SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

“Giáo dục thông minh” sẽ thay đổi phương pháp dạy học truyền thống

 

  An Nguyên

(GDVN) - Giáo dục thông minh giúp mở rộng không gian, thời gian, phương pháp và hình thức dạy học, giúp vượt qua các giới hạn của bài giảng trên lớp thông thường.

Đó là quan điểm của ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu ra tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề Tiếp cận “giáo dục thông minh” trong đổi mới giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng ngày 21/12.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục các cơ sở giáo dục đại học, các sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường phổ thông trên toàn quốc…

Giáo dục thông minh là gì?

Theo ông Vũ Đình Chuẩn thì đối với giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin, truyền thông đang làm thay đổi sâu sắc nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và quản trị nhà trường.

Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chia sẻ về "giáo dục thông minh". Ảnh: HN

Việc ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, truyền thông trong giáo dục và đào tạo tất yếu dẫn đến việc hình thành mô hình “Giáo dục điện tử” hay “Giáo dục thông minh”.

“Có thể quan niệm giáo dục thông minh như là một hệ thống hỗ trợ quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, giảng dạy và học tập thông minh, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin, truyền thông của thế kỷ 21.

Nó đáp ứng những thay đổi trong hệ thống giáo dục hiện đại như chương trình và nội dung giáo dục, học liệu và phương tiện dạy học, phương pháp và hình thức dạy học…

Trong đó, trọng tâm của hệ thống này phải tập trung vào việc phát triển phẩm chất và năng lực người học, dựa trên môi trường công nghệ thông tin, truyền thông tối ưu nhất.

Đối với hoạt động dạy học, giáo dục thông minh giúp mở rộng không gian, thời gian, tài liệu dạy học và phương pháp, hình thức dạy học, giúp vượt qua các giới hạn của bài giảng trên lớp thông thường…”, ông Chuẩn nói.

Cũng theo ông Chuẩn thì giáo dục thông minh cũng là một sự thay đổi giáo dục nhằm thúc đẩy phát triển các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21. Bao gồm: các kỹ năng sáng tạo, năng lực tư duy logic, năng lực giao tiếp…

Và đây được xem như là một trong những giải pháp góp phần đổi mới hệ thống giáo dục trong đó bao gồm cả đổi mới môi trường giáo dục, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá…

Nên triển khai giáo dục thông minh ra sao?

Tại hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến xoay quanh việc tiếp cận và xây dựng giáo dục thông minh gắn với đổi mới giáo dục phổ thông. Phó Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Văn xã (Văn phòng Chính phủ) chia sẻ, muốn hiện thực hóa giáo dục thông minh thì có hai việc cần phải làm. 

Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đưa khái niệm này vào trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn tới để tạo hành lang pháp lý.  Ngoài ra, giáo dục thông minh đặt ra trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông thì phải làm rõ được chương trình giáo dục phổ thông mới tác động đến giáo dục thông minh như thế nào. Và những đóng góp của giáo dục thông minh với chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao”, ông Minh nói.

An Nguyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates