SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

“Ru đời đi nhé” của NS Trịnh Công Sơn

 

nguồn: “một chút trong cuộc đời”

Có người từng hỏi ta rằng vì sao nước mắt lại có vị mặn chát và cay xè? Phải chăng như trong câu hát dang dở kia, nó chở những dòng muộn phiền nương náu vào đời sống này?

Có khi mưa ngoài trời
Là giọt nước mắt em
Đã nương theo vào đời
Làm từng nỗi ưu phiền

Những giai điệu chầm chậm, rỉ rả len lỏi vào sâu cùng ngõ ngách hơi thở. Trịnh đang viết về giọt nước mắt của đời hay của chính mình sao ta nghe rầu buồn đến thế? – Một dòng mệt mỏi, một dòng bạc mệnh, một dòng long đong.

Vội kéo tấm chăn trùm kín khuôn mặt hai màu, nghe thời gian mòn mỏi trong từng quãng mùa run rút, trong từng cơn gió bấc ùa về rít lạnh ngang tai. Những ngày giá lạnh này bàng bạc những cảm xúc mong manh, dễ vỡ, nhất là khi ta một mình và cô đơn.

Ngoài phố mùa đông
Đôi môi em là đốm lửa hồng

Trịnh nhìn ngắm đời mình, đời người như một cái nhìn hư ảo, chóng tàn, chóng phai. Đôi môi se hồng giữa mùa đông lạnh giá kia cũng giống như những vệt nắng chiều cuối ngày, chỉ là một đốm lửa nhỏ khép lại một ngày qua.

Rồi ta, rồi người cũng sẽ ra đi, ra đi mà chẳng có ai ngóng vọng và chờ đợi, ra đi mà không biết có bao giờ về nữa hay không. Rồi tất cả cũng sẽ chìm trôi dưới cơn mưa ngàn năm mịt mù. Đời sống này chỉ là cõi tạm buồn tênh. Sẽ đến một lúc nào đó, giống như những chiếc lá thu phai, ta phải xa lìa nơi đây để đến với cõi trăm năm không còn không mất.

Nơi đó chỉ có những cơn gió quạnh quẽ, thê lương, những linh hồn cứ đi đi về về dật dờ và những chiếc bóng thôi rêu rao lời dối gian con người. Nơi đó loài người đã ngủ, chỉ có những linh hồn là lang thang.

Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than
Chân đi nằng nặng hoang mang
Ta nghe tĩnh lặng rơi nhanh
Dưới khe im lìm

Ru đời đi nhé để ta thấy đời không mộng mị, hư vô. Ru đời đi nhé để ta tìm về một nơi nương náu, trú ngụ lúc thở than. Còn cõi nào cho ta, cho người nữa không?

Sao xung quanh chỉ thấy trống hoắc thênh thếch như thế? Sao xung quanh màu đen thăm thẳm tuyệt vọng dày lên như thế? Rồi “như đá ngây ngô” bàn tay ta năm ngón xanh xao, trầm mặc gieo ưu phiền nơi đầu cơn gió quên mất màu lãng du. Rồi như “vết lăn trầm”, ta là kẻ mộng du khoác tạm bợ đi lang thang qua cõi đời này.

Lại ru mình bằng những mệt mỏi, xa xôi. Bàn chân ta nằng nặng những hoang mang, hồ nghi cả một đời không rõ. “Bơ vơ còn đến bao giờ”, cuộc đời nhỉ? Tuổi ta tàn mất rồi, chẳng còn hồn nhiên ngả gió đón giao mùa nữa đâu.

Trong một ca khúc của mình, Trịnh viết rằng:

“Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm
Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non”
 (3)

Chợt nghe tịch lặng rơi nhanh rồi miết hút dưới khe im lìm ngàn năm. Chợt thấy “thiên thu là một đường không bến bờ”. Giọng Khánh Ly như cầu mong như than thở, như giãi bày lại như là ngẩn ngơ.

“Ru đời đi nhé
Ôi môi ngon này giữa trần gian
Ru từng chiếc bóng
Lênh đênh vào giấc ngủ ngon”

Ru đời đi nhé, ru trong muộn phiền, ru trong ngậm ngùi. Đời nghiêng mất rồi, người ơi có nghe ra không?

Có “môi nào hãy còn thơm cho ta phơi cuộc tình” (5) không, đời ơi? Ôi, môi ngon này giữa trần gian, cho ta về đi để đời đầy hạnh ngộ yêu thương, để ta thôi mộng mị, thôi chiêm bao. Có đôi môi nào như thế không?

Tôi không biết Trịnh đã trở về từ chuyến “da du” của mình hay chưa. Tôi cũng không biết trong cuộc sống bộn bề và vô thường này, có bao nhiêu người ra đi và trở về. Chỉ thấy nơi đây một thoáng nhìn thiên thu ám ảnh đến tê người. Chỉ thấy nơi đây bóng thời gian vàng vọt, héo úa đến hư hao. Mọi thứ đến và đi, đi mãi, chẳng còn bao giờ quay về để gõ nhịp một hai cùng hơi thở của đời sống này.

Em có ru đời để ta nghe đời nhẹ nhàng hơn? Em có ru đời, ru tuổi mình đừng nhạt phai nốt son yêu mến? Tuổi em là tuổi lá xanh trên cành biếc, là tuổi hồng với những giấc mơ trong. Tuổi em là tuổi hồn nhiên, tuổi mộng của một thời tôi đã đi qua.

Trên con đường xa ngái, tôi trở về với ly rượu cạn vết miên di. Ngủ thôi mắt ơi, ngọn đèn tắt lửa từ lâu rồi. Thức làm gì để cô đặc những nỗi niềm chất chứa trong nhau. Mộng mị làm gì để đêm mãi thắp màu thăm thẳm, cô đơn. Và chiêm bao gì nữa, tất cả chỉ là ảo ảnh thôi…

Ngủ đi em ơi, ngủ đi ta ơi, ngày mai cuộc đời sẽ khác. Ngủ đi, ngủ đi… à ơi … Ru đời đi nhé, đời ơi!

Cho tôi tay gối mong manh
Cho tôi ôm lấy vai thon.

(DN) –“một chút trong cuộc đời”

*************************************

Về hoàn cảnh sáng tác ban đầu, Trịnh Công Sơn đã tuyên bố với Vĩnh Xương, báo Đất Việt, năm 1985 :

” Đến năm 1957, tôi sáng tác, gọi là để bạn bè nghe chơi. Sau đó thấy có hứng thú sáng tác và thử viết thêm một số bài. Năm 1959, tôi viết bài Ướt Mi và được bạn bè khích lệ. Tôi mới tìm sách nghiên cứu thêm về nhạc, trao đổi thêm về nhạc lý với bạn bè. Sau đó, tôi phổ nhạc cho khoảng một chục bài thơ tình yêu (như Nhìn Những Mùa Thu Đi chẳng hạn). Năm 63, tôi có một số sáng tác khá thành công như Diễm Xưa, Biển Nhớ, Hạ Trắng. Từ đó, tôi đi vào con đường sáng tác.

Và từ đó, Trịnh Công Sơn nổi tiếng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates