"Khan hiếm" nguồn tuyển giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh
Phan Anh
17:08 - 23/07/2023
Người dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng, nguồn tuyển khan hiếm là lí do chính khiến ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh luôn thiếu giáo viên bộ môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật) trong các năm qua.
"Khan hiếm" nguồn tuyển giáo viên nghệ thuật
Năm 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện giảng dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10 (năm 2023-2024 áp dụng ở lớp 11) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì thế số lượng giáo viên các môn học này vô cùng "khan hiếm". Cùng với đó, tình trạng thiếu giáo viên môn nghệ thuật do cắt giảm biên chế hoặc bỏ việc, nghỉ hưu nhưng tuyển mới rất khó khăn.
Ngày 7/7/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra Công văn số 3587/TB-SGDĐT về việc thay đổi nhu cầu tuyển dụng viên chức công tác ở các đơn vị nghiệp công lập trực thuộc, đợt 1, năm học 2023-2024.
Theo đó, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng 305 viên chức bậc trung học phổ thông, trong đó có 251 giáo viên bộ môn. Trong đó, các nhà trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên cần tuyển dụng 12 chỉ tiêu giáo viên Âm nhạc và 8 chỉ tiêu giáo viên Mĩ thuật.
Ngày 21/7/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo số 3899/TB-SGDĐT danh sách triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi vòng 1 kì tuyển dụng viên chức đợt 1, năm học 2023-2024. Theo danh sách, chỉ có 2 ứng viên môn Âm nhạc đủ điều kiện tham gia thi tuyển viên chức. Đáng nói, năm học 2023-2024, không có ứng viên Mĩ thuật nào tham gia thi tuyển cả.
Đối với bậc tiểu học, trung học cơ sở, thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo của 22 quận, huyện, thành phố nhiều năm qua cũng cho biết, các nhà trường luôn trong tình trạng "khan hiếm" giáo viên môn Âm nhạc, Mĩ thuật.
Cần nâng cao thu nhập để thu hút giáo viên nghệ thuật
Vào thời điểm giữa tháng 5/2023, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ với truyền thông rằng hiện nay các trường trung học phổ thông chưa có giáo viên các môn nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) để học sinh lựa chọn theo quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023.
Số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học cơ sở có trình độ đại học trở lên chưa đủ để bố trí giảng dạy nên rất khó điều động đội ngũ này sang dạy ở cấp trung học phổ thông. Công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành sư phạm chuyên môn Âm nhạc và Mĩ thuật chưa đáp ứng kịp nhu cầu tuyển dụng.
Đáng nói, hiện nay Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có chương trình đào tạo Sư phạm Âm nhạc, Mĩ thuật trong khi nhu cầu xã hội đang rất cần giáo viên các ngành này. Còn Trường Đại học Sài Gòn cũng chỉ tuyển 30 chỉ tiêu Sư phạm Âm nhạc và 30 chỉ tiêu Sư phạm Mĩ thuật năm 2023.
Trường Đại học Mĩ thuật đào tạo ngành Sư phạm Mĩ thuật với tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong cả nước là khoảng 100 cho hàng năm. Thế nhưng, không thể chắc chắn 100 sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ theo ngành sư phạm và ở lại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc.
Từ năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch làm việc với Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh để có định hướng cho sinh viên đang theo học hỗ trợ cho các quận, huyện. Song song với đó tham mưu và đề xuất chế độ chính sách cho giáo viên nhạc họa để thu hút nhân lực. Nhưng, việc thu hút sinh viên Nhạc viện Thành phố sau khi ra trường vào làm việc ở các nhà trường phổ thông như thế nào thì đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể.
Thực tế lựa chọn nghề nghiệp cho thấy, nếu có năng khiếu nghệ thuật thì học sinh, sinh viên theo định hướng khác chứ không chọn ngành sư phạm vì đồng lương sau khi ra trường quá thấp, không đủ mưu sinh ở thành phố có mức sống đắt đỏ nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh.
Để giải quyết tình trạng "khan hiếm" giáo viên nghệ thuật, một số địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Bình... đưa ra những giải pháp tạm thời luân chuyển giáo viên ở bậc trung học cơ sở lên dạy trung học phổ thông, hoặc có chế độ để giáo viên kiêm nhiệm dạy 2 cấp, chia sẻ nguồn giáo viên trong cùng địa bàn (cụm trường, quận, huyện).
Tuy vậy, nhiều giáo viên cho rằng, cách làm như các địa phương cũng chỉ mang tính "chữa cháy" trước mắt. Giải pháp căn cơ là vẫn phải nâng cao thu nhập và cải thiện môi trường làm việc vốn đang nặng về hành chính hóa cho thầy cô giáo thì mới có thể giải bài toán khó thiếu giáo viên nghệ thuật như hiện nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét