SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Nâng chất hoạt động âm nhạc ở trẻ mầm non


Nâng chất hoạt động âm nhạc ở trẻ mầm non
GD&TĐ - Giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1… là yêu cầu quan trọng ở bậc học Mầm non. Để thực hiện mục tiêu trên, việc đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học trở thành đòi hỏi tất yếu.
Bất cập từ thực tế
Theo cô giáo Nguyễn Thị Mai Xuyên (Giáo viên Trường Mầm non Phong Châu – Phú Thọ): Giáo dục mầm non - khâu đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò nền móng vững chắc cho các cấp bậc học tiếp theo.
Khi thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo phương pháp mới, đòi hỏi giáo viên phải biết tích hợp nội dung, hình thức trong các hoạt động hợp lý, hài hòa tạo môi trường thân thiện, phù hợp cho trẻ hoạt động với phương châm lấy trẻ làm trung tâm. Qua đó giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thẩm mỹ.
Ở trường mầm non, đặc biệt lứa tuổi mẫu giáo, âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật phát triển năng lực, cảm xúc, tưởng tượng, sáng tạo, sự tập trung chú ý, khả năng diễn tả những hứng thú của trẻ.
Trẻ dễ xúc cảm, vốn ngây thơ trong sáng, nên tiếp xúc với âm nhạc là một điều không thể thiếu. Nhiều khi trẻ vừa nghe nhạc vừa ngẫu hứng điệu múa có tiết tấu độc đáo của mình. Giữa âm nhạc và vận động có mối liên hệ trực tiếp, xuất phát từ cơ sở sinh lý, đó là cơ quan thính giác và cơ quan cảm giác về chuyển động và thăng bằng.
Tuy nhiên, thực tế giảng dạy cho thấy vẫn còn nhiều giáo viên mới chưa hiểu rõ bản chất của chương trình giáo dục mầm non mới, chưa biết cách tổ chức hoạt động để phát huy được tính chủ động, tích cực sáng tạo của trẻ.
Vẫn còn giáo viên thực hiện các giờ hoạt động âm nhạc theo những nội dung mới mà chưa chú ý đến hình thức tổ chức, đôi khi còn mang tính chất ôm đồm, tích hợp nhiều nội dung làm cho trẻ có cảm giác nặng nề trong giờ học.
Cùng đó không ít giáo viên hiểu và thực hiện giáo dục âm nhạc chưa đúng nghĩa của nó. Giờ dạy học vẫn còn tổ chức khô cứng, máy móc, giáo viên chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho tiết dạy. Phong cách của giáo viên thiếu gần gũi, chưa lôi cuốn khiến trẻ không có hứng thú hoạt động…
Đặt nền móng từ hoạt động âm nhạc
Hoạt động giáo dục âm nhạc ở bậc học Mầm non cần được đầu tư, đổi mới sáng tạo… đó là khẳng định của cô Xuyên. Trên cơ sở những nghiên cứu tìm hiểu để hoạt động dạy và học hiệu quả hơn nhiều phương pháp giáo dục đã được cô chỉ ra.
Trước hết, cần tăng cường sử dụng đồ chơi trong tổ chức hoạt động âm nhạc. Lập ra kế hoạch chuẩn bị đồ dùng, trò chơi phù hợp, chuẩn bị đồ dùng trực quan, trang phục phù hợp với từng hoạt động.
Để đồ dùng trong các hoạt động âm nhạc vừa phong phú về hình thức, vừa tiết kiệm nguyên vật liệu, lại không mất nhiều thời gian cho giáo viên… cần vận động phụ huynh sưu tầm và ủng hộ một số nguyên vật liệu sẵn có trong gia đình (Quả dừa khô, tre, gỗ, vải vụn…).
Trên những nguyên vật liệu đó, giáo viên cùng hướng dẫn học sinh, phụ huynh cùng làm đồ chơi đơn giản vào những giờ thích hợp. Với đồ dùng dạy học độc đáo chắc chắn sẽ khiến trẻ hứng thú, say sưa biểu diễn với âm nhạc.
Vấn đề lựa chọn hình thức tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc cho trẻ cũng cần được chú trọng. Bởi đặc điểm tâm lý của trẻ lứa tuổi mầm non là trẻ thường hoạt động cảm tính theo ý thích, do đó giáo viên muốn tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc đạt kết quả cao đồng nghĩa với việc phải tạo ra sự hứng thú để trẻ ham thích hoạt động nghệ thuật.
Nói cách khác, giáo viên phải có nghệ thuật dẫn dắt, lựa chọn và thiết kế các hoạt động một cách hợp lý. Để chuẩn bị tổ chức giáo dục âm nhạc việc chọn tổ chức hình thức nào phải vừa phù hợp vừa gây ấn tượng và thu hút sự tập trung của trẻ…
Trong hoạt động âm nhạc, cũng như nhiều hoạt động giáo dục khác, việc lấy trẻ làm trung tâm luôn mang lại hiệu quả. Bởi vậy, khi thực hiện hoạt động giáo dục âm nhạc cần thực hiện nguyên tắc: Cô giáo là người gợi ý, hướng dẫn và phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của trẻ.
Cần dạy trẻ vận động theo nhạc, giúp trẻ hứng thú hơn với bài hát vừa được học. Tùy theo nội dung vận động sử dụng nhạc cụ hay múa minh họa mà lựa chọn phương pháp phù hợp. Nghe hát là một hình thức gián tiếp giúp trẻ thưởng thức và cảm nhận giai điệu, ý nghĩa của một số tác phẩm tiêu biểu. Nó không đơn thuần là sự biểu diễn của cô giáo mà cũng có thể là sự kết hợp biểu diễn giữa cô và trẻ.
Trong quá trình rút kinh nghiệm để hoạt động giáo dục âm nhạc thực sự mang ý nghĩa với trẻ thì cô Xuyên cũng khẳng định việc tạo môi trường và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy không thể thiếu.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy ở cấp học Mầm non làm đa dạng hóa hình thức dạy học giúp trẻ được thay đổi không khí mới, hấp dẫn, trong giờ học, tạo cho trẻ niềm hứng thứ, hăng say tích cực tham gia vào hoạt động, làm cho hiệu quả giáo dục cao. Đặc biệt giúp giảm bớt đồ dùng không cần thiết, giảm bớt sức lao động của giáo viên và giảm bớt chi phí…
Hiệu quả đến từ đổi mới sáng tạo
Những hiệu quả ban đầu cho thấy, kết quả đã tăng lên rõ rệt. Trẻ hứng thú và tự giác tham gia các hoạt động một cách tích cực, trong giờ học trẻ không những thuộc bài hát rất nhanh mà còn thích biểu diễn, thích vận động và có nhiều sáng kiến trong cách thể hiện bài hát.
Hoạt động giáo dục âm nhạc được tổ chức dưới hình thức đa dạng, phong phú, tích hợp một cách khéo léo nội dung các hoạt động giáo dục khác vào âm nhạc đã giúp trẻ phát triển toàn diện về tình cảm, trí tuệ, thể chất, ngôn ngữ, thẩm mỹ. Hiệu quả trên trẻ tăng lên rõ rệt theo từng năm học.
Tuy vậy, theo cô Xuyên, để làm tốt nội dung giáo dục âm nhạc đòi hỏi giáo viên phải có lòng yêu nghề, mến trẻ, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Đặc biệt phải có vốn kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, biết xây dựng và sử dụng linh hoạt những phương pháp, biện pháp, thủ thuật đề ra trong tiết học…
Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động âm nhạc ở trẻ mầm non cho thấy hình thành ở trẻ những yếu tố của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hòa, đó là sự phát triển về thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ và thể lực trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, góp phần đào tạo thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện. 
Trí Đức

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates