Tác giả: Nguyễn Hữu Phúc
Tháng Mười Một 24, 2019
Nói chung, theo hệ thống bình quân thì quãng 8 được chia đều thành 12 nốt nhạc C C# D D# E F F# G G# A A# B. Âm giai (hay còn gọi là Thang âm, Scale hay Gam) là tập hợp 8 nốt nhạc từ thấp đến cao được chọn từ 12 nốt nhạc như được nói ở trên theo nhiều quy luật khác nhau tùy vào mục đích của người chơi như thế nào.
Mỗi dân tộc sẽ có một hệ thống âm giai riêng. Ví dụ: Việt Nam thì có hệ thống âm giai ngũ cung hay còn được gọi là ngũ âm (C D E G A). Trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì còn lại được chia ra những khu vực nhỏ hơn, ví dụ như Tây nguyên thì có hệ thống âm giai theo kiểu lục âm (C E F G B). Nhật bản cũng có hệ thống âm giai ngũ cung (A B C E F). Các nước phương tây thì có âm giai thất cung (C D E F G A B).
Tóm lại, có 5 loại âm giai cơ bản đó là:
- Diatonic scale: Âm giai có 7 nốt chứa âm giai trưởng và thứ;
- Major scale: Âm giai trưởng có 7 nốt;
- Minor scale: Âm giai thứ có 7 nốt;
- Chromatic scale: Âm giai có các nốt cách nhau 1/2 cung (chromatic);
- Pentatonic scale: Âm ngũ cung chỉ có 5 nốt nhạc.
Các âm giai nói chung được phân biệt bởi 2 yếu tố đó là số lượng nốt và khoảng cách giữa các bậc.
Học về âm giai có ích gì cho việc chơi đàn nhỉ? Rất có ích, nó sẽ giúp người chơi có khả năng sáng tạo ra những giai điệu mới lạ dựa theo cảm xúc tại từng thời điểm mà không còn bó buộc mình trong 2 âm giai quen thuộc là Trưởng vá Thứ trong phần lớn các bản nhạc nữa. Hoặc nếu người chơi là một người nhạc sĩ và có ai đó đặt hàng cho người chơi viết 1 bản nhạc nào đó mang âm hưởng của Nhật hay Ấn Độ hay mang màu sắc blue/jazz thì chắc chắn những hiểu biết về scale/âm giai là những kiến thức không thừa thải cho người soạn nhạc.
Âm giai sẽ giúp người chơi: (i) có được sự cảm âm tốt; (ii) dò tìm được giai điệu của bài hát; (iii) dò tone bài hát; (iv) đặt hợp âm phú hợp cho một ca khúc; (v) solo một ca khúc; và (vi) Lead ngẫu hứng.
- Âm giai thất cung (heptatonic)
- Trong âm giai thất cung thì có hai loại âm giai là âm giai trưởng (Major) và âm giai thứ (Minor). Sự khác nhau giữa chúng là vì các cung và nữa cung được sắp xếp khác nhau giữa các bậc nốt trong hệ thống âm giai.
- Âm giai trưởng tự nhiên có công thức là: Chủ âm, 1, 1, ½, 1, 1, 1, ½, Chủ âm. Ví dụ âm giai đô trưởng là: C, D, E, F, G, A, B, C. Tiếp theo, để xác định được bộ hợp âm trong âm giai này, sử dụng quy tắc 1, 4, 5. Tức là hợp âm thứ 1, 4, 5 sẽ là các hợp âm Trưởng. Từ đó suy ra là các hợp âm 2, 3, 6 sẽ là các hợp âm Thứ. Hợp âm thứ 7 sẽ là hợp âm dim (ít khi được sử dụng). Theo ví dụ trên, ta có bộ hợp âm của âm giai Đô trưởng (C) như sau: C – Dm – Em – F – G – Am – Bdim – C.
- Tương tự, âm giai thứ tự nhiên có công thức là: Chủ âm, 1/2, 1, 1, ½, 1, 1, chủ âm. Ví dụ âm giai La thứ là: A, B, C, D, E, F, G, A. Hợp âm thứ 1, 4, 5 sẽ là các hợp âm thứ. Hợp âm thứ 3, 6, 7 sẽ là các hợp âm trưởng. Hợp âm thứ 2 sẽ là hợp âm dim, ít khi được sử dụng. Ta sẽ có nguyên bộ hợp âm của âm giai La thứ (Am): Am – Bdim – C – Dm – Em – F – G – Am.
- Nhìn vào 2 tông C và Am này ta có thể thấy là các hợp âm của chúng giống nhau hoàn toàn. Thế nên chúng ta gọi hai âm giai C và Am là 2 âm giai tương đương: C/Am. Vậy thì chúng ta có thể kết luận rằng Âm giai tương đương là 2 âm giai dùng chung bộ hợp âm.
- Để có thể đánh ngẫu hứng (Lead) piano thông thường là ở đoạn giang tấu trong một bài hát, người chơi cần nên biết 6 bước cơ bản sau:
- người chơi cần biết Lead là gì. Theo đó, Lead có nghĩa là sự chọn lựa 8 nốt nhạc phù hợp trong tổng số 12 nốt nhạc của mỗi quảng 8 (12 nốt quãng có độ dài bằng ½ cung) để người chơi sáng tạo phiêu (feel) ngẫu hứng trên các nốt đó để tạo thành một giai điệu ăn rơ với giai điệu của bài hát;
- Tìm xem 8 nốt nhạc phù hợp đó là các nốt nhạc nào. Muốn vậy thì người chơi phải xem chủ âm của bài hát là hợp âm (âm giai) gì. Muốn biết chủ âm của bài hát thì người chơi phải nhìn vào đầu khóa của khuông nhạc, ví dụ như đầu khóa của khuông nhạc không có dấu thăng (#) hay giáng (b) gì cả thì chủ âm của bài hát sẽ có thể là C hay Am, tùy theo bài vui hay bài buồn. Tiếp đến, người chơi sẽ nhìn vào nốt cuối cùng của bài hát để xem nốt giai điệu đó là nốt gì, nếu là nốt C thì chủ âm là Đô Trưởng (C) còn nếu là nốt A thì chủ âm sẽ là La Thứ (Am);
- Xem tác giả bài hát có dùng Trưởng hòa thanh hay Thứ hòa thanh; Trưởng giai điệu hay Thứ giai điệu không, nếu có thì phải điều chỉnh các nốt VI & VII trong 8 nốt nhạc của âm giai lại cho phù hợp;
- Tìm một vòng hòa âm phù hợp để Lead và thông thường người chơi nên sử dụng chính vòng hòa thanh có sẳn trong đoạn A hay B của bài hát để Lead trên vòng hòa âm đó hoặc có thể sử dụng những vòng hòa thanh phổ biến khác ví dụ như vòng hòa âm lùi dần quảng 2, vòng hòa âm quãng 4 hẹp, vòng hòa âm Canon để Lead;
- Tìm một đoạn giai điệu tiêu biểu (tức là đoạn giai điệu đó thường được lặp đi lặp lại hay có các ca từ giống với tên của bài hát…) trong bài hát và sử dụng tiết tấu của đoạn giai điệu đó làm sườn cho đoạn Lead để dù cho người chơi có chơi ngẫu hứng đến đâu thì người nghe vẫn càm thấy đâu đó cái cái chất, cái hồn của bài hát thoáng qua rồi từ đó người chơi sẽ dựa vào cái sườn tiết tấu và giai điệu đó để phát triển giai điệu và tiết tấu ra xa và rộng hơn ở 2-3 quãng 8 rồi sau đó lại quay về tái hiện lại đoạn giai điệu làm sườn đó ở quãng cũ trước đó hay có thể ở các quãng 8 khác chẳng hạn; và
- Biết cách áp dụng linh hoạt qua lại giữa 3 loại Lead đó là: (1) Lead theo cách bước lần đi theo âm giai của chủ âm; (2) Lead theo các nốt nhạc có trong hợp âm; và (3) trộn hai cách nói trên lại với nhau.
Khi Lead, người chơi cũng cần lưu ý đến 5 điểm sau:
- dù đã chọn ra 8 nốt nhạc để diễn tấu trên đó nhưng trong một số trường hợp mà các nốt nhạc của một hợp âm (hợp âm 3 nốt, hợp âm 4 nốt hoặc thậm chí là hợp âm nâng cao 5 nốt) trong một ô nhạc nào đó lại không trùng với 8 nốt của âm giai đã chọn thì trong trường hợp đó người chơi phải ưu tiên sử dụng các nốt có trong hợp âm tại ô nhạc đó cùng với các nốt còn lại trong 8 nốt của âm giai và lý giải cho việc sử dụng đó bằng Trưởng, Thứ hòa thanh hay Trưởng, Thứ giai điệu. Nếu không giải thích được như vậy thì có thể giải thích rằng trong một hợp âm 3 thì 3 vị trí chính nằm ở 1-3-5, các vị trí 2-4 sẽ là 1 cung hay ½ cung tùy theo hợp âm đó là hợp âm trưởng hay hợp âm thứ. Còn đối với hợp âm 4 thì 4 vị trí (hợp âm bảy) chính nằm ở 1-3-5-7 thì các nốt ở vị trí 2-4-6 sẽ là 1 cung hay ½ cung tùy theo hợp âm đó là hợp âm trưởng hay hợp âm thứ;
- trong 8 nốt nhạc có trong âm giai đã chọn thì những nốt nhạc nào có trong các nốt nhạc của hợp âm đã chọn tại một ô nhịp nào đó thì sẽ được ưu tiên đánh nhiều hơn các nốt khác trong 8 nốt nhạc trong âm giai và khi giai điệu dừng lại ở đâu thì người chơi phải cố gắng dừng lại tại một trong các nốt có trong hợp âm đã chọn tại ô nhịp đó;
- để cho có sự hòa âm cho hay thì nốt sau cùng của giai điệu khi dừng lại nên tránh nốt bass của hợp âm tay trái (nốt bass thường là nốt gốc nếu ở thể nguyên vị hay cũng có thể ở các thể đão 1, 2, 3. Tuy nhiên, nếu nốt giai điệu mà trùng với nốt bass của hợp âm tay trái (nốt bass ở thể nguyên vị) thì không cần tránh nốt bass của hợp âm tay trái vì nốt bass đó đại diện cho cả âm giai nên không có hòa âm tại vị trí đó cũng không sao;
- không nên Lead tại chỗ trong vòng 1 quãng 8 vì nó sẽ làm cho giai điệu đơn điệu, ỳ, không có sự sáng tạo mà người chơi phải cố gắng chạy lên chạy xuống xa ra từ 2 quãng 8 trở lên để tạo sự khác biệt, tính đa dạng, tạo sắc thái giúp tạo sự tò mò, thích thú cho người nghe; và
- khi đánh các nốt cách nhau ½ cung thì cho cảm giác buồn, tối còn đánh 2 nốt cách nhau 1 cung thì nó có vẻ vui tươi, trong sáng. Nhạc rock & blues hay dùng các quãng ½ cung và quãng 5 giảm (khoảng cách 3 cung ví dụ như A – Eb). Thêm vào đó, khi đánh các nốt cách nhau 1 ½ cung thì cho cảm giác buồn, tối còn đánh 2 nốt cách nhau 2 cung thì nó có vẻ vui, sáng. Từ đó suy ra là hợp âm trưởng thì 2 cung + 1,5 cung (vui trước rồi buồn sau) và hợp âm trưởng là 1,5 cung + 2 cung (buồn trước vui sau).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét