SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

Dạy Âm nhạc ở trường phổ thông: Hình thành năng lực tự học

 

Dạy Âm nhạc ở trường phổ thông: Hình thành năng lực tự học

Thứ tư - 23/10/2019 22:56 968 0

Dạy Âm nhạc ở trường phổ thông: Hình thành năng lực tự học

GD&TĐ - Giáo viên (GV) dạy Âm nhạc ở phổ thông khi tiếp nhận Chương trình và SGK mới sẽ phải thực hiện theo phương pháp dạy học năng lực. Góp phần trả lời câu hỏi “làm thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu này?”, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) – chia sẻ vấn đề hình thành năng lực tự học với phân môn Tập đọc nhạc ở mức sơ giản cho học sinh phổ thông.

Hạn chế dùng đàn mẫu, đọc mẫu

PGS Nguyễn Thị Tố Mai chia sẻ: Trong yêu cầu của Chương trình mới, môn Âm nhạc ở THPT có nhiệm vụ định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức cốt lõi để các em có năng khiếu có thể lựa chọn theo ngành âm nhạc chuyên nghiệp. Nếu cách đọc nhạc như hiện nay (giáo viên đàn trước, đọc mẫu trước, học sinh nghe rồi đọc theo) được áp dụng từ tiểu học đến THCS làm sao học sinh có khả năng để học được môn Âm nhạc ở THPT với định hướng nghề nghiệp? 

Với 1 tiết/tuần cho môn Âm nhạc, học nhiều nội dung (Hát, Nhạc lý, Tập đọc nhạc, Âm nhạc thường thức) như chương trình hiện hành không thể kỳ vọng học sinh tự đọc được bài đọc nhạc, chưa kể là còn có nhiều em năng khiếu kém nữa. 

Song, theo PGS Nguyễn Thị Tố Mai, với phân môn này, làm sao để khi không có sự làm mẫu của giáo viên, ít nhất học sinh cũng đọc được tên nốt nhạc, biết cách đọc gam Đô trưởng, cách thực hiện trường độ nốt trắng, nốt đen và với những em có năng khiếu có thể đọc được những cao độ hay trường độ thật dễ (nốt trắng, nốt đen). 

Đặc biệt, PGS Nguyễn Thị Tố Mai cho rằng, cần kiên quyết loại bỏ việc học sinh không nhìn nốt trên bản nhạc mà phiên ra chữ cái viết tắt bằng tiếng Việt ở bên dưới các nốt nhạc. Lỗi này là do các giáo viên không đạt trong cả phương pháp lẫn nội dung dạy học âm nhạc.

Muốn như vậy, giáo viên phải có phương pháp dạy học để hình thành cho học sinh năng lực chủ động chiếm lĩnh tri thức. Nghĩa là, cần loại bỏ ý nghĩ, học sinh phổ thông không thể đọc nhạc được và cần loại bỏ lạm dụng phương pháp chỉ dùng đàn mẫu, đọc mẫu rồi học sinh đọc theo. 

Hoàn toàn dùng đàn giai điệu trước rồi học sinh đọc theo sẽ khiến các em không biết phân tích và không hiểu tại sao lại phải đọc nhạc như vậy, dù chỉ với những vấn đề sơ giản nhất. Đặc biệt, với phương pháp luôn đàn mẫu, các học sinh có năng khiếu đã bị tước đi mất khả năng tự học của mình. 

“Vậy với phân môn Tập đọc nhạc, khi nào áp dụng đàn mẫu và khi nào không áp dụng? Mấu chốt của vấn đề là ở đây. Đó chính là áp dụng dạy học theo tiếp cận năng lực. Cần dạy kết hợp giữa đàn mẫu và không mẫu. Khi học sinh đã có những kỹ năng nhất định, gặp cao độ hoặc trường độ tương tự và ở mức độ dễ, giáo viên chỉ việc gợi mở để học sinh tự phân tích và tự đọc. Chỉ khi học sinh không làm được mới đàn mẫu hoặc đọc mẫu.

Dạy Âm nhạc ở trường phổ thông: Hình thành năng lực tự học - Ảnh minh hoạ 2

Ảnh minh họa/ INT 

Nếu được học như vậy, học sinh phải vận động trí não, có sự chủ động trong tiếp thu, không thụ động chờ âm thanh vang lên rồi lặp lại. Qua nhiều năm, ít nhất các em cũng có một năng lực nào đó trong đọc nhạc, nhất là với các em có năng khiếu. Tuy nhiên, với đối tượng học sinh phổ thông, không nên quá sa đà vào dạy học Tập đọc nhạc như cho đối tượng chuyên nghiệp” - PGS Nguyễn Thị Tố Mai cho hay.

Cần đổi mới cách viết SGK

Một điều rất quan trọng để đạt được dạy học theo năng lực cần đổi mới cách viết SGK. Nhấn mạnh điều này, PGS Nguyễn Thị Tố Mai cho biết: SGK hiện hành được viết theo hướng tiếp cận nội dung. Chẳng hạn ở phân môn Hát, trong sách chỉ có bản nhạc của bài hát và đôi lời giới thiệu về bài hát... không có gợi ý cách hát; với phân môn Tập đọc nhạc chỉ có bài tập đọc nhạc... 

Như vậy, mặc dù đã được học bài Tập đọc nhạc ở trên lớp nhưng khi nhìn vào các bản nhạc trong sách, học sinh rất khó để có thể tự thực hiện được những bước thực hành căn bản như đọc gam hay quãng... 

Trong SGK cũng cần có sự thay đổi. Đó là để hình thành năng lực âm nhạc cần chú trọng nội dung thực hành, có thể lược bớt một số nội dung lý thuyết và lý thuyết nên được lồng ghép trong các nội dung thực hành, giúp học sinh học đến đâu, hiểu và được áp dụng ngay đến đó vào bài hát hay bài đọc nhạc một cách cụ thể.

SGK viết theo hướng tiếp cận năng lực cần có những bước, những quy trình cho các nội dung hoạt động. Với Tập đọc nhạc cần có bước đọc gam, quãng 2, quãng 3, luyện riêng trường độ, cao độ... và được lặp đi lặp lại thành quy trình. Lâu dần, cách dạy học này hình thành ở học sinh kỹ năng nhận biết và tự thực hành; khi đó, chỉ cần nhìn sách, các em có thể tự biết thực hiện đọc gam, quãng... như thế nào. Không chỉ với phân môn Tập đọc nhạc mà với cả Nhạc lý, Hát, Thường thức âm nhạc, SGK cũng nên được viết tương tự như vậy.

“Ngoài ra, về số lượng bài hát hay tập đọc nhạc cũng không nên nhiều mà có thể giảm bớt hơn để học bài nào, học sinh được đi sâu rèn luyện kỹ năng hơn. Đặc biệt, các bài tập đọc nhạc nên soạn những giai điệu dễ, đơn giản để học sinh có thể dần dần tự đọc được ở một mức độ nhất định, không nên dùng hoàn toàn những bài hát quen thuộc để làm bài tập đọc nhạc” - PGS Nguyễn Thị Tố Mai lưu ý.

Để đáp ứng được yêu cầu của Bộ GD&ĐT, của chương trình mới, các giáo viên đang dạy Âm nhạc ở phổ thông, các nhà quản lý ở trường phổ thông cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và kịp thời có những chuẩn bị phù hợp để khi SGK mới ban hành sẽ thích ứng được với phương pháp dạy học mới. Các trường đào tạo giáo viên âm nhạc cũng cần có sự thay đổi tích cực trong đào tạo giáo viên âm nhạc để đáp ứng xu thế mới.
                                                                     PGS Nguyễn Thị Tố Mai

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates