Nếu các trường phổ thông được giao quyền tự chủ, gồm tự chủ tài chính và nhân sự, sẽ thu hút được giáo viên giỏi, tạo sự công bằng trong giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM đang xây dựng đề án trình UBND TP về giao quyền tự chủ tài chính cho các trường, trong đó giao quyền cho một số trường đủ điều kiện được tự xây dựng mức thu bảo đảm đủ bù chi, không lợi nhuận.
Hướng tới tự chủ toàn phần
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, từ năm học này, sở sẽ tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường trong việc thực hiện chương trình trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng và thời lượng dạy học. Sở sẽ giao quyền cho một số trường đủ điều kiện được tự xây dựng mức thu bảo đảm đủ bù chi, không lợi nhuận. Tuy nhiên, phải thực hiện đầy đủ các công tác báo cáo, kiểm tra, công khai theo quy định của nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tài sản. Hiệu trưởng có quyền chủ động trong công tác nhân sự, tự quyết định số giáo viên (GV) hằng năm sát với thực tế và điều kiện đặc thù của đơn vị, bảo đảm hoạt động hiệu quả.
Thực tế, từ năm học này, TP HCM đã phân cấp, giao quyền trực tiếp tuyển dụng GV cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Theo ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM, theo lộ trình, đến năm học 2019-2020 sẽ trao quyền tuyển dụng cho 3 trường THPT thực hiện mô hình tiên tiến tại TP HCM là: Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) và các trường chuyên, trường có lớp chuyên tại TP.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, đề án tự chủ ở bậc phổ thông xuất phát từ thực tế của nhiều đơn vị, hơn nữa trước đó Bộ GD-ĐT cũng từng đề xuất xóa bỏ chủ trương biên chế trong ngành. Mục tiêu là trao quyền cho các trường tự chủ toàn phần, ngành chỉ quản lý về chuyên môn và chất lượng đầu ra.
Mạnh dạn dứt bỏ "bầu sữa"
Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP HCM, đối với tự chủ tài chính, đến nay, TP đã có 5 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động, hơn 1.220 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động. Theo ông Lê Hồng Sơn, các đơn vị khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã chủ động sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu.
Một chuyên gia giáo dục về phổ thông cho rằng việc TP HCM đề xuất tự chủ cho các trường phổ thông là hướng đi đúng đắn, nếu làm tốt còn góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển hơn nữa. Vị này cho rằng cùng với tự chủ nhân sự, ngành GD-ĐT nên mạnh dạn thẩm định, trao quyền tự chủ tài chính cho các trường. Như thế, các trường mới tự chủ trong việc chi trả lương cho GV, có điều kiện thu hút người giỏi.
Tuy nhiên, theo hiệu trưởng nhiều trường phổ thông, không phải trường nào cũng mạnh dạn dứt bỏ "bầu sữa" kinh phí từ ngân sách vì nguồn thu từ xã hội hóa luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu làm tốt thì thu tốt nhưng làm không được thì không có nguồn trả lương GV, trường không thể hoạt động.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), nhìn nhận việc tự chủ toàn phần có lợi mà cũng bấp bênh. Khi sử dụng kinh phí ngân sách, điều an tâm nhất là dù thế nào GV cũng có lương nhưng lại có những vấn đề phát sinh như kinh phí không đủ, không có để thực hiện hoạt động đổi mới giáo dục khiến chất lượng giáo dục có phần bị ảnh hưởng.
"Trong khi nếu tự chủ hoàn toàn, mỗi trường sẽ biết cái nào thật sự cần thiết, thật sự nên đầu tư cho học sinh. Nhưng điều này lại phụ thuộc vào người đứng đầu nhà trường. Làm không tốt, lãnh đạo không giỏi, không đủ tâm, đủ tầm thì không tuyển được học sinh, GV không có nguồn thu để sống" - ông Phú nói.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 3 cho rằng nếu thực hiện tốt việc trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường, đồng thời xã hội hóa giáo dục cũng là cơ sở để thu hút người giỏi công tác trong ngành. Khi đó, các trường sẽ có lý do nghiêm túc, khoa học hơn khi tuyển dụng GV bằng cơ chế trả lương, đãi ngộ xứng đáng. Tạo động lực để người thầy tích cực đổi mới, nâng chất lượng giáo dục.
Công bằng hơn
Một chuyên gia giáo dục nhận định: Thực tế, không riêng gì các trường THPT, TP HCM có nhiều trường tiểu học, THCS ở khu vực trung tâm hoàn toàn có thể tự bảo đảm kinh phí hoạt động bằng nguồn thu xã hội hóa. Nếu những trường này tự chủ toàn phần, kinh phí từ ngân sách hằng năm sẽ dư ra một khoản để dành cho các hoạt động khác hoặc đơn giản là vực dậy những trường yếu, thiếu điều kiện hơn. Có như thế mới tạo sự công bằng trong giáo dục. Ngân sách giáo dục hiện nay đang cào bằng, dẫn đến chuyện trường giàu cứ giàu và trường nghèo cứ nghèo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét