TIN LIÊN QUAN
Ngày 21/8/2023, Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra Công văn số 4561/SGDĐT-TCCB về xây dựng Kế hoạch nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP (Khóa 2).
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện báo cáo danh sách, số lượng giáo viên mầm non tiểu học, trung học cơ sở tham gia nâng chuẩn; hiệu trưởng các trường trung học phổ thông công lập (có cấp trung học cơ sở) báo cáo số lượng giáo viên, cán bộ quản lý tham gia nâng chuẩn trình độ khóa 2. Thời gian hoàn thành và gửi về Sở trước ngày 31/8/2023.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Đối tượng tham gia nâng trình độ chuẩn được đào tạo
Đối tượng tham gia nâng trình độ chuẩn được đào tạo là giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (sau đây gọi chung là giáo viên) trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục bao gồm:
Cơ sở giáo dục mầm non; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp tiểu học hoặc cấp trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hoặc cấp trung học cơ sở (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông).
Đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo điều 2 Nghị định 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ, bao gồm:
- Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 7 (bảy) năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
- Giáo viên dạy cấp học tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 8 (tám) năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 7 (bảy) năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
- Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 7 (bảy) năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Nguyên tắc thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo
Việc xác định đối tượng và tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phải bảo đảm phù hợp với thực trạng đội ngũ giáo viên và điều kiện của các cơ sở giáo dục, địa phương; không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy.
Việc xác định đối tượng giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo phải bảo đảm đúng độ tuổi, trình độ đào tạo của giáo viên.
GV lớn tuổi học nâng chuẩn: Việc thi để có chứng chỉ ngoại ngữ là không khả thi |
Ưu tiên bố trí những giáo viên còn đủ tối thiểu năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ tham gia đào tạo.
Trường hợp giáo viên không còn đủ năm công tác, không thuộc đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TTBGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phải bảo đảm khách quan, công khai, công bằng và hiệu quả.
Đến năm 2025, 90% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025: đến năm 2025, 90% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; 95% giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Tính đến cuối năm học 2022-2023, tỉ lệ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019: mầm non đạt 80%, tiểu học đạt 78.5%, trung học cơ sở đạt 93.2%.
Theo đó, Kế hoạch nâng chuẩn Khóa 2 (từ năm học 2024 - 2025 đến năm học 2026 - 2027) bảo đảm: 100% giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.
Liên quan đến kinh phí đào tạo, Quyết định 3364/QĐ-UBND ngày 11/8/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở Khóa 1 (từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026) nêu:
Kinh phí nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở Khóa 1 từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 71.
Ngân sách địa phương hỗ trợ học phí nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục và được bố trí trong dự toán ngân sách theo phân cấp hiện hành.
Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục bảo đảm kinh phí để chi trả các chế độ cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 71 cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn.
Tài liệu tham khảo:
https://hcm.edu.vn/thong-bao/ve-xay-dung-ke-hoach-nang-trinh-do-chuan-duoc-dao-tao-cua-giao-vien-theo-nghi-d/ctfull/41012/72256
0 nhận xét:
Đăng nhận xét