Published
12 tháng trướcon
12 Tháng Mười, 2021By
Trùng DươngDi sản sách báo Miền Nam Việt Nam trên mạng (phần 1, Phần 2)
Bài này gồm hai phần, như nêu trong tựa bài. Phần đầu giới thiệu bộ báo Sóng Thần và một số báo khác do anh Võ Phi Hùng ở Virginia thực hiện, và được Kho Sách Xưa của ông Hùynh Chiếu Đẳng phổ biến gần đây. Và phần thứ hai duyệt lại và bổ túc một bài tôi soạn cách đây trên hai năm về các nỗ lực phục hồi sách báo xuất bản ở Miền Nam truớc 1975. Có thể còn những nỗ lực khác mà người viết không được biết tới, xin độc giả tùy nghi bổ túc.
Ngoài các bộ báo như đã đề cập ở trên, Kho Sách Xưa của Quán Ven Đường còn chứa một số sách xuất bản truớc 1975 ở Miền Nam, có nhiều phần là do được khách qua đường đọc xong bỏ lại tặng, tất nhiên là phần lớn không ghi nguồn. Sách hay báo đều có thể được tải xuống để đọc offline.
Giống như một cái kho sô bồ, site này cũng không có chức năng Tìm Kiếm. Thành ra, cách hay nhất khi muốn tìm một cuốn sách hay báo nào là… viết điện thư hỏi chủ quán Huỳnh Chiếu Đẳng.
Theo thông cáo dán tại đây, thì đây là là “một thư viện online vô vị lợi, sách báo trong thư viện được: Các thành viên của diễn đàn đánh máy và gửi lên,” hoặc “Sưu tầm từ các nguồn khác nhau, hoặc do tác giả và các bạn hảo tâm gửi tặng.” Người coi thư viện cũng nói thẳng thừng là “Sách trên thư quán chỉ có thể đọc Online và được để ở các Định dạng: Text, PDF, Epub, Audio, Image.”
Cũng theo VNTQ, Trang Truyện hiện có 14672 tác phẩm tại 734 trang, thấy có nhiều sách Miền Nam trước 1975. Sách được sắp xếp theo thứ tự thời gian gửi lên, có thể kiếm dưới tên tác giả hoặc tựa sách.
Tôi thử tìm bằng tên tác giả, thì thấy có hai tập truyện được đánh máy lại, tuyển tập Lập Đông và Mưa Không Ướt Đất, thấy có ghi nguồn lấy từ đâu hoặc do ai đánh máy gửi lên, không tới nỗi “vô tư.” Hai tập này thì tôi đã thấy ai đó “vô tư” xuất bản (sách giấy) từ thập niên 1980, khi loại ebooks chưa ra đời, mà tôi tình cờ tìm thấy ở một thư viện công nơi có một cộng đồng người Việt. Sở dĩ tôi biết là sách được chụp lại và in ở Mỹ nhờ trang bìa sau có đề giá mấy đồng Mỹ kim. Tôi nhớ hồi ấy, khi khám phá ra hai tập truyện của mình được tái bản, đã nghĩ bụng ai mà hoài hơi đi in lại truyện của tôi vì chúng khó đọc và không ăn khách. Tôi thường in lại các truyện ngắn thành tập để giữ cho tiện, và cũng theo lời khuyên dạo đó của cố chủ bút tạp chí văn học Văn, Trần Phong Giao, “cầm cuốn sách truyện đã in thành sách đôi khi cũng là một cách gợi hứng cho mình nữa.” Xin mở ngoặc để kể một giai thoại với cố chủ bút TPG, đồng thời gửi tới vong linh anh một lời tri ân chưa được ngỏ. Anh chính là người thúc đẩy tôi và điều đình với nhà xuất bản Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương mua và in tập truyện đầu tay Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn của tôi, với tiền bản quyền trả một lúc là 10 ngàn đồng, vì anh TPG thấy tôi cần tiền đi sinh cháu đầu lòng. Một lần khi biết được cái động lực bán truyện đó, ông Khai Trí không vui vì nghe không có vẻ văn nghệ tị nào. Nhưng ông không biết đó mới là lý do cao cả hơn cả lý do văn nghệ nữa. Xin đóng ngoặc.
Khi bắt đầu có Internet vào năm 1995 (do việc Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển giao hệ thống Internet lại cho tư nhân xử dụng sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc), hai tập truyện Mưa Không Ướt Đất và Lập Đông của tôi sau đó lại được ai đó đánh máy lại và nhởn nhơ luân lưu xuất hiện trên nhiều trang mạng.
Viet Messenger – Truyện Miền Nam Truớc 1975
Viet Messenger có thể nói là một trong những nơi lưu trữ sách tiếng Việt nhiều tuổi nhất và có riêng một khu dành cho Sách Truyện Miền Nam trước 1975, như screenshot trên. Kho sách này có chức năng Tìm kiếm hoặc bằng tên tác giả, hoặc bằng tựa sách. Có cuốn cho tải xuống, hoặc dạng PDF hoặc ePub. Cũng có nhiều cuốn phải đọc tại chỗ. Nhưng dù đọc hay tải xuống, khách phải đăng ký mới được vào. Có cuốn đánh máy lại, cũng có cuốn chụp/scan. Có những cuốn đọc tại chỗ (có thể là do VM thực hiện nên… giữ bản quyền chăng?), cứ vài trang lại thấy một cái watermark to chình ình chiếm mất mấy giòng, người đọc được hướng dẫn dùng cursor để “vén” từng phần của cái watermark để đọc vài chữ xong lại “vén” tiếp để đọc chữ kế, cứ như là chơi bịt mắt bắt dê ấy.
Cũng tại kho lưu giữ này, người viết thấy có hai tập truyện như kể trên, và một cuốn truyện dịch của mình được phổ biến. Lại thấy có vài tập sách khác cũng hiện lên trong kết quả Tìm kiếm (chứng tỏ chức năng Tìm kiếm khá mạnh, có vẻ đọc được cả chữ trong bản PDF), mở ra thì thấy đó là vì trong đó có hai truyện ngắn của Trùng Dương được in trong hai tuyển tập. Đặc biệt có một truyện ngắn tôi viết mà quên bẵng đi vì đã không cắt giữ. Vui như tìm được một đứa con thất lạc, loay hoay tính in ra để đọc lại mà không bị mấy cái watermark cản trở, nhưng khi bấm “control + P” thì chỉ thấy một màn hình trắng xoá, thì biết là không được phép in.
Trở lại trang đầu thì thấy VM quảng cáo là vì tháng Mười là National Book Month nên nhóm chủ trương cho biết “mỗi ngày sẽ đưa lên một cuốn sách của một tác giả nổi tiếng từ 1954-1975 của Miền Nam.” Vậy mời bạn đọc yêu mến sách xưa đón xem.
“Có ước tính vào khoảng 180 triệu cuốn sách của Miền Nam (khoảng 30 ngàn tựa sách) [Không rõ bằng cách nào VM tới được các con số này—td] đã bị đốt/hủy diệt/tịch thu bởi chế độ Cộng sản. Nhiều cuốn thuộc kho tàng văn hoá này đã thất lạc vĩnh viễn,” VM viết bằng tiếng Anh, tôi lược dịch lại. “Tại vietmessenger, sứ mệnh của chúng tôi là tìm những cuốn sách này và phổ biến tới công chúng. Nếu bạn có bất cứ cuốn sách nào thì xin giúp chúng tôi bảo tồn Văn chương Miền Nam bằng cách chụp lại hay gửi tặng chúng tôi.” Tiếp theo là VM xin bạn đọc hãy tiếp tay tài trợ để duy trì và số hoá thêm sách.
Theo Wikipedia, Talawas “ban đầu là một trang mạng văn học, sau đó thêm vào các đề tài chính trị, xã hội và từ năm 2009 là diễn đàn và blog, được thành lập từ năm 2001 và do nhà văn Phạm Thị Hoài làm tổng biên tập.” Trang mạng này cũng còn duy trì một tủ sách gồm một số sách xuất bản tại Miền Nam truớc 1975, được đánh máy lại và phổ biến nơi trang mạng trên.
Kể từ cuối năm 2010, Talawas đã ngưng hoạt động. Tuy vậy, Wikipedia cho biết, toàn bộ kho lưu trữ bài vở vẫn được bảo quản và duy trì trên mạng, kể cả các trang dành cho sách Miền Nam.
Tủ sách Di sản văn chương Miền Nam
Nhà văn Trần Hoài Thư có lẽ là một trong những người đầu tiên sớm cất công lặn lội tới lui nhiều lần thư viện Đại học Cornell ở tiểu bang New York để sao lục sách vở xuất bản tại Miền Nam truớc 1975, nhưng anh chỉ chuyên chú vào loại sách báo văn học. Anh may mắn có được sự tiếp tay đắc lực, với cùng một đam mê không kém anh, đó là chị Ngọc Yến, vợ anh. Viết về cuộc tình nẩy sinh từ văn chương và công trình vãn hồi di sản văn học của Miền Nam của hai anh chị, chi tiết và cả lâm ly hơn cả có lẽ phải kể tới bài này của anh bạn nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh.
Tôi chỉ nhớ là lần đầu tiên cách nay khoảng trên chục năm, không biết do duyên từ đâu, tôi nhận được bộ sách, đóng bằng tay, ba cuốn truyện Miền Nam do chủ nhân Thư Quán Bản Thảo sưu tầm, đánh máy lại, in thành sách, gửi tặng, kèm theo cả một lời cám ơn đã đóng góp vào kho tàng văn học của Miền Nam. Một ngạc nhiên thú vị đối với tôi nữa là trong một cuốn có một cái truyện ngắn của tôi viết từ hồi nào, đăng ở đâu, thất lạc tới độ tôi không nhớ là đã từng viết, nhưng đọc lại thì nhận ra văn và bối cảnh của truyện ngắn mượn từ một chuyến đi thăm Côn Sơn với một phái đoàn báo chí.
Ngoài việc xuất bản tạp chí Thư Quán Bản Thảo, nay đã phát hành được gần 100 số và là một tạp chí văn học hiếm hoi còn tiếp tục ra mắt (báo giấy) ở hải ngoại, anh Trần Hoài Thư cho biết ngoài một số sách, anh có sưu tập được toàn bộ một số các tạp chí xưa, gồm Chính Văn, Khởi Hành, Nghệ Thuật, Tân Văn, Vấn Đề và Sáng Tạo. Vì nguyên thủy là một cái Blog, nên Tủ sách Di sản Văn chương Miền Nam có cái sắp xếp tùy tiện tùy hứng. Nó giống như một quán cà phê sách–tiếc là thiếu cà phê… ảo–với những kệ sách bạn có thể lấy xuống một cuốn đọc (tại chỗ mà thôi). Nơi đây có chức năng Tìm kiếm, song cũng có vẻ hạn chế.
Mở thử cuốn “Địa Ngục Có Thật,” bút ký của Dương Nghiễm Mậu, thực hiện bằng phương thức flipbook của cơ sở xuất bản trực tuyến issuu.com, trang sáng sủa, chữ sắc nét, nhưng diện tích trang hạn chế. Phóng lớn hết cỡ trên màn hình laptop 15.6 inches mà tôi có được, đọc tốt, nhưng chắc chắn mắt và lưng già này khó ngồi để đọc hết 108 trang sách trên màn ảnh. Chắc muốn đọc cuốn nào thì phải đặt hàng sách giấy thôi.
Thư viện này của nhật báo Người Việt, trụ sở đặt tại Westminster, Nam Calif., chuyên lưu trữ các tạp chí xuất bản tại Việt Nam trước 1975 và một số tạp chí xuất bản tại hải ngoại sau 1975 nhưng đã đình bản. Trong số các tạp chí xuất bản trước 1975, đặc biệt có trữ toàn bộ bán nguyệt san Bách Khoa, một tạp chí có đời sống thọ nhất ở Miền Nam trước 1975, từ 1957 tới 1975, chỉ thua VNCH có hai tuổi, có thể liệt vào hàng chứng nhân của cả hai giai đoạn đệ Nhất và đệ Nhị Cộng Hoà. Bạn đọc có thể vào đọc online, dưới dạng flipbook, hay tải xuống số báo nào mình muốn để lúc khác đọc.
Muốn biết thêm về bộ tạp chí độc nhất vô nhị này, mời đọc bài giới thiệu công trình này của nhà văn Phạm Phú Minh, một trong những nhà sáng lập Thư viện Người Việt. Riêng về lịch sử của báo Bách Khoa này, có thể tìm đọc tại đây.
Thư Viện Viện Việt Học
“Thư-viện Việt Việt-học thu-thập và cung-cấp tài-liệu nghiên-cứu giảng-dạy cho Viện cũng như cho tất cả quý vị học-giả, giáo-sư, các đoàn-thể, cơ-quan giáo-dục của người Việt và ngoại-quốc trên thế-giới,” nhóm thực hiện trang nhà Viện Việt Học viết ở trang mạng này. “Thư-viện hiện có nhiều tài-liệu, sách, tạp-chí nghiên-cứu về lịch-sử, địa-lý, văn-học, ngữ-học, giáo-dục và văn-minh Việt-nam, cũng như tài-liệu lịch-sử về sự hình-thành và phát-triển của cộng-đồng Việt-nam tại hải-ngoại. Việc thu-thập tài-liệu, sách báo được thực-hiện không ngừng và thư-viện hoan-nghênh các tặng-phẩm thuộc loại này.”
Liệt kê ở đây mặc dù Viện Việt Học không chỉ chuyên chú vào sách báo Miền Nam, nhưng có lưu giữ một số tự điển, sách sử xưa và cận đại, và nhiều loại sách cho biên khảo giá trị, lại cho phép tải xuống. Rất nên bỏ thì giờ vào lục kiếm và tự để lạc vào một thứ Văn Miếu trên thế giới Ảo. Đây có lẽ là trang mạng hiếm hoi còn duy trì lối viết có gạch ngang (hyphen) giữa các danh từ kép mà ít ai trong chúng ta còn xử dụng.
Tủ Sách Tiếng Việt. Một cách chủ quan tất nhiên, đây vẫn là Web site tôi thích nhất vì cách trình bầy trang nhã, đơn giản song ngăn nắp, đúng tiêu chuẩn của một văn khố. Trang mạng này lại sẵn có chức năng Tìm kiếm, nên việc truy tầm xem có cuốn sách hay tác giả mình muốn kiếm được dễ dàng. Đặc biệt, khách viếng không cần phải đăng ký mới đuợc vào đọc sách, và có quyền tải xuống bất cứ cuốn nào mình thích, vô hạn định. Tủ sách lại hoàn toàn chuyên chú vào loại sách báo scan lại từ bản gốc (giấy), và hầu hết là sách xuất bản tại Miền Nam trước 1975. Đây là một trang bảo lưu sách báo xưa giống như một ngôi chùa hay thánh đường: luôn mở rộng cửa, ai vào cũng được, muốn lấy bao nhiêu sách cũng chẳng ai thắc mắc, theo giõi, làm khó dễ.
Hiện TSTV có khoảng 1,000 đầu sách và tạp chí. Hầu như mỗi tuần đều có sách mới được tải lên, nhờ lợi điểm là TSTV có vẻ có được nhiều người tiếp tay hợp tác, phần lớn là ẩn danh.
Một trong những điểm để nhận định xem một Web site có đáng cho mình tin cậy hay không, ngoài nội dung đứng đắn nghiêm chỉnh, cách trình bầy ngăn nắp, trang nhã, còn là việc người trông coi site phải có dễ cho mình tiếp xúc, nếu không qua một số điện thoại hay một địa chỉ bưu điện, thì ít ra cũng qua một địa chỉ e-mail nơi trang gọi là “Contact,” hay “About,” hoặc “Liên lạc” (không phải “Liên hệ” vốn là một danh từ được nhiều người lạm dùng thành động từ).
Cách đây vài năm, trên trang TSTV, tôi vào nơi Liên lạc. Thoạt tôi hơi thất vọng, vì ở trang này cũng chỉ có một cái mẫu để điền vào những khung trống, xong bấm gửi đi, không có tên hay e-mail của người phụ trách. Dù vậy, tôi thử viết vài chữ xem có liên lạc được với một con người, chứ không phải máy tự động, luôn thể cám ơn về một Web site hữu ích, và ngỏ ý nếu muốn tiếp tay thì phải làm sao. Số là tôi có một số sách loại tham khảo cần scan trước khi đem cho, và có một lý do thúc đẩy mình ngồi xuống làm cái việc scanning rất buồn ngủ này là cái tôi đang cần. Tôi hài lòng là chỉ một hai ngày sau đã nhận được hồi âm của người coi TSTV, ẩn danh. Song nhìn vào cung cách trình bầy và điều hành trang mạng, tôi biết mình tin cậy được. Nhờ đó tôi cũng cảm thấy được khích lệ để làm cái việc nhàm chán, đó là ngồi scan lại những cuốn sách tham khảo còn giữ được, và gửi đi góp vào TSTV, để có thể an tâm mang sách đi cho sau đó.
Trong số những sách tôi đã thực hiện cho TSTV, có bộ năm cuốn Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, ấn bản thứ ba xuất bản ở Sài Gòn năm 1959. Ấn bản này sau 1975, được Cơ sở xuất bản Đại Nam ở California chụp và phát hành ở hải ngoại vào đầu thập niên 1980. Bộ sách này sau này cũng được tái bản ở Việt Nam, nhưng tôi nghe nói cũng bị kiểm duyệt thêm bớt chi đó, khó tin cậy. Bạn đọc có thể vào link này tải xuống trang Mục lục và lịch sử xuất bản của bộ sách văn học tiền chiến rất giá trị này, để tiện theo giõi; và tải nguyên bộ sách năm cuốn tại TSTV.
Cũng về bộ sách trên, xin kể một giai thoại. Một lần, một độc giả ở Miền Trung thấy bộ sách xưa mà ông ta vẫn muốn tìm, mừng rỡ tải xuống, rồi hì hục in ra (cả ngàn trang) để tiện đọc và khảo cứu. May mắn là ông ta nhận ra có một số trang bị thiếu, nên gửi thư hỏi ban phụ trách TSTV. Người phụ trách thông báo cho tôi biết và xin tôi, nếu còn giữ bộ sách đó, thì mở xem lại và scan gửi cho những trang thiếu đó.
Ngoài việc tôi được tiếp xúc với một con người, có được một tiếp xúc “cá nhân” mặc dù qua điện thư, với một người thoạt đầu mình không cả biết tên, tôi thấy ở TSTV là một quan tâm, mối thiết tha thật sự với một công trình văn hoá mà chắc chắn phần thưởng duy nhất nhận được hoàn toàn là tinh thần, niềm vui vô giá nơi một người mê sách.
*
Tóm lại, xin giới thiệu tới bạn đọc những trang mạng lưu trữ sách điện tử xuất bản tại Miền Nam trước 1975. Xin nhắc lại, đấy là những nỗ lực của cá nhân hoặc nhóm, hội, âm thầm, tự túc, vô vị lợi, vì yêu văn chương, chữ nghĩa, và muốn vun sới trồng lại vườn hoa văn học muôn hồng nghìn tiá của một Việt Nam tự do, khai phóng dạo nào.
[TD 2019-01, 2021-09]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét