SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Sản xuất đàn dương cầm - Thăng trầm như cung đàn.

 PHAN BẢO

13/10/2022 06:48 GMT+7

TTCT - Chế tạo dương cầm từng là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất nước Mỹ. Giờ đây chỉ còn đúng 2 nhà làm đàn trụ lại.

Sản xuất dương cầm - thăng trầm như cung đàn - Ảnh 1.

Ảnh: Mason & Hamlin

Năm 1978, cứ 316 hộ gia đình thì có một nhà có dương cầm; tỉ lệ ngày nay là 1/3.000, theo tờ Hidden City Philadelphia. Theo trang The Hustle, gần như toàn bộ các nhà sản xuất piano ở Mỹ đã bị "xóa sổ" bởi cạnh tranh nước ngoài, thiếu hụt công nhân có tay nghề trong nước và cả sự trỗi dậy của các hình thức, công nghệ giải trí hiện đại.

Ngày nay, chỉ còn 2 cái tên trụ lại: Steinway & Sons ở bang New York và Mason & Hamlin ở bang Massachusetts. Steinway vẫn sống khỏe nhờ danh tiếng trăm năm, còn Mason & Hamlin xoay xở được nhờ quay về với kỹ nghệ làm dương cầm từ một thời đã xa.

Thời hoàng kim

Đàn piano cập bến nước Mỹ vào đầu thế kỷ 18, và chẳng bao lâu sau, ngành sản xuất nhạc cụ này phát triển mạnh ở các trung tâm công nghiệp như New York và Boston. Trước đó, phần lớn dương cầm được chế tạo ở châu Âu, đầu tiên là ở Vienna (Áo), và sau đó ở Anh.

Theo William Hettrick, giáo sư âm nhạc tại Đại học Hofstra, New York, hàng trăm nhà sản xuất đàn piano ra đời ở Mỹ từ giữa đến cuối những năm 1800. Những tên tuổi phổ biến là Chickering & Sons (1823), Steinway (1853), Mason & Hamlin (1854) và Joseph P. Hale (1877).

Từ năm 1869 đến năm 1905, số lượng đàn piano được sản xuất ở Mỹ đã tăng từ 25.000 chiếc lên 261.000 chiếc mỗi năm. Sản xuất đàn piano trở thành một trong những ngành công nghiệp lớn nhất ở Mỹ, chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu.

Sản xuất tăng nhanh chóng, đi đôi với hàng loạt chiến lược tiếp thị táo bạo, quảng cáo đàn piano có ở khắp nơi và người tiêu dùng hoàn toàn bị thuyết phục. Tác giả người Mỹ Jeffrey

A. Tucker từng viết: "Nhiều người có quan niệm rằng chi tiền mua một cây đàn piano không thực sự là một khoản chi tiêu, mà số tiền đã trả được chuyển hóa vào món đồ đẹp và hữu ích. Vì vậy, mọi người sẵn sàng ‘hi sinh’ những khoản chi khác cho nhạc cụ này".

Đàn piano nhanh chóng trở thành vật phải có trong mỗi gia đình Mỹ; năm 1867, sử gia James Parton cho rằng tầm quan trọng của dương cầm với các hộ gia đình "chỉ xếp sau bếp lò".

Mason & Hamlin ban đầu chỉ làm đàn đạp hơi (pump organ). Khi thấy thị trường bùng nổ vào năm 1880, họ chuyển sang làm piano và nhanh chóng đạt được doanh số 500 chiếc/tháng, trước khi cùng cả ngành này bước sang giai đoạn thoái trào, gần nửa thế kỷ sau đó.

Sản xuất dương cầm - thăng trầm như cung đàn - Ảnh 2.

Quảng cáo đàn Mason & Hamlin khi xưa.

Cuộc vui sớm tàn

Doanh số của các hãng đàn bắt đầu sụt giảm vào những năm 1920, khi loạt phát minh mới như ô tô (một cách để ra ngoài giải trí dễ dàng) và radio (một nguồn giải trí tại gia) được thương mại hóa. Cú sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 cũng khiến nhiều người không còn dư dả để sắm đàn.

Trong thời kỳ Đại suy thoái (1929-1933), doanh số bán đàn piano như rơi xuống vực. Từ 1929-1931, số lượng đàn piano bán ra giảm từ hơn 350.000 chiếc xuống dưới 60.000 chiếc mỗi năm. Tổng doanh số đàn piano trên toàn nước Mỹ giảm từ 42 triệu USD xuống 15 triệu USD. 85% công nhân làm đàn bị sa thải. Tình hình trở nên tồi tệ hơn trong Thế chiến thứ hai (1939-1945), nhiều nhà máy sản xuất đàn piano phải chuyển sang chế tạo máy bay quân sự và quan tài.

Tình hình khó khăn hơn vào những năm 1960 - khi tivi trở thành hình thức giải trí chính trong các hộ gia đình Mỹ, máy hát đĩa và trào lưu nhạc rock thì lấn át piano và nhạc cổ điển. Căng thẳng hơn, các thương hiệu nước ngoài bắt đầu len lỏi vào thị trường đàn piano ở Mỹ. 

Đầu thập niên 1960, Yamaha - nhà sản xuất đàn piano lớn nhất Nhật Bản - bắt đầu tạo dựng được chỗ đứng ở Mỹ. Trong vòng một thập niên sau đó, tổng doanh số của các nhà chế tạo từ Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc gộp lại cao hơn gấp đôi lượng bán hàng của các nhà sản xuất Mỹ.

Thế là các tên tuổi sản xuất đàn piano trong nước dần biến mất. Đến giữa những năm 1990, chỉ còn lại 9 công ty Mỹ còn hoạt động. Theo trang Hidden City Philadelphia, những nhà sản xuất còn tồn tại được là nhờ chuyển từ chế tạo những nhạc cụ lớn, cao cấp sang những cây đàn đại trà, nhỏ và rẻ hơn.

Mason & Hamlin cũng bị ảnh hưởng. Công ty nhiều lần đổi chủ, cuối cùng rơi vào tay đối thủ Aeolian. Từ một thương hiệu nổi tiếng nhờ chất lượng và sự tinh tế, kỹ thuật thủ công của Mason & Hamlin sa sút dần. 

Tom Lagomarsino, phó chủ tịch điều hành hiện tại của Mason & Hamlin, kể với The Hustle: "Họ chuyển từ gỗ thích sang gỗ gụ, sau đó sang gỗ dương. Chất lượng ảnh hưởng khủng khiếp".

Mason & Hamlin sa sút đến mức phải ra tòa hoàn tất thủ tục phá sản vào năm 1996, trước khi gặp ân nhân cứu mạng - doanh nhân Kirk Burgett.

Sản xuất dương cầm - thăng trầm như cung đàn - Ảnh 3.

Kỹ thuật viên tinh chỉnh đàn. Ảnh: Boston Magazine

Trở về với bản gốc

Burgett cũng không xa lạ mấy với chiếc piano. Cuối thập niên 1980, ông cùng anh trai phát minh ra PianoDisc - một hệ thống chơi piano tự động. Công ty của hai anh em phát triển nhanh chóng và bán được 120.000 chiếc cho các khách hàng, trong đó có Chủ tịch Hạ viện hiện nay Nancy Pelosi, tỉ phú Bill Gates và các ngôi sao thể thao chuyên nghiệp.

Khi nhận lãnh con thuyền đắm Mason & Hamlin, vốn chỉ còn "cái vỏ rỗng ruột", Burgett chú trọng đầu tư vào chất lượng với mục tiêu trở về thời huy hoàng trước đây. Ông thuê ba kỹ sư dùng phương tiện kỹ thuật số tái tạo các bản thiết kế của những cây đàn piano chất lượng cao - vốn là đặc trưng khiến công ty nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20.

Burgett cũng quay lại với nhiều phương pháp và vật liệu mà công ty sử dụng vào lúc ban đầu. Ông chi hàng trăm nghìn USD cho các công cụ chuyên dụng, trong đó có nhiều công cụ có tuổi đời hàng chục năm. Đặc biệt, ông trang bị cho mỗi cây đàn piano một bộ cộng hưởng lực căng - thiết bị do Richard Gertz, một kỹ sư của Mason & Hamlin, tiên phong sáng tạo vào năm 1895.

Sản xuất dương cầm - thăng trầm như cung đàn - Ảnh 4.

Làm đàn tại xưởng của Mason & Hamlin.

Mọi nỗ lực cuối cùng cũng được đền đáp. Burgett cho biết công ty hiện đã kín lịch sản xuất trong sáu tháng tới do đơn đặt hàng ồ ạt từ nhiều trường học, nhà thờ, nhạc sĩ và giới khá giả. Mason & Hamlin xuất xưởng khoảng 2,5 cây đàn/tuần. Dù đã tối ưu hóa quy trình, hiện hãng vẫn mất đến chín tháng để làm xong một cây đại dương cầm, với giá bán lẻ 175.000 USD.

Cơ sở sản xuất của công ty - tòa nhà sáu tầng màu gạch đỏ cũ kỹ ở thị trấn rợp bóng cây Haverhill (Massachusetts) - đang lưu giữ những dấu tích cuối cùng của ngành công nghiệp đáng gờm một thời: Những chồng gỗ phong đã sấy xếp dọc các bức tường. Các nghệ nhân cẩn thận mày mò các chốt chỉnh và thùng đàn. Tiếng nhạc cổ điển nhẹ vang lên trên âm thanh đều đều, chậm rãi của những cỗ máy 100 năm tuổi.

Tiếng dương cầm còn mãi

Năm 2015, nhiều tờ báo ở Anh, Mỹ viết về tương lai hiu hắt của đàn piano, khi trẻ em có quá nhiều lựa chọn giải trí và hoạt động như bóng đá, thể dục dụng cụ, bơi lội. Như một kỹ thuật viên đàn piano ở Boston nhận xét: "Công nghệ máy tính đã hoàn toàn thay đổi những gì trẻ em quan tâm. Bọn trẻ hứng thú với những thứ không tốn nhiều công sức, vì vậy ngồi một giờ mỗi ngày để học piano không phải là điều chúng muốn làm".

Ngay cả với những trẻ thật sự đam mê âm nhạc, số tiền đắt đỏ (khoảng 16.000 USD - tức 382 triệu đồng) để mua một chiếc piano mới cũng là một trở ngại lớn. Trong khi đó, vẫn còn một lựa chọn khác kinh tế hơn với chất lượng tương đương: những chiếc đàn cũ có thể tồn tại 50 - 70 năm hoặc đàn được tân trang, nhất là khi nhiều chủ sở hữu sẵn sàng tặng không nhạc cụ của họ cho gia chủ thứ hai, thứ ba, thậm chí là thứ tư, miễn là họ chịu trả phí vận chuyển. Vì vậy, việc một số nhà sản xuất dương cầm chuyển sang cung cấp dịch vụ sửa chữa và tân trang đàn cũ cũng là điều dễ hiểu.

"Chúng tôi thực sự đang phải cạnh tranh với những cây đàn piano [cũ] mà chính hãng mình tạo ra (...). Có rất nhiều cây đàn piano thực sự xuất sắc trên thị trường với giá chỉ bằng một phần nhỏ một cây đàn mới" - Dennis Saphir, người đã đóng cửa tiệm piano của mình ở ngoại ô thành phố Chicago, nói với The Guardian.

Nhưng chính cũng vì thế mà tiếng dương cầm sẽ còn mãi. "Piano là thứ khó biến mất. Nó là món đồ chuyền tay tuyệt vời" - Stephen Scharbrough, thợ chỉnh đàn thế hệ thứ hai ở thành phố Indianapolis, bang Indiana, khẳng định với trang WNYC Studios.

Sản xuất dương cầm - thăng trầm như cung đàn - Ảnh 5.

Tại xưởng làm đàn của Mason & Hamlin. Ảnh: Facebook công ty

Tương tự, nghệ sĩ dương cầm Canada Chantal Kreviazuk nói với tờ Financial Post: "Tôi chắc chắn thích một số âm thanh tạo ra bằng công nghệ kỹ thuật số trong những năm gần đây, nhưng không gì có thể sánh được với việc ngồi xuống chiếc ghế dài đó và gõ lên những phím đàn đích thực".

Joe Lamond, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại sản phẩm âm nhạc National Association of Music Merchants ở Mỹ, thì nhấn mạnh sự ưu việt về thiết kế, độ bền và tính linh hoạt của đàn piano. Theo ông, chính những yếu tố này khiến cho loại nhạc cụ dù được phát minh cách đây hơn 300 năm vẫn có chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại.■

Nhà sản xuất dương cầm nội địa còn lại của Mỹ, Steinway, mới nộp hồ sơ trở lại niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York hồi tháng 4. Theo hồ sơ, Steinway đạt thu nhập ròng 59,3 triệu USD trong năm tài khóa 2021, tăng 51,8 triệu so với 2020. Steinway do người Đức nhập cư Henry Engelhard Steinway thành lập năm 1853, hiện có nhà máy chính ở New York và một cơ sở ở Hamburg (Đức). Đàn Steinway nổi tiếng về độ tinh xảo và chất lượng, mỗi chiếc đại dương cầm có giá từ 60.000 đến 360.000 USD.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates