Bộ GD-ĐT cho hay, qua hơn 4 năm thực hiện đề án, quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non tiếp tục được củng cố, phát triển, số trường mầm non tăng so với năm học trước. Cả nước hiện có 15.334 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non.
Quang cảnh hội nghị |
Tổng số trẻ mầm non được đến trường và chăm sóc giáo dục theo chương trình GDMN là hơn 5 triệu trẻ em. Trên phạm vi toàn quốc đã bố trí đủ 1 phòng học/1 lớp, tỷ lệ kiên cố đạt 82,2% (vượt 2,2% so với mục tiêu đến năm 2025). Công tác xã hội hóa đối với GDMN được quan tâm, cả nước có 3.224 trường mầm non ngoài công lập; 15.749 cơ sở là các nhóm/lớp độc lập, tăng 1.195 cơ sở so với năm học 2015-2016…
Bên cạnh những kết quả đạt được, GDMN vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2022-2023, cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên trong các cơ sở GDMN công lập. Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực đối với giáo viên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Tiền lương, tiền công, chính sách của giáo viên mầm non rất thấp.
Bên cạnh đó, mạng lưới trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ, đặc biệt là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đông dân cư. Cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu còn thiếu, cũ, hỏng nhiều và chưa đáp ứng yêu cầu dạy học. Vẫn còn gần 500.000 trẻ trong độ tuổi 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước ĐBSCL; gần 800.000 trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số chưa được tới trường, chưa được tiếp cận với GDMN.
Các địa phương kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cho đội ngũ công chức, viên chức; quan tâm chính sách tiền lương đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục để an tâm công tác, gắn bó với nghề.
Bộ GD-ĐT tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ viên chức mới tuyển dụng, đặc biệt là GDMN và viên chức nhận công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để ổn định đội ngũ. Có giải pháp thu hút giáo viên mầm non, tiếp tục tăng biên chế giáo viên cho các địa phương, đảm bảo đủ biên chế giáo viên/nhóm lớp; không giảm biên chế cơ học với ngành giáo dục, tăng thu nhập cho giáo viên mầm non, bổ sung chính sách hỗ trợ giáo viên ở các vùng khó khăn…
Nhiều địa phương cũng cho rằng, để tiếp cận được với chương trình GDMN mới dự kiến sẽ triển khai trong thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT cần có chương trình bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu, tránh những hạn chế trong bồi dưỡng giáo viên của chương trình giáo dục phổ thông 2018; có giải pháp căn cơ để GDMN ngày càng phát triển bền vững.
Giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn |
Để khắc phục khó khăn, hạn chế và tiếp tục triển khai đề án phát triển GDMN đến năm 2025, Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ có giải pháp thí điểm thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành; đổi mới chương trình GDMN; phát triển GDMN vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất và nơi tập trung đông dân cư; đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất; chính sách phát triển đội ngũ, có cơ chế, giải pháp đào tạo, tuyển dụng đủ giáo viên mầm non theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, GDMN vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, còn nhiều vấn đề cần quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đặc biệt là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của bậc học mầm non. Mặt khác, đề án có thành công hay không, vai trò của đội ngũ giáo viên vô cùng quan trọng, các địa phương quan tâm hơn nữa tới chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên mầm non, đồng hành với giáo viên trong điều kiện còn nhiều khó khăn về thu nhập, điều kiện làm việc như hiện nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét