Bảo Bình -
Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu về tiến độ học tập, phong cách học tập và khả năng của học sinh, AI có thể đề xuất nội dung học tập phù hợp, phương pháp giảng dạy tối ưu cho mỗi học sinh...
Báo cáo “Đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam 2023” cho thấy, tổng vốn đầu tư vào Edtech nửa đầu năm 2023 đã vượt qua con số 30 triệu USD của cả năm 2022. Tính đến tháng 6/2023, đã có khoảng 70 quỹ đầu tư đã rót hơn 400 triệu USD cho startup Edtech Việt Nam.
ỨNG DỤNG AI ĐỂ PHÂN TÍCH DỮ LIỆU, CÁ NHÂN HÓA CON ĐƯỜNG HỌC TẬP
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục được cho là sẽ mang lại nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển đáng kể. Trong bức tranh toàn cảnh đó, cá nhân hóa trong học tập là mơ ước của những “anh cả” làng công nghệ giáo dục, nhất là khi AI ngày càng phổ biến. Những cải tiến công nghệ đã mang đến cơ hội học tập theo những cách thức hoàn toàn mới, dễ dàng ứng dụng và cá nhân hóa kiến thức. Tất cả đã làm thay đổi vai trò truyền thống của giáo viên và tạo ra vô vàn trải nghiệm học tập mới mẻ và thú vị.
Trong chương trình Tọa đàm: "Edtech Việt Nam & xu hướng cá nhân hóa trong học tập" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức, Tiến sỹ Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng công nghệ AI sẽ giải quyết được rất nhiều bài toán trong giáo dục.
AI sẽ hỗ trợ người học, giúp quá trình học tập được cá nhân hóa, tạo ra trải nghiệm học tập riêng biệt cho từng học sinh. AI có thể được sử dụng hỗ trợ tự động quá trình học tập. Ví dụ, chatbot AI có thể trả lời câu hỏi của học sinh và cung cấp giải pháp cho các vấn đề khó khăn. Ngoài ra, AI cũng có thể đánh giá và phân tích kết quả bài tập, bài kiểm tra hoặc đồ án một cách tự động, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và cung cấp phản hồi nhanh chóng cho học sinh.
Quan trọng hơn, AI sẽ hỗ trợ về mặt định hướng học tập. Theo Tiến sỹ Tôn Quang Cường, trong câu chuyện học tập, người học ngoài chuyện học những lớp học chính thức, họ còn tiếp cận với những chương trình học không chính thức, những nội dung bổ sung ngoài chương trình chính thức. Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu về tiến độ học tập, phong cách học tập và khả năng của học sinh, AI có thể đề xuất nội dung học tập phù hợp và phương pháp giảng dạy tối ưu cho mỗi học sinh. Điều này giúp tăng cường sự tương tác và hiệu quả học tập của từng cá nhân. Điều này sẽ hỗ trợ học sinh về mặt định hướng học tập, giúp người học hoạch định ra cái gọi là “con đường học tập”.
“Chúng ta phải tư duy lại, phải "khám học" (giống như khám bệnh), xem chúng ta cần cái gì, mong muốn cái gì, yếu ở điểm gì. Sau khi "khám học", phân tích dữ liệu, công nghệ AI sẽ gợi ý những giải pháp gia tăng giá trị cho người học”, Tiến sỹ Tôn Quang Cường nói.
Ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Edtech Agency, đồng trưởng Làng công nghệ giáo dục Techfest Việt Nam, cho rằng hiện tại công nghệ AI đang len lỏi vào tất cả các ngành công nghiệp, không chỉ mỗi edtech. Đối với edtech, AI liên quan đến nhiều mặt trận sản phẩm, từ việc hỗ trợ công tác quản lý đến hỗ trợ giáo viên soạn thảo bài giảng một cách nhanh nhất, tạo ra bộ câu hỏi một cách chuẩn nhất hoặc nhận diện khuôn mặt của học sinh, cảm xúc của học sinh. AI vừa là người đồng hành, người trợ lý trong quá trình học tập, và dài hạn hơn AI sẽ giúp phân tích dữ liệu cá nhân và từ đó hoàn toàn có thể xây dựng con đường học tập cho mỗi học sinh.
Ứng dụng AI trong giáo dục được xem như một chiếc chìa khóa, mở khóa kho dữ liệu người dùng một cách tổng thể và đưa ra lộ trình riêng phù hợp cho từng người.
THỊ TRƯỜNG EDTECH VIỆT ĐỨNG TRƯỚC NGƯỠNG CỬA TIỀM NĂNG VÀ THÁCH THỨC
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng AI không thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên. AI chỉ là một công cụ hỗ trợ, và vai trò của giáo viên vẫn cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra môi trường học tập khuyến khích, truyền cảm hứng và tương tác giữa người hướng dẫn và học sinh.
Một vấn đề nữa liên quan đến việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục đó là khả năng vận dụng các ứng dụng công nghệ của học sinh. Theo bà Đào Lan Hương, CEO học viện công nghệ Teky, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như độ tuổi học sinh, địa phương nơi học sinh sinh sống là khu vực thành thị hay nông thôn, và thậm chí cả bản chất sản phẩm công nghệ giáo dục được thiết kế như thế nào. Bên cạnh đó, khả năng thích nghi với phương pháp học tập mới, thay đổi thói quen học tập cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của quá trình đổi mới giáo dục này. Tất cả đều ảnh hưởng đến khả năng sử dụng ứng dụng và hiệu quả học tập.
Về phía giáo viên, Tiến sỹ Tôn Quang Cường cho rằng các thầy cô cũng cần nâng cao năng lực, cởi mở hơn với các sản phẩm công nghệ, với edtech, tiếp nhận và chủ động tích hợp công nghệ trong quá trình triển khai dạy và học.
Với sự trợ giúp của công nghệ AI, dữ liệu lớn bao gồm các chương trình học, các thế hệ học liệu số và cả hành vi dạy và học của giáo viên và học sinh, cả kết quả những năm học trước, được phân tích sẽ giúp làm rõ bài toán giáo dục.
Ông Nguyễn Trí Hiển cho rằng thị trường edtech Việt Nam đang đứng trước ngưỡng rất nhiều tiềm năng và thách thức. Điều này là do sự phát triển của công nghệ, trong đó đặc biệt là công nghệ AI, đang tác động mạnh mẽ lên những xu hướng liên quan đến việc cá nhân hóa học tập, những trải nghiệm học tập khác biệt với trước đây.
Việc có một “trợ lý học tập” sẽ giúp các em học sinh có một lộ trình học tập gần gũi, sát sao với nhu cầu và năng lực, mở ra xu hướng mới trong giáo dục, đó là giáo dục giải trí (edutainment). Edutainment là học tập qua trò chơi, trong đó AI có thể được sử dụng để phát triển các ứng dụng và trò chơi học tập tương tác. Với khả năng phân tích và phản hồi tức thì, AI có thể tạo ra trò chơi và hoạt động học tập thú vị, giúp học sinh hấp thụ kiến thức một cách hiệu quả và tăng cường sự tham gia và tương tác.
“Ứng dụng công nghệ giáo dục vào thị trường edtech, Việt Nam đang có cơ hội rất tốt trong việc thực hiện mong muốn đi tắt, đón đầu, trở thành một cường quốc”, ông Nguyễn Trí Hiển nói. “Hy vọng rằng khoảng hai năm nữa, nhiều các edtech Việt Nam sẽ có thể bứt phá, mang lại sự đổi mới cho giáo dục, góp phần phát triển nguồn nhân lực Việt Nam”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét