệ điện, Ấn loát, vv

Phòng học cho bộ môn KTGĐ: với máy móc, dụng cụ cho các môn học như Thêu may và hàng vải, Thực Phẩm và dinh dưỡng, vv

 

Phòng học cho bộ môn DT: với máy đánh chữ, máy tính, vv.

 

 

 

 

 

 

Phòng thí nghiệm cho các bộ môn Lý-Hóa và Vạn Vật với đầy đủ các trang thiết bị để thí nghiệm, kính hiển vi, vv.

Phòng học cho bộ môn Kiến Thức Xã Hội (Sử Địa) với đầy đủ bản đồ, quả cầu, máy chiếu, vv.

 

Phòng học cho các bộ môn nhiệm ý Âm Nhạc và Hội họa.

Vườn thực tập cho môn Canh Nông: khu đất trống bên ngoài trường, phía bên dãy nhà C đã được dành làm vườn thực tập cho môn Canh Nông

Một đặc điểm nổi bật cần nói thêm về cơ sở vật chất của THKMTĐ, mà ngay cả các trường trung học lớn trên toàn quốc, như Petrus Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương cũng không có, là Thư Viện.

Cái được gọi là “thư viện” tại các trường trung học lớn đó, thật ra chỉ là cái kho sách, hoàn toàn không có các chức năng của một thư viện đúng nghĩa, chỉ để chứa các sách giáo khoa cho học sinh mượn vào đầu năm học và trả lại vào cuối năm. Nhân viên phụ trách các “thư viện” đó chỉ là các nhân viên hành chánh, thư ký hoặc giám thị, hoàn toàn không được huấn luyên gì hết về nghiệp vụ thư viện.  (Tình trạng các thư viện học đường chỉ được cải thiện từ cuối năm 1968 khi một đơn vị của USAID mang tên là Library Development Authority, bắt đầu tổ chức các khóa huấn luyên căn bản thư viện học cho các nhân viên thư viện của các trường học).

Thư Viện Trường THKMTĐ, ngược lại, là một thư viện thật sự với đầy đủ các chức năng chuyên môn và Quản Thủ Thư Viện đều là những người được đào tạo chính quy về nghiệp vụ thư viện. Vị Quản Thủ Thư Viện đầu tiên của Trường là Giáo sư Nguyễn Ứng Long, tốt nghiệp Ban Anh Văn, ĐHSPSG, Khóa 1 (năm 1961), sau đó du học Hoa Kỳ và tốt nghiệp bằng Master of Library Science (M.L.S.) tại Đại Học Peabody, Tiểu Bang Tennessee. Về sau, năm 1970, Giáo sư Long rời Trường THKMTĐ đi nhận chức vụ Giám Đốc Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia.

Người kế vị Giáo sư Long là Giáo sư Lâm Vĩnh Thế (tác giả bài viết này), tốt nghiệp Ban Sử Địa, ĐHSPSG, Khóa 3 (1963), đã được Giáo sư Hiệu Trưởng Phạm Văn Quảng cử đi học một khóa huấn luyên căn bản thư viện học trong 3 tuần lễ tại Sài Gòn do cơ quan USAID tổ chức.  Sau đó, Giáo sư Thế được USAID cấp học bổng, du học Hoa Kỳ hai năm (1971-1973) và tốt nghiệp bằng Master of Library Science (M.L.S.) năm 1973 tại Đại Học Syracuse, tiểu bang New York. Sau khi về nước, Giáo sư Thế là Chủ Tịch Hội Thư Viện Việt Nam, và là Giáo sư Trưởng Ban Thư Viện Học, Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Viện Đại Học Vạn Hạnh. Trong thời gian Giáo sư Thế đi du học thì người thay thế là Giáo sư Nguyễn Ngọc Hoàng, tốt nghiệp thủ khoa Ban Sử Địa, ĐHSPSG, Khóa 10 (1970).  Sau đó Giáo sư Hoàng cũng đã theo học một khóa căn bản thư viện học của USAID, và tốt nghiệp khóa huấn luyện trung cấp thư viện học một năm (1971-1972) tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Giáo sư Thế đã có một bài viết đăng trong Thư viện tập san, cơ quan ngôn luận của Hội Thư Viện Việt Nam, về Thư Viện của Trường THKMTĐ: [18]

 

Phần mở đầu của bài viết “Thư viện Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức” đăng trong Trang Web “Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế”

Đội Ngũ Giáo Sư của THKMTĐ

THKMTĐ đã từng có được một đội ngũ giáo sư hùng hậu gồm một đa số rất lớn là các giáo sư trung học đệ nhị cấp được đào tạo chính quy từ Trường ĐHSPSG về đủ tất cả các bộ môn, và trong số này rất nhiều vị sau đó đã được học bổng du học tai Hoa Kỳ và tốt nghiệp với bằng Cao Học về Giáo Dục (Master of Education).

THKMTĐ, từ khi khai giảng năm học đầu tiên (1965) cho đến biến cố ngày 30-4-1975, đã có được tất cả 5 vị Hiệu Trưởng như sau:

  • Giáo sư Dương Thiệu Tống: 1965-1966
  • Giáo sư Nguyễn Thị Nguyệt: 1966-1968
  • Giáo sư Phạm Văn Quảng: 1968-1972
  • Giáo sư Dương Văn Hóa: 1972-1974
  • Giáo sư Huỳnh Văn Nhì: 1974-1975

Khi khai giảng niên khóa đầu tiên vào năm 1965, THKMTĐ đã có một ban giảng huấn gồm tất cả 21 vị như sau: [19]

Ghi chú: Phần mở đầu của bài viết “Chung một giấc mơ,” đã đăng trong “Nhìn về trường xưa: đặc san 2006, Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức” (GS. Lan Đài (Nhạc) tên thật là Nguyễn Kim Đài, nhạc sĩ với nhiều ca khúc nổi tiếng như: Chiều Thương Nhớ (phổ thơ của Hoàng Hương Trang), Tà Áo Tím, vv.; GS Hoàng Hương Trang (Hội Họa) tên thật là Hoàng Thị Diệm Phương, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật)

Về sau, với số học sinh ngày càng tăng, nhu cầu về giáo sư cũng tăng lên, THKMTĐ đã được tăng cường thêm một số giáo sư mới, phần đông cũng đều là giáo sư trung học đệ nhị cấp đã có một số năm kinh nghiệm dạy học từ các trường trung học lớn từ các tỉnh chuyển về:

  • Ban Triết: các giáo sư Mai Ngọc Đĩnh, và Nguyễn Hữu Hiệp
  • Ban Quốc Văn: các giáo sư Nghiêm Minh Châu, Võ Thị Cưu, Phan Thị Bích Hà, Nguyễn Văn Hiệp, Trần Thái Hồng, Dương Đức Khoáng, Nguyễn Thị Tống Sơn, Mai Thị Thanh, Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Thị Kim Thơ, Trương Thị Lệ Thủy, Phạm Xuân Tích, Vũ Xuân Tràng, và Đinh Đắc Vỹ
  • Ban Pháp Văn: các giáo sư Phan Thị Bạch Điểu, Nguyễn Ngọc Hà, Dương Văn Hóa, Lưu Thị Diệu Lệ, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Đỗ Duy Nội, Lê Tấn Phước, Cao Thu Thủy, và Nguyễn Bá Việt
  • Ban Anh Văn: các giáo sư Cao Lương Chung, Hồ Đình Đóa, Ngô Tôn Huấn, Nguyễn Hữu Khoáng, Nghiêm Văn Minh, Lưu Thị Kỳ Nam, Nguyễn Thị Tuyết Nga, Hoàng Mạnh Ninh, Hà Xuân Phong, Lê Văn Ruệ, Đặng Đức Thanh, Lê Công Văn, và Lê Thành Việt
  • Ban Kiến Thức Xã Hội (Sử Địa): các giáo sư Nguyễn Thái An, Trần Thế Đức, Nguyễn Ngọc Hoàng, Nguyễn Nhã, Bùi Văn Nhự, Nguyễn Xuân Phép, Nguyễn Mạnh Quang, Nguyễn Nhựt Tấn, Lâm Vĩnh Thế, Nguyễn Ngọc Trác, và Trần Anh Tuấn
  • Ban Toán: các giáo sư Nguyễn Hữu Hệ, Nguyễn Nhất Lang, Nguyễn Phú Liễm, Trần Quang Nghĩa, Trần Hữu Nghiệp, Tống Văn Nhàn, Huỳnh Văn Nhì, Đoàn Tấn Phụng, Trần Ngọc Quang, Dương Hồng Quân, Thái Xuân Quế, Trương Văn Thành, Trần Đức Thưởng, và Trần Ngọc Tiến
  • Ban Lý Hóa: các giáo sư Trần Vân Anh, Trịnh Hồng Hải, Bùi Quang Hân, Hà Thị Vinh Hoa, Trương Thiệu Hùng, Mai Nho Lâm, Trịnh Đình Loạt, Trần Thị Thiền, Võ Ngọc Tư, và Nguyễn Duy Ứng
  • Ban Vạn Vật: các giáo sư Châu Ngọc Tốt, Đặng Minh Trí, Trần Thị Tuyết, Hoàng Thị Như Ý
  • Ban Doanh Thương: các giáo sư Nguyễn Thành Danh, Nguyễn Văn Dũng, Phan Thị Hiếu, Phan Thanh Hoài, Trần Thị Hương, Nguyễn Kim Hồng, Hoàng Ngọc Khiêm, Võ Phước Long, và Võ Thị Nguyệt
  • Ban Kinh Tế Gia Đình: các giáo sư Liên Tú Anh, Bùi Thị Ngọc Ân, Nguyễn Thị Bảy, Phạm Thị Minh Dung, Hồ Thị Mỹ Quang, Phan Thị Thúy Nương, Lại Thị Sáu, Đặng Thị Bích Thủy, và Phạm Ánh Tuyết
  • Ban Công Kỹ Nghệ: các giáo sư Lê Văn Hớn, Lâm Hoàng Minh, Nguyễn Văn Nam, Hà Văn Tịnh, và Bùi Khắc Trụ
  • Ban Âm Nhạc: các giáo sư Trương Văn Khuê (Bắc Sơn), Lê Hoàng Long, Trần Thanh Nghị, và Cao Thanh Tùng
  • Ban Hội Họa: các giáo sư Nguyễn Dzoãn Đức, và Đặng Bích Thủy
  • Ban Thể Dục: các giáo sư Huỳnh Thị Liêng, Phan Hữu Thành, Hoàng Như Tùng, và Lê Thị Bạch Tuyết

Phương Pháp Giảng Dạy và Học Tập Tại THKMTĐ

Tỷ lệ giáo sư / học sinh

Trước hết xin đề cập đến về vấn đề sĩ số.  THKMTĐ đã có quyết định ngay từ khi mở trường là mỗi lớp chỉ nhân 35 học sinh thôi, khắc hẳn với sĩ số trung bình là khoảng 50 học sinh cho mỗi lớp tại các trường trung học trên toàn quốc.  Mỗi năm trường chỉ mở thêm 4 lớp Đệ Thất, tức là chỉ nhận thêm vào 140 học sinh mỗi năm.  Riêng cho niên khóa đầu tiên (1965-1966), trường tuyển học sinh cho 2 cấp lớp là Đệ Lục và Đệ Thất, tức là 8 lớp, 4 lớp Đệ Lục và 4 lớp Đệ Thất, với tổng số là 280 học sinh.  Như vậy, trong niên khóa đầu tiên (1970-1971) khi trường có đủ 7 cấp lớp từ Đệ Thất lên đến Đệ Nhất, THKMTĐ có một tổng số học sinh tối đa là 980 học sinh.  Tỷ lệ giáo sư / học sinh, lúc THKMTĐ đã có đủ 7 cấp lớp, vào khoảng 120/980 tức là 1/8, quả thật là một tỷ lệ lý tưởng cho việc kiểm nghiệm chương trình giáo dục tổng hơp mới này.  Với tỷ lệ thầy-trò này cộng thêm với hoạt động rất tích cực của Phòng Hướng Dẫn Khải Đạo, tất cả học sinh của THKMTĐ đã được các giáo sư của từng bộ môn theo dõi, tiếp cận, và hướng dẫn để giúp đở, tiếp tay mỗi khi các em có vấn đề gì về chuyện học hành hay chuyện cá nhân và gia đình.  Có thể nói là các giáo sư biết rất rõ về từng học sinh của mình, một điều khó có thể có được trong các trường trung học khác.

Dạy và Học Theo Phương Pháp Thuyết Trình

Học sinh thuyết trình trong giờ Lý-Hóa dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Trương Thiệu Hùng

         Phương pháp giảng dạy và học tập căn bản của THKMTĐ là phương pháp thuyết trình.  Với chủ trương tránh không phạm vào khuyết điểm từ chương, bắt học sinh học thuộc lòng của đường lối giáo dục cũ, các giáo sư của THKMTĐ đã áp dụng, gần như cho tất cả các bộ môn, cách dạy học mới theo phương pháp thuyết trình, với trình tự như sau:

  • Học sinh được phân thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 4 đến 6 em; học sinh sẽ tự bầu ra trưởng nhóm.
  • Mỗi nhóm sẽ được giao cho một đề tài nằm trong chương trình của môn học.
  • Giáo sư sẽ hướng dẫn tổng quát về đề tài và sách giáo khoa
  • Nhóm sẽ tự tổ chức việc phân công trong nhóm từ việc truy tìm tài liệu ở thư viện (không chỉ giới hạn ở sưu tập của Thư Viện trường), viết bài, thuyết trình, chuẩn bị và trả lời các câu hỏi của các bạn học
  • Giáo sư sẽ tuyệt đối không can thiệp vào trong suốt thời gian của buổi thuyết trình
  • Sau khi buổi thuyết trình hoàn tất, các giáo sư sẽ tổng kết, nêu rõ ưu khuyết điểm của buổi thuyết trình, và, dĩ nhiên, sẽ chính thức lượng giá buổi thuyết trình và cho điểm

Với phương pháp thuyết trình này, các giáo sư THKMTĐ đã thật sự giúp cho học sinh, qua việc truy tìm, và sử dụng tài liệu mà các em đã tìm được, tự tạo ra kiến thức cho chính các em, chớ không phải do sự nhồi nhét của thầy cô, và, do đó, kiến thức đó sẽ vĩnh viễn là một phần của vốn trí thức của các em, và các em sẽ không bao giờ quên được.   Qua việc chuẩn bị cho bài thuyết trình, các em lại học được thêm cách làm việc tập thể, nắm được kỹ thuật phân công, phân nhiệm.  Qua việc thuyết trình và trả lời các câu hỏi của các bạn học, các em sẽ dần dà hoàn chỉnh khả năng trình bày trước đám đông, có khả năng tự chế, tự thắng được các sự lo lắng, rụt rè của bản thân, và có thể tự tạo cho mình khả năng nói chuyện lưu loát về một đề tài.  Người viết bài này đã rất tự hào khi chứng kiến tận mắt sự trình bày lưu loát của các em đại diện học sinh khi phát biểu lời cảm tạ cũng như khi trao quà lưu niệm cho các vị quản trị cơ quan, nhà máy, xí nghiệp trong những lần hướng dẫn các em đi du khảo.

Du Khảo

Ngoài việc sử dụng phương pháp thuyết trình trong việc giảng dạy, các giáo sư THKMTĐ còn tạo thêm cơ hội học hỏi cho học sinh qua các buổi du khảo được tổ chức rất thường xuyên trong suốt năm học.

Du khảo mang nhiều hình thức khác nhau tùy theo bộ môn học tập.   Danh từ “du khảo” tự nó đã cho thấy phương pháp học tập này bao gồm hai đặc tính căn bản là “du” và “khảo.”  Đặc tính “du” cho thấy nơi chốn thực hiện phương pháp này không phải là tại trong khuôn viên của nhà trường mà phải đi ra ngoài.  Đặc tính “khảo” cho thấy nội dung của phương pháp học tập là trực tiếp quan sát, tìm hiểu đối tượng học tập.  Đặc tính thứ nhứt là một điều kiện vật chất, đòi hỏi nhà trường phải cung cấp phương tiện cho Thầy Trò tham gia “du khảo” có thể đi và về giữa nhà trường và địa điểm đến để thực hiện chuyến du khảo.  Trường KMTĐ là trường trung học duy nhất tại Miền Nam trong thời gian đó có dư thừa khả năng này với giàn xe buýt vàng 15 chiếc dùng để đưa đón học sinh.  Các Thầy Cô chỉ cần lên kế hoạch và thông báo trước cho nhà trường thì sẽ có xe để đưa học sinh đi du khảo.  Do đó điều kiện này thật ra không đòi hỏi nhiều công sức đối với các Thầy Cô.  Đặc tính thứ nhì, “khảo” là một điều kiện tinh thần, thật ra mới chính là chuyện quan trọng cho bất cứ chuyến du khảo nào.  Các Thầy Cô phải có kế hoạch thật chi tiết cho các chuyến du khảo. Một mặt phải lo việc chuẩn bị địa điểm du khảo, bao gồm việc liên lạc, tiếp xúc, xác định chương trình, ngày giờ, nhân sự, mua sắm quà lưu niệm, vv.  Mặt khác phải chuẩn bị cho học sinh về mọi mặt để các em có thể tiếp thu tối đa kiến thức và kinh nghiệm trong chuyến du khảo. Trong một số trường hợp, sau các chuyến du khảo, các học sinh phải viết tường trình, cho biết rõ các điều mà các em đã học hỏi được.” [20] 

Đoàn xe buýt vàng và các bác tài xế của THKMTĐ

Du Khảo tại nhà máy VIMYTEX do GS Lâm Vĩnh Thế và GS Nguyễn Văn Tâm thực hiện cho học sinh Ban Công Kỹ Nghệ

Thành Quả của THKMTĐ

Thành Công Kiểm Nghiệm Chương Trình Trung Học Tổng Hợp

Hè 1971, THKMTĐ hoàn tất việc kiểm nghiệm Chương trình Trung học Tổng hợp với việc tổ chức thành công hai kỳ thi:

  • Chứng chỉ Hoàn Tất Mỹ Mãn Lớp 11, được Bộ Giáo Dục công nhận tương đương với Bằng Tú Tài I
  • Chứng Chỉ Thành Chung Trung Học Tổng Hợp, được Bộ Giáo Dục công nhận tương đương với Bằng Tú Tài II (về sau đổi lại gọi là Bằng Tú Tài Tổng Hợp)

Khóa đầu tiên của Trường, tức Lớp 12, niên khóa 1970-1971, có 125 học sinh dự thi, đã có tất cả 105 học sinh đậu Chứng chỉ Thành Chung Trung Học Tổng Hợp, tỷ lệ là 84% với: [21, 22]

  • 2 học sinh đạt Hạng Rất Giỏi (Ưu)
  • 25 học sinh đạt Hạng Giỏi (Bình)
  • 10 học sinh đạt Hạng Khá (Bình Thứ)
  • 68 học sinh đạt Hạng Thường (Thứ)

Với thành quả tốt đẹp này, THKMTĐ được đánh giá là đã thành công hoàn toàn trong việc kiểm nghiệm Chương trình Trung học Tổng hợp, đưa đến kết quả là Bộ Giáo Dục đã “ra nghị định số 2346-GD/TTHBDGD/HV/NĐ ngày 10-12-1971 ban hành chương-trình trung-học tổng-hợp đệ nhất cấp; và nghị định số 5770 GD/TTH/HV/NĐ ngày 22-6-72 ban hành chương trình trung học tổng hợp bậc đệ nhị cấp.” [23]  Hai chương trình giáo khoa cho các trường trung học tổng hợp trên toàn quốc đã bao gồm rất nhiều nội dung chương trình phổ thông của THKMTĐ và hầu như toàn bộ chương trình các môn hướng nghiệp và cả môn Hướng Dẫn Đức Dục.

Đầu niên khóa 1971-1972, Bộ Giáo Dục đã cho thành lập thêm hai trường Trung Học Tổng Hợp lớn tại thủ đô Sài Gòn là Trường Sương Nguyệt Ánh do Giáo sư Đặng Kim Chi, cựu Giáo sư Trung Học Gia Long tại Sài Gòn, làm Hiệu Trưởng và Trường Nguyễn An Ninh với Giáo sư Nguyễn Trung Quân, cưu Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phan Thanh Giản tại Cần Thơ, làm Hiệu Trưởng.[24]

Những năm sau đó, có thêm một số trường trung học tổng hợp khác đã được thành lập tại các tỉnh, nâng tổng số trường trung học tổng hợp tại VNCH (không kể 3 trường Kiểu Mẫu tại Huế, Thủ Đức, và Cần Thơ) lên đến 18 trường như sau:

  • Trung Học Tổng Hợp Sương Nguyệt Ánh, Sài Gòn
  • Trung Học Tổng Hợp Nguyễn An Ninh, Sài Gòn
  • Trung Học Tổng Hợp Lương Văn Can, Quận Tám, Sài Gòn
  • Trung Học Tổng Hợp Quốc Gia Nghĩa Tử, Sài Gòn
  • Trung Học Tổng Hợp Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn
  • Trung Học Tổng Hợp Lý Thường Kiệt, Hóc Môn, Gia Định
  • Trung Học Tổng Hợp Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho
  • Trung Học Tổng Hợp Gia Hội, Huế
  • Trung Học Tổng Hợp Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngải
  • Trung Học Tổng Hợp Dỉ An, Biên Hòa
  • Trung Học Tổng Hợp Phan Thanh Giản, Cần Thơ
  • Trung Học Tổng Hợp Thoại Ngọc Hầu, An Giang (Long Xuyên)
  • Trung Học Tổng Hợp Nguyễn Huệ, Phú Yên (Tuy Hòa)
  • Trung Học Tổng Hợp Nguyễn Trung Trực, Kiên Giang (Rạch Giá)
  • Trung Học Tổng Hợp Chưởng Binh Lễ, An Giang (Long Xuyên)
  • Trung Học Tổng Hợp Kiến Hòa (Bến Tre)
  • Trung Học Tổng Hợp Sa Đéc (Đồng Tháp)
  • Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột (Darlac)

Trường ĐHSPSG đã mở phải thêm Ngành Huấn Luyện Giáo Sư Trung Học Đệ Nhất Cấp Cấp Tốc và Giáo sư Phan Thanh Hoài, Trưởng Ban Doanh Thương của THKMTĐ, đã được cử làm Giám Đốc.  Ngành Huấn Luyện này chỉ mở được 2 Khóa huấn luyện: [25]

  • Khóa 1 (1970-1973): chỉ có Ban Doanh Thương
  • Khóa 2 (1971-1974): có đủ 3 Ban Doanh Thương, Công Kỹ Nghệ và Kinh Tế Gia Đình

Một số học sinh THKMTĐ, tất cả là 26 em, tốt nghiệp khóa đầu tiên (1971) của Trường, đã trúng tuyển, theo học, và tốt nghiệp Khóa 2 như sau:

  • Ban Doanh Thương: chỉ có 1 em là em Nguyễn Đình Đạt
  • Ban Công Kỹ Nghệ: tất cả 12 em, là các em Đoàn Văn Dũng, Lê Thành Đạt, Lê Đình Huy, Nguyễn Ngọc Lễ, Nguyễn Huy Lục, Phạm Quang Ngọc, Lê Ngọc Sơn, Phạm Chí Thành, Lê Thành Trọng, Nguyễn Xuân Tuấn, Trần Quang Tuấn, và Nguyễn Hữu Xương
  • Ban Kinh Tế Gia Đình: tất cả 13 em, là các em Phạm Thị Vân Anh, Trần Thị Thủy Anh, Bùi Thị Ngọc Ân, Nguyễn Ngọc Minh Ẩn, Nguyễn Thị Kim Cúc, Phạm Thị Minh Dung, Trương Thị Hồng, Phạm Thị Ngọc Hương, Đào Thị Bích Loan, Đặng Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Trần Thị Khuê Trinh, và Phạm Ánh Tuyết

Trường ĐHSPSG cũng đã tổ chức một khóa tu nghiệp trong 3 tuần lễ về Hướng Dẫn Khải Đạo cho 20 Giáo sư Trưởng Ban Sinh Hoạt Hiệu Đoàn của các trường Trung Học Tổng Hợp mới thành lập trên toàn quốc vào năm 1973.  Ban giảng huấn của khóa tu nghiệp này gồm các vị giáo sư nhiều kinh nghiệm trong ngành Hướng Dẫn Khải Đạo sau đây:

  • Giáo sư Phạm Văn Quảng (M.S.), cựu Trưởng Ban Hướng Dẫn Khải Đạo và cựu Hiệu Trưởng THKMTĐ, đương kim Giảng sư môn Hướng Đẫn Khải Đạo của ĐHSPSG
  • Giáo sư Huỳnh Văn Quảng (Ph.D), Trưởng Ban Cao Học, và Giảng sư môn Hướng Dẫn Khải Đạo của ĐHSPSG
  • Giáo sư Bill Raines (Ph.D.), Cố vấn về Hướng Dẫn Khải Đạo của Phái Đoàn Cố vấn Giáo Dục của Đại Học Ohio, Hoa Kỳ

Trong các khóa tu nghiệp này, còn có thêm phần huấn luyện về sinh hoạt hiệu đoàn trong 1 tuần lễ do Giáo sư Trần Đại Lộc (thỉnh giảng của ĐHSPSG) phụ trách bao gồm cả Du Khảo Đà Lạt.

Sau khi hoàn tất khóa tu nghiệp này, Giáo sư tham dự viên đã trở về trường và đãm nhận công tác Hướng Dẫn Khải Đạo tai trường của họ.

Về môn Kinh Tế Gia Đình, ĐHSPSG cũng đã tổ chức ba khóa tu nghiệp, mỗi khóa dài 4 tuần lễ, vào mùa hè cho các giáo viên môn Nữ Công Gia Chánh từ các trường công lập trên toàn quốc.  Mục đích các khoa này là huấn luyện cho các giáo viên Nữ Công Gia Chánh về môn học mới là Kinh Tế Gia Đình sẽ được giảng dạy tại các trường Trung Học Tổng Hợp sẽ được thành lập trong tương lai.

Ban điều hành các khóa tu nghiệp này gồm:

  • Giám Đốc: Giáo sư Trần Văn Tấn, Khoa Trưởng ĐHSPSH (Khóa đầu tiên; các khóa sau là Giáo sư Dương Thị Kim Sơn, Trưởng Ban Kinh Tế Gia Đình của THKMTĐ)
  • Giảng Viên: hai giáo sư Dương Thị Kim Sơn và Huỳnh Thị Bạch Tuyết, Ban Kinh Tế Gia Đình của THKMTĐ
  • Các Khóa:
    • Khoá 1: Hè 1967 với 70 học viên
    • Khóa 2: Hè 1969 với 70 học viên
    • Khoá 3: Hè 1974 với 60 học viên

Do nhu cầu phát triển này, ĐHSPSG đã có nghị định thuyên chuyển khá nhiều các vị Giáo sư của THKMTĐ, phần lớn là các vị Giáo sư Trưởng Ban, về phục vụ hẳn tại ĐHSPSG để đảm nhận các trách nhiệm quan trọng sau đây:

  • tổ chức, đào tạo, giảng dạy các khóa Giáo Sư Đệ Nhất Cấp về các môn Doanh Thương, Công Kỹ Nghệ, Kinh Tế Gia Đình để dạy các môn này ở các trường Tổng Hợp
  • về bộ môn Kinh Tế Gia Đình: tổ chức, giảng dạy các lớp Nhiệm Ý cho nam nữ sinh viên Đại Học Sư Phạm Saigon.

Thành Công của Học Sinh THKMTĐ

Trước khi bị giải thể vào cuối năm 1975, và được thay thế bởi Trường Trung Học Thực Hành (hoàn toàn không dinh dáng gì đến chương trình trung học tổng hợp cả), THKMTĐ đã có được 4 khóa tốt nghiệp với bằng Thành Chung Trung Hoc Tổng Hợp (sau đó đổi gọi là Tú Tài Tổng Hợp): đó là các Khóa 1 (1971), Khóa 2 (1972), Khóa 3 (1973), và Khóa 4 (1974).  Rất đáng tiếc, trong tài liệu Lược sử Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (1965-1975), do Giáo sư Huỳnh Văn Nhì, vị Hiệu Trưởng cuối cùng của THKMTĐ, biên soạn rất công phu, không có ghi số thống kê của Khóa 2, như chúng ta thấy trong bảng liệt kê sau đây: [26]

Thống kê về thành quả học tập của Khóa 2 (1965-1972) rất quan trọng trong việc lượng giá chương trình tổng hợp của THKMTĐ vì đó là Khóa đầu tiên của Trường đã theo học trọn đủ 7 năm của chương trình giáo dục này.  Khóa 1 (1965-1971), tuy tốt nghiệp đầu tiên, chỉ học có 6 năm vì khi vào Trường (1965) là ở cấp Lớp Đệ Lục.

Rất may mắn, người viết bài này đã liên lạc được với em Trần Nam Bình thuộc Khóa 2 hiện đang sinh sống tại Úc.  Em Bình đã gửi điện thư cung cấp rất nhiều thông tin liên quan đến thành quả học tập của Khóa 2.  Theo những thông tin này, trích ra từ Kỷ Yếu Khóa 2, số thống kê cho thấy đã có tất cả là 91 (79+12 = 91) trên tổng số 106 học sinh dự thi đã đậu kỳ thi Thành Chung Trung Học Tổng Hợp với tỷ lệ rất cao là 85,8% như sau: [27]

(Ghi chú: Bảng thống kê này có một lỗi nhỏ: Trong cột thứ nhì “Số Ghi tên,” con số 28 của Ban B là sai, con số đúng phải là 38)

Ngoài ra, trong tổng số 91 học sinh đã đậu bằng Thành Chung Trung Học Tổng Hợp cũa năm 1972 đó đã có tất cả là 10 học sinh nhận được học bổng đi du học như sau:

  • 8 em nhận học bổng của Kế Hoạch Colombo (Colombo Plan) đi du học ở Úc Châu, đó là các em Trần Nam Bình, Trương Quang Chuẩn, Nguyễn Vũ Dũng, Nguyễn Huy Hiển, Nguyễn Thị Phượng, Dương Hồng Thành, Lý Đạt Thông, và Nguyễn Mạnh Trình
  • 1 em nhận học bổng quốc gia đi du học ở Tây Đức là em Lê Thị Kim Thu
  • 1 em nhận học bổng quốc gia đi du học ở Ý là em Mai Văn San

Trong điện thư này, em Bình có ghi nhận xét như sau: “Tỷ lệ tám người trên tổng số học sinh THKMTĐ tốt nghiệp TCTHTH là cao nhất trong tất cả các trường có học sinh xin được học bổng Colombo Plan năm 1972.”  Một sự kiện còn đáng lưu ý hơn nữa là trong số 8 em được học bổng của Colombo Plan đi du học tại Úc nói trên đã có đến 4 em tốt nghiệp Tiến sĩ (Ph.D.) tại các Đại Học của Úc như sau:

  • Trần Nam Bình (Đại Học New South Wales, Kinh tế)
  • Nguyễn Vũ Dũng (Đại Học New South Wales, Kỹ sư Hóa học)
  • Nguyễn Huy Hiển (Đại Học New South Wales, Công nghệ Thực phẩm)
  • Dương Hồng Thành (Đại Học Newcastle, Công nghệ Nhiên liệu)

Hai học sinh được học bổng quốc gia đi du học ở Âu Châu, Lê Thị Kim Thu (Đức) và Mai Văn San (Ý) đều tốt nghiệp với bằng Bác Sĩ Y Khoa.

Ngoài ra, cũng chính các học sinh của Khóa 2 này đã trúng tuyển khá nhiều trong các kỳ thi tuyển vào các trường đại học tại Sài Gòn như sau:

  • Đạị Học Sư Phạm:
    • Ban Toán: Trần Nam Bình
    • Ban Lý Hóa: Trương Quang Chuẩn, Phạm Quang Hải, và Đặng Đình Long
    • Ban Anh Văn: Nguyễn Văn Hoàng, và Nguyễn Mạnh Trình
  • Đại Học Kỹ Sư Phú Thọ:
    • Ban Địa Chánh: Trần Nam Bình
  • Đại Học Kiến Trúc: Ong Phát
  • Đại Học Y Khoa: Tiêu Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Băng Khanh, Ngô Hải Nam, Nguyễn Văn Tạo, và Lý Hổng Vân
  • Đại Học Nha Khoa: Lê Lan Phương
  • Đại Học Dược Khoa: Nguyễn Tài Chí (về sau đậu cả bằng Tiến sĩ Dược Khoa)
  • Cao Đẳng Bưu Điện: Trần Nam Bình

Tổng kết: Trong 10 năm hiện hữu (1965-1975), THKMTĐ đã đào tạo được 4 khóa tốt nghiệp chương trình trung học tổng hơp.  Tỷ lệ học sinh đã đậu kỳ thi Thành Chung Trung Học Tổng Hợp là 84,9% (394 / 464), phân phối như sau:

Trong các yếu tố tạo nên sự thành công của THKMTĐ không thể không kể đến các đóng góp tích cực và rất quý báu của Hội Phu Huynh Học Sinh và Giáo Chức của trường (HPHHSGC) trong các công việc rất quan trọng như sau:

  • Phụ trách việc tuyển mộ tài xế cho đoàn xe buýt vàng của trường
  • Đóng góp tài chánh vào việc sửa chữa các xe buýt (thường bị hư hỏng vì toàn là xe cũ được tân trang)
  • Yểm trợ cho quỹ Sinh Hoạt Hiệu Đoàn
  • Trang bị dụng cụ thể thao cho hoc sinh
  • Cung cấp phần thưởng cho các hoc sinh xuất sắc trong lễ phát thưởng hàng năm
  • Tổ chức bửa ăn trưa cho Giáo sư và học sinh
  • Tham dự Hội Đồng Kỷ Luật của trường.

Học Sinh THKMTĐ Giữ Được Bản Sắc Dân Việt

Mặc dù được đào tạo trong một môi trường giáo dục hoàn toàn mới như đã trình bày bên trên, học sinh THKMTĐ, sau khi ra trường, với một số khá lớn đã trưởng thành, tốt nghiệp, và sinh sống tại hải ngoại, cũng như những học sinh vẫn còn sinh sống trong nước, vẫn giữ nguyên được bản sắc của con người Việt Nam.   Đây không phải là một nghịch lý mà chính cũng là một thành quả của lối giáo dục mới đó của THKMTĐ, vì đội ngũ giáo sư của THKMTĐ chủ trương nhìn về tương lai, thu nhận những tinh hoa của các nước tiên tiến, nhưng không quên quá khứ, lịch sử và văn hóa dân tộc.  Trong quyển Kỷ Yếu của Trường niên khóa 1970-1971 đã có ghi rõ như sau:

“Hiện nay Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đang kiểm nghiệm chương trình giáo dục tổng hợp.  Nhà trường đang cố gắng thu thập cái hay của các trào lưu giáo dục trên thế giới đồng thời cố gắng tạo một bản sắc riêng cho Việt Nam.” [28]

Một môn học hoàn toàn mới được đưa vào chương trình học của THKMTĐ: đó là môn Hướng Dẫn Đức Dục, thay thế cho môn Công Dân Giáo Dục trước kia, với những trọng tâm về nhà trường (Lớp 6), gia đình (Lớp 7), quốc gia (Lớp 8; các chủ đề của môn Công Dân Giáo Dục được chuyển vào đây), và xã hội (Lớp 9), và với những chuyên đề như: âm nhạc truyền thống, dân ca, quốc hồn quốc túy, trang phục, phong tục Việt Nam, vv.  THKMTĐ cũng đã tổ chức hàng loạt các sinh hoạt ngoại khóa xoay quanh các trọng tâm và chuyên đề đó, như các Trại Hướng Dẫn Đức Dục, Trại Về Nguồn, vv.[29]

Người Trưởng Ban Hướng Dẫn Đức Dục là Giáo sư Nguyễn Nhã đã đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng nội dung của chương trình môn học cũng như việc thực hiện chương trình qua công tác phối hợp nhịp nhàng với các sinh hoạt hướng dẫn khải đạo và sinh hoạt hiệu đoàn đem lại sự quan tâm, theo dõi, và hứng thú trong việc học tập của học sinh.

Sự phối hợp nhịp nhàng này còn mang tính sáng tạo đã được thể hiện một cách trọn vẹn qua sinh hoạt “cùng khóa” (co-curriculum) vô cùng mới mẻ như sau:

  • sinh hoạt câu lạc bộ với các nhóm Sử Địa, Văn Hoc Nghệ Thuật, Khoa Học, Công Kỹ Nghệ, Kinh Tế Gia Đình, Doanh Thương, Anh Văn, Pháp Văn, và Hùng Biện
  • sinh hoạt trại với hàng loạt trại cho học sinh như Trại Hướng Dẫn Đức Dục, trại đào tạo huynh trưởng đệ nhất cấp của lớp 9, và Trại Về Nguồn của lớp 12
  • sinh hoạt thể hiện bản sắc Việt như dựng nêu, nấu bánh chưng trong dịp Tết Nguyên Đán
  • sinh hoạt mới mẻ về báo chí học đường: trong khi báo Xuân của các trường trung học trên toàn quốc trong thời gian đó phần đông chỉ chú trọng về văn nghệ, tờ “Xuân Tổng Hợp” của học sinh THKMTĐ đã đặt nặng khía cạnh thông tin và nghiên cứu, gồm những bài phỏng vấn những bậc tài danh như Nhạc sĩ Phạm Duy, Nhạc sĩ Lê Thương, Ông Nghè Nguyễn Sỹ Giác (vị Tiến sĩ Nho học cuối cùng của Việt Nam), vv.

Kết quả cụ thể là việc tổ chức Lễ Kỷ Niệm 5 Năm Thành Lập Trường, đã được giao cho học sinh làm với chính các em làm Trưởng Ban Tổ Chức và các Trưởng Tiểu Ban cho các Tiểu Ban Triển Lãm, Văn Nghệ, Thi Đấu Thể Thao, vv. và các em đã thành công hết sức mỹ mãn, khiến cho Lễ Kỷ Niệm đã diễn ra thật tốt đẹp.

Hai nét nổi bật nhất của việc giữ được bản sắc Việt này của các học sinh THKMTĐ là: lòng tôn sư trọng đạovà tình nghĩa với thầy cô và bạn học.

Hiện nay, một số khá đông các cưu học sinh THKMTĐ đã bước vào tuổi nghĩ hưu, đã có cháu nội ngoại, nhưng lòng tôn kính của các em đối với các thầy cô ngày xưa trước sau vẫn như một, hoàn toàn không một chút thay đổi.  Chuyện tổ chức mừng sinh nhựt thầy cô, viếng thăm, an ủi khi thầy cô đau ốm hay gặp hoạn nạn, diễn ra gần như quanh năm, không phải chỉ thực hiện cho có lệ vào Ngày Nhà Giáo,  Các học sinh THKMTĐ không những tỏ lòng tôn sư trọng đạo đối với các thầy cô đã dạy mình mà còn luôn luôn tôn trọng và biết ơn ngay cả đối với các nhân viên văn phòng, các bác lao công, và các bác tài xế lái các xe buýt vàng của nhà Trường lo việc đưa rước các em đi học mỗi ngày.  Tác giả bài viết này thật sự vô cùng cảm động trước hình thức tôn sư trọng đạo mở rộng quá đặc biệt này của các học sinh THKMTĐ.

Thăm Thầy Nghiêm Văn Minh (Giáo sư Anh Văn) tại Bà Rịa ngày 4-1-2020

Thăm Cô Nguyễn Thị Kim Thơ (Giáo sư Việt Văn, đang bịnh) và Thầy Trần Ngọc Ban (phu quân của Cô Thơ, Giáo sư Kiến Thức Xã Hội) tại Quận 1, Sài Gòn, ngày 6-1/2020

Thăm Bác Nguyễn Văn Hai (Tài xế lái xe buýt của Trường) tại Quận 2, Sài Gòn, ngày 20-1-2020

Về phần tình nghĩa đối với thầy cô và các bạn đồng môn thì học sinh THKMTĐ cũng thể hiện rất là đậm đà và sâu sắc.  Ngoài việc các học sinh THKMTĐ được đào tạo về môn Hướng Dẫn Đức Dục từ các lớp đệ nhứt cấp như đã trình bày bên trên, chúng ta còn phải kể đến một yếu tố khách quan nữa: đó là việc thầy cô và học sinh THKMTĐ gần gủi và chia xẻ kinh nghiệm cũng như kỷ niệm với nhau nhiều hơn rất nhiều so với các trường trung học khác trên toàn quốc:

Tình thân giữa thầy trò KMTÐ có một khác biệt lớn so với tình thầy trò ở các trường trung học khác ở Việt Nam. Thầy trò KMTÐ không những gần gủi nhau trong việc học và dạy mà còn trong nhiều mặt sinh hoạt khác không có tại các trường khác: chung đụng nhau suốt ngày tại trường; đón xe, đi xe chung với nhau; cùng học hỏi với nhau trong các chuyến du khảo; thảo luận, chia xẻ, góp ý với nhau về những vấn đề riêng tư trong các buổi hướng dẩn khải đạo, vv. Có ai trong chúng ta mà không có những kỹ niệm về những buổi đón xe mà xe không đến, về những buổi chiều tan trường thầy trò chen chúc nhau trên xe vì phải dồn lộ trình, về những cuộc hát ví “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, chạy vô” ồn ào vui nhộn trên xe trong suốt lộ trình từ Thủ Ðức về Sài Gòn, về những Trại Hè Vũng Tàu, Trại Hè tại trường với trường kết nghĩa Trung Học Bến Lức, về những cuộc “lùng soát” của các giáo sư trong thời gian nhà trường áp dụng “chế độ ngủ trưa.” Và chắc chắn nhiều người trong chúng ta cũng khó quên được những kỹ niệm đau buồn của trường như trong vụ tử nạn của em Nguyễn Văn Mai. Và làm sao mà quên được hình ảnh cây nêu cao nghệu được thầy trò hợp sức dựng lên trước giảng đường mỗi năm vào dịp Tết. Tất cả kết hợp lại một cách tuyệt vời để tạo nên tình cảm keo sơn trong lòng mỗi người chúng ta.   Với năm tháng, tình thân KMTÐ đã biến thành TÌNH NGHĨA KMTÐ. Tình nghĩa KMTÐ nầy thể hiện rõ nét qua bao nhiêu hoạt động tương trợ –không thể kể hết được– giữa những con người KMTÐ ở trong nước cũng như tại hải ngoại.” [30]

Một Quỹ Tương Trợ do Giáo sư Dương Thị Kim Sơn, Giáo sư Anh Văn, Hướng Dẫn Đức Dục và cũng là Trưởng Ban Kinh Tế Gia Đình của Trường, kêu gọi thành lập vào tháng 1-2001, và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các cựu giáo sư và học sinh THKMTĐ tại hải ngoại, đã được thành lập để giúp đỡ giáo sư và học sinh ở trong nước và tại hải ngoại trong những hoàn cảnh khó khăn.  Hai bộ phận cựu học sinh THKMTĐ trong nước và hải ngoại hàng năm đều tổ chức họp mặt để chung vui và thăm hỏi các thầy cô và bạn bè.  Các em cũng luôn luôn thăm viếng và chia xẻ với gia đình của các thầy cô và thân hữu trong những lúc hoạn nạn, khó khăn, bệnh tật, tang chế, vv.

Thầy trò THKMTĐ viếng tang lễ Thân Mẫu Cô Dương Thủy Ngân (Giáo sư Pháp Văn, và Hướng Dẫn Khải Đạo), ngày 25-5-2009

Thân hữu THKMTĐ viếng tang lễ Thân Mẫu bạn Bùi Thị Xuân Minh (Khóa 1), ngày 8-9-2020

Thân hữu THKMTĐ thăm bạn Nguyễn Quang An (Khóa 2) đang dưỡng bệnh sau khi phẩu thuật cột sống cổ và lưng tại nhà, ngày 14-10-2019

          Hiện nay các cựu học sinh của THKMTĐ, mà phần lớn đã bước vào tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận,” đã thực hiện được hai Trang Web với rất nhiều bài vở và hình ảnh về ngôi trường mà các em đã có rất nhiều kỷ niệm vui buồn trong thời tuổi trẻ.

Trang Web của các cưu học sinh THKMTĐ ở trong nước có thể truy cập tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/

Trang Web của các cưu học sinh THKMTĐ ở hải ngoại có địa chỉ Internet như sau: http://kieumauthuduc.org . Tuy nhiên, trang Web hải ngoại này hiện nay đang được điều chỉnh và nâng cấp, tạm thời không thể truy cập được.

Thay Lời Kết

THKMTĐ, tuy sinh sau đẻ muộn, so với các trường trung học lớn khác ở Sài Gòn và các tỉnh, đã có những đóng góp rất quan trọng cho nền giáo dục của VNCH.  THKMTĐ đã kiểm nghiệm thành công một chương trình giáo dục và một phương pháp giảng dạy hoàn toàn mới mẻ dựa trên đúc kết của những trào lưu giáo dục tân tiến trên thế giới nhưng vẫn giữ được những gia sản quý báu của văn hóa dân tộc.  Từ sự thành công tại THKMTĐ, đường lối và phương pháp giáo dục mới này đã được mang ra áp dụng trên gần 20 trường trung học tổng hợp khác trên toàn quốc.  Do biến cố ngày 30-4-1975, THKMTĐ chỉ mới đào tạo được 4 khóa với gần 400 học sinh tốt nghiệp bằng Thành Chung Trung Học Tổng Hợp (Tú Tài Tổng Hợp).  Điều đáng vui mừng và tự hào cho các các nhà giáo của Trường là các cựu học sinh THKMTĐ, dù tốt nghiệp hay không tốt nghiệp chương trình giáo dục tân tiến này của THKMTĐ, dù còn sống trong nước hay đã ở hải ngoại, đã và đang có những đóng góp rất tích cực cho xã hội.  Trên hết, các cựu học sinh THKMTĐ, trong và ngoài nước, vẫn luôn luôn gìn giữ những giá trị văn hóa cao đẹp của người Việt Nam: TÌNH NGHĨA ĐỒNG MÔN và TINH THẦN TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO.

GHI CHÚ:

  1. Phạm Cao Dương, “Sự liên tục của lịch sử trong nền giáo dục của Miền Nam thời trước năm 1975,” trong Giáo dục ở Miền Nam Tự Do trước 1975 (Education in South Vietnam before 1975). Santa Ana, CA: Lê Văn Duyệt Foundation và Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long, 2006, tr. 130.
  2. Nguyễn Hữu Phước, “Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam (1954-1974): Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng,” trong cùng tài liều vừa dẫn bên trên, tr. 136.
  3. Trần Văn Chánh, “Giáo dục miền Nam Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/s-t-u-v/tran-van-chanh/giao-duc-mien-nam-viet-nam-1954-1975-tren-con-duong-xay-dung-va-phat-trien. Tác giả ghi rõ như sau: “Đại hội Giáo dục Quốc gia lần II năm 1964 (gọi là Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964) tiếp tục tái xác nhận ba nguyên tắc định hướng căn bản nhưng sửa lại thành: nhân bản, dân tộc, khoa học.”
  4. Trường Trung Học Kiểu Mẫu (thuộc Trường Đại-Học Sư-Phạm, SAIGON): Dự án Đại Cương để Đệ Trình Hội-đồng Khoa Đại-học Su-Phạm. Saigon: Đại-học Sư-Phạm, Tháng 3 năm 1965. 14 trang.  Tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.kieumauthuduc.org/images/KMTD_Docs/DuAnDaiCuong1965.pdf
  5. Phạm Văn Quảng, “Việc chuẩn bị Chương Trình Trung Học Tổng Hợp,” trong cùng tài liệu đã dẫn tại các Ghi chú số 1 và số 2, tr. 182-183. Giáo sư Phạm Văn Quảng, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Anh Văn, Khóa 1 (1958-1961), Giáo sư môn Anh Văn tại Trường Trung Học Petrus Ký, sau đó du học tại Hoa Kỳ, tốt nghiệp bằng Bachelor of Art, Đại Học George Peabody College, Tennessee, và bằng Master of Education, Đại Học Southern Illinois University (SIU), Hoa Kỳ, chính là Giáo sư Trưởng Ban Hướng Dẫn Khải Đạo của THKMTĐ và cũng là vị Hiệu Trưởng thứ ba của Trường.
  6. Trường Trung Học Kiểu Mẫu, tài liệu đã dẫn, tr. 2.
  7. Trường Trung Học Kiểu Mẫu, tài liệu đã dẫn, cùng trang.
  8. Phạm Văn Quảng, “Đúc kết ý nghĩa của chương trình thực nghiệp trong hệ thống giáo dục và hướng dẫn,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/mon-hoc-huong-nghiep/114-y-ngha-ca-chng-trinh-thc-nghip.html
  9. Trấn Cẩm Hồng, “Tầm quan trọng của môn Công Kỹ Nghệ,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/mon-hoc-huong-nghiep/110-tm-quan-trng-ca-mon-hc-cong-k-ngh.html Giáo sư Trần Cẩm Hồng, tốt nghiệp Bachelor of Science in Industrial Arts, Đại Học Ohio, Hoa Kỳ, chính là Giáo sư Trưởng Ban Công Kỹ Nghệ của THKMTĐ.
  10. Nguyễn Văn Nam, “Nội dung môn Công Kỹ Nghệ,“ tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/mon-hoc-huong-nghiep/111-ni-dung-mon-cong-k-ngh.html Giáo sư Nguyễn Văn Nam, tốt nghiệp Bachelor of Science in Industrial Arts, Đại Học Indiana, Hoa Kỳ, là Giáo sư ban Công Kỹ Nghệ của THKMTĐ.
  11. Dương Thị Kim Sơn, “Tầm quan trọng của môn Kinh Tế Gia Đình,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/mon-hoc-huong-nghiep/112-tm-quan-trng-ca-mon-kinh-t-gia-inh.html?showall=1 Giáo sư Dương Thị Kim Sơn, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Anh Văn, Khóa 1 (1958-1961),  Bachelor of Science in Education (1963), Master of Science (1964), Đại Học Ohio, HoaKỳ, và Post Graduate, Queen Elizabeth College / University of London, Anh Quốc (1972-1973), là Giáo sư các môn Anh Văn, Hướng Dẫn Đức Dục, và cũng chính là Giáo sư Trưởng Ban Kinh Tế Gia Đình của THKMTĐ.
  12. Huỳnh Thị Bạch Tuyết, “Phân phối chương trình Kinh Tế Gia Đình,” trong cùng tài liệu trực tuyến vừa ghi bên trên ở Ghi Chú số 11.  Giáo sư Huỳnh Thị Bạch Tuyết, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Vạn Vật, Khóa 1 (1958-1961), Bachelor of Science in Education (1963), Master of Science (1964), Đại Học Ohio, HoaKỳ, và Post Graduate, Queen Elizabeth Colleg / University of London, Anh Quốc (1972-1973), là Giáo sư môn Kinh Tế Gia Đình của THKMTĐ.
  13. Phan Thanh Hoài, “Giáo dục Doanh Thương trong chương trinh trung học phổ thông,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/mon-hoc-huong-nghiep/113-giao-dc-doanh-thng-trong-chng-trinh-ph-thong.html Giáo sư Phan Thanh Hoài, tốt nghiệp Master of Education, Đại Học Kent State, Hoa Kỳ, chính là Giáo sư Trưởng Ban Doanh Thương của THKMTĐ.
  14. Huỳnh Văn Nhì, “Lược sử Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/lich-su-cua-truong/thay-co-viet/209-lch-s-trng-chng-2-phn-1.html Giáo sư Huỳnh Văn Nhì, tốt nghiệp Ban Toán, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Khóa 4 (1964), chính là Giáo sư Ban Toán, Giám Học, và cũng là vị Hiệu Trường cuối cùng của THKMTĐ. Xin xem chi tiết về Hệ Thống Lượng Giá của THKMTĐ tại Chương 4 của tài liệu này với tựa đề Phương pháp đánh giá thành quả học tập của học sinh Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức.
  15. Phanxipăng, “Nhớ trường Kiểu Mẫu,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.rongmotamhon.net/static/chimvie3/55/phanxipn_155NhoTruongKieuMau.htm
  16. Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.facebook.com/saigontoiyeu54/posts/979047485591835/
  17. Huỳnh Văn Nhì, tài liệu đã dẫn, Chương 1, tr. 25.
  18. Lâm Vĩnh Thế, “Thư viện Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức,” đã đăng trong Thư viện tập san, Bộ mới, số 10, Đệ 4 TCN (1970), tr. 25-31, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn trong Trang Web Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế tại địa chỉ Internet sau đây: https://drive.google.com/file/d/0B3Hpasd2o_vcdjMyMXNVa3VmSzQ/viewGiáo sư Lâm Vĩnh Thế, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Địa, Khóa 3 (1963), Master of Library Science, Đại Học Syracuse, New York, Hoa Kỳ (1973), chính là Giáo sư môn Kiến Thức Xã Hội, và Quản Thủ Thư Viện của THKMTĐ.
  19. Lâm Vĩnh Thế, “Chung một giấc mơ,” đã đăng trong Nhìn vể trường xưa: đặc san 2006, Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, 76-77, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn trong Trang Web Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế tại địa chỉ Internet sau đây: https://drive.google.com/file/d/0B3Hpasd2o_vcdFFXNXliUTFuRkU/view
  20. Lâm Vĩnh Thế, “Du Khảo: một nét đặc thù của chương trình giáo dục của Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn trong Trang Web Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế tại địa chỉ Internet sau đây: https://drive.google.com/file/d/0B3Hpasd2o_vcdTdURmliZlJNS2M/view
  21. Huỳnh Văn Nhì, tài liệu đã dẫn, Chương 4, tr, 147.
  22. Phạm Gia Vinh, điện thư ngày 24-10-2020, lúc 10:31 PM; em Vinh, cựu Trưởng Ban Đại Diện Học Sinh THKMTĐ, tốt nghiệp Hạng Giỏi, Khóa 1 (1971), du học Hoa Kỳ, tốt nghiệp Kỹ Sư, thì tổng số học sinh đã trúng tuyển Hạng Giỏi bằng Thành Chung Trung Học Tổng Hơp của năm 1971 là 26, chứ không phải là 25 như trong tài liệu của Giáo Sư Huỳnh Văn Nhì.
  23. Phạm Văn Quảng, tài liệu đã dẫn, tr. 185.
  24. Nguyễn Trung Quân, “Đôi điều ghi nhớ về trường trung học tổng hợp ở Miền Nam Việt Nam,” trong Giáo dục ở Miền Nam Tự Do trước 1975 (Education in South Vietnam before 1975), tài liệu đã dẫn bên trên, tr. 194-195.
  25. Chương trình huấn luyện giáo sư Trung học Tổng hợp, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/lich-su-cua-truong/tu-lieu1/678-khoa-hun-luyn-giao-s-cac-mon-tng-hp-i-hc-s-phm-sai-gon.html
  26. Huỳnh Văn Nhì, tài liệu đã dẫn, Chương 4, tr. 147.
  27. Trần Nam Bình, điện thư ngày 24-10-2020, lúc 12:46 PM, trong Attachment; Trần Nam Bình, khóa 2 của THKMTĐ, tốt nghiệp Hạng Rất Giỏi (1972), du học tại Úc Châu, đậu Tiến sĩ (Ph.D.) về Kinh Tế tại Đại Học New South Wales, hiện là Giáo sư (Professor) của Đại Học New South Wales về Thuế Vụ (Taxation) từ Tháng 7/1991. Tiến sĩ Bình cũng là Giáo sư của Đại Học RMIT, và là Giáo sư Thỉnh Giảng (Visiting Professor) tại các Đại Học Nông Nghiệp và Đại Học Tôn Đức Thắng của Việt Nam.
  28. Nguyễn Nhã. Chân dung người thầy thế kỷ XX / Hãn Nguyên Nguyễn Nhã.  T/P Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2017, tr. 76.  Giáo sư Nguyễn Nhã, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Địa, Khóa 5 (1965), là Trưởng Ban của các ban Nghiên Cứu, Hướng Dẫn Dức Dục và Kiến Thức Xã Hội của THKMTĐ.  Năm 2003, Giáo sư Nguyễn Nhã đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Sử học về đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”  Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng là tác giả nguyên tác tiếng Việt của cuốn sách Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa do Nhà Xuất Bản Giáo Dục xuất bản năm 2014, sau đó đã được Giáo sư Lâm Vĩnh Thế dịch sang Anh ngữ và đã được Nhà Xuất Bản Routledge của Anh Quốc xuất bản vào năm 2019 dưới tựa đề Vietnam, territoriality, and the South China Sea: Paracel and Spratly Islands.
  29. Nguyễn Nhã, tài liệu vừa dẫn ngay bên trên, tr. 69-70.

Lâm Vĩnh Thế, “Tình nghĩa Kiểu Mẫu Thủ Đức,” tài liệu tực tuyến, có thể đọc toàn văn trong Trang Web Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế tại địa chỉ Internet sau đây: https://drive.google.com/file/d/0B3Hpasd2o_vcTGEyTFV1WENJZ3c/v

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates