SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Mạng Lotus khác Facebook thế nào?



Mạng Lotus khác mạng xã hội Facebook như thế nào?

Lotus mang theo khát vọng vươn xa của người Việt

Dự án mạng xã hội Lotus được thành lập, đầu tư và triển khai bởi công ty VCCorp, với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Vốn đầu tư cho Lotus hiện có là 700 tỉ đồng, công ty đang gọi thêm 500 tỉ đồng nữa để nâng mức đầu tư lên 1.200 tỉ đồng cho dự án này.
Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp cho biết, với số tiền đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng, Lotus chủ yếu dành để chi cho các đối tác làm nội dung và chi cho marketing. Về đầu tư cho công nghệ, ứng dụng, ông Tân cho biết kinh phí khá rẻ, khoảng vài triệu đồng.
Giải thích cho việc phân bổ nguồn vốn như trên, đại diện VCCorp cho biết Lotus tập trung vào nội dung, nội dung quyết định tất cả do đó công ty muốn dồn toàn bộ nguồn lực để phát triển nội dung thật tốt, trong giai đoạn đầu.
“Nếu trong giai đoạn đầu chưa có nhiều người dùng, mình phải đảm bảo cho các đối tác sản xuất nội dung tốt, nhằm thu hút người dùng”, ông Nguyễn Thế Tân chia sẻ. VCCorp cho biết, để cạnh tranh được với các mạng xã hội hiện có như Facebook, Zalo,… Lotus chỉ có cách là dựa vào nội dung tốt.
Nguồn nội dung này có thể đến từ người dùng thông thường, các blogger, các cơ quan báo chí chính thống, các doanh nghiệp sản xuất nội dung, hoặc đến từ các công ty chuyên nghiệp.
Hiện tại VCCorp đang làm việc với hàng trăm đơn vị sản xuất nội dung khác nhau, từ các ngôi sao đến các đơn vị sản xuất video giải trí, các cơ quan báo chí, đài truyền hình,… để làm sao khi ra mắt bản beta, Lotus có lượng nội dung nhất định.
Trong việc xử lí các nội dung xấu độc, theo ông Nguyễn Thế Tân, các thông tin rõ ràng về sai phạm, fake news, hàng hóa bán giả, đa cấp,… xác minh được 100% thì Lotus sẽ có những biện pháp để sàng lọc.
Khi người dùng đưa lên Lotus một tấm bản đồ sai, một thông tin không đúng đã được kiểm chứng, Lotus sẽ có một thuật toán riêng để loại bỏ bài đăng này. “Tất nhiên là không thể được 100% nhưng VCCorp sẽ cố gắng để tăng tỉ lệ này lên cao hơn”, ông Tân nói. Ngoài ra, cũng giống như trên Facebook, người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm về những thông tin không chuẩn xác khi đăng bài trên mạng xã hội Lotus.

Lotus được xây dựng theo hướng mở

Dự kiến việc ra mắt Lotus cũng sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía người dùng, do đó VCCorp đã phải chuẩn bị một lộ trình cơ sở hạ tầng chắc chắn. Trong đó, phần mềm sẽ được phát triển theo hướng “dễ mở rộng, nâng cấp”. “Như các mạng xã hội thông thường, vào 100 nghìn người không sao nhưng khi vào một lúc 500 nghìn người sẽ sập. Không phải đơn giản là chuyện mua thêm băng thông.
Chúng tôi cũng không thể biết chính xác sẽ có bao nhiêu người dùng khi Lotus chính thức được ra mắt, do đó, chúng tôi cứ phải chuẩn bị tốt về mặt hạ tầng công nghệ trước”, ông Nguyên Thế Tân giải thích.
Lotus cũng đề ra phương án đưa người dùng vào dần dần, nếu hệ thống đáp ứng tốt thì sẽ tăng nhanh lượng người sử dụng, ngược lại thì sẽ thay đổi tiến độ. Lotus hiện được phát triển bởi nhóm chuyên gia trải nghiệm người dùng và được phát triển bởi đội ngũ hơn 200 kỹ sư công nghệ của VCCorp trong các lĩnh vực ứng dụng di động, AI, Big Data, Cloud Computing…
Ông Nguyễn Thế Tân cho biết, hiện tại chưa đề ra mục tiêu về số lượng người dùng. Tuy nhiên Lotus đặt ra ba mốc với kì vọng đạt được 4 triệu người dùng hàng ngày, cột mốc thứ hai là 20 triệu người dùng và sau cùng là trên 50 triệu người dùng. 
Trong đó, theo VCCorp, mốc 4 triệu là một cột mốc rất quan trọng, điều này chứng tỏ những giải pháp công nghệ của Lotus đã đạt đủ độ cứng cũng như đã thu hút được sự quan tâm của người dùng.  Người dùng tham gia mạng xã hội Lotus sẽ được nhận token khi sử dụng, tiêu token và tham gia các thử thách, nhiệm vụ, nhận quà.
Theo đó, người dùng hoạt động càng cao thì càng tích được nhiều token. Có rất nhiều cách khác nhau để người dùng có thể sử dụng token trong các dịch vụ của cuộc sống.
Theo VCCorp, cả người đọc, người chia sẻ, người sản xuất đều có cơ hội nhận được các token như vậy. Người đọc cũng có thể tặng token cho những nội dung hay, tích cực trên mạng xã hội Lotus như một dạng của tiền tip.
Ông Nguyễn Thế Tân cũng khẳng định, người dùng không thể mua token bằng tiền mặt hay nạp thẻ. Token chỉ sinh ra khi người dùng phát sinh các hoạt động trên Lotus. Về thông tin người dùng, đại diện VCCorp khẳng định sẽ đảm bảo theo luật pháp Việt Nam. “Chắc chắn Lotus sẽ không tự động đem dữ liệu người dùng đem đi bán cho bên thứ ba”.
Dự kiến, ngày 16/9 Lotus sẽ chính thức ra mắt bản beta đầu tiên. Thời gian thử nghiệm bản beta sẽ kéo dài từ 3-6 tháng. Bản beta là bản dùng trước, “chưa mượt mà, chưa hay và còn rất nhiều sạn, do đó VCCorp cần thời gian để thay đổi, về mặt công nghệ cũng như chức năng dựa trên phản hồi của người dùng”, ông Tân chia sẻ.
Được biết, tiền thân của Lutus là ứng dụng Viva Việt Nam, được dùng để thử nghiệm các tính năng nội bộ bên trong của mạng xã hội này. Hiện theo tìm hiểu của chúng tôi, Viva Việt Nam có mặt trên cả hai nền tảng iOS và Android tuy nhiên người dùng vẫn chưa thể truy cập vào ứng dụng này.
Khi được hỏi về việc, nếu có một nhà đầu tư nước ngoài với lời đề nghị mua lại Lotus hấp dẫn ông có bán không? Ông Nguyễn Thế Tân khẳng định chắc chắn: “Không bán. Bán xong thì mình làm gì? Mình cần một mạng xã hội chứ không cần tiền”.



Tích lũy điểm với Lotus



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates