Cô Nguyễn Thị Mai trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên tại lớp 6C, Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa). |
Đổi mới phương pháp dạy để đáp ứng với Chương trình mới
Giờ học môn Khoa học tự nhiên của lớp 6C, Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) không đơn thuần chỉ có phấn trắng, bảng xanh mà trở nên sinh động, lôi cuốn hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông minh vào việc dạy và học.
Tự tin thuyết trình trước lớp bài báo cáo đã chuẩn bị ở nhà, em Đỗ Hiển Vinh (lớp 6C) trình bày một cách ngắn gọn, súc tích chỉ trong vòng 5 phút. Điều đặc biệt, dù chỉ là cậu học sinh lớp 6 nhưng Vinh đã sử dụng thành thạo thiết bị tương tác thông minh trên màn hình ti vi.
Lý giải về điều này, nam sinh lớp 6 cho rằng, nhờ được thực hành nhiều lần nên không còn quá bỡ ngỡ. “Giờ học môn Khoa học tự nhiên vô cùng thú vị, nó không chỉ giúp em có thêm kiến thức mà còn hiểu biết hơn về công nghệ. Với việc chăm chỉ tìm tòi kiến thức cùng sự hỗ trợ của gia đình, em đã có bài báo cáo, thuyết trình có thể gọi là thành công trước lớp”, Vinh bộc bạch.
Giảng dạy môn Khoa học tự nhiên từ thời điểm về trường nhận công tác hồi tháng 9/2021, cô giáo Nguyễn Thị Mai không khỏi vui mừng trước sự đổi thay, tiến bộ vượt bậc của học trò, đặc biệt là từ khi nhà trường mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào dạy và học.
Theo cô Mai, Khoa học tự nhiên là môn học nằm trong Chương trình GDPT 2018, với sự tích hợp giữa ba phân môn gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học. Vì vậy, cả thầy và trò gặp không ít khó khăn khi mới tiếp cận với môn học.
Giờ học đầy hứng thú của học sinh lớp 6C, Trường THCS Cù Chính Lan. |
“Hầu hết các trường đều gặp khó khăn về nhân lực, bởi không phải giáo viên nào cũng có đủ khả năng dạy một lúc cả 3 phân môn. Thật may mắn với Trường THCS Cù Chính Lan, đó là hầu hết giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên đều có thế mạnh ở ít nhất 2 phân môn.
Với sự hỗ trợ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp cùng với tinh thần tự học, tự nghiên cứu, chúng tôi có thể tự tin đảm trách môn học”, cô Mai cho hay.
Cũng theo cô Mai, việc Ban giám hiệu nhà trường mạnh dạn đầu tư công nghệ dạy học, tương tác thông minh U-Pointer3 kết hợp ti vi màn hình cường lực với phần mềm trực quan như I-Pro5, MozaBoook và thí nghiệm ảo 3D,... đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
“Khoa học tự nhiên là môn học gắn liền với đời sống, những sự vật, hiện tượng xung quanh cuộc sống chúng ta. Vì vậy, tôi không bó khung cố định ở một phương pháp, mà linh hoạt theo từng nhóm học sinh và bài giảng cụ thể.
Với từng nội dung có thể áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp nhưng trọng tâm vẫn là đổi mới công nghệ, sử dụng phần mềm dạy học trực quan. Chẳng hạn, với các thí nghiệm nếu triển khai thực tế sẽ khá nguy hiểm, chúng tôi sẽ triển khai thí nghiệm ảo 3D mang lại kết quả rất chính xác, học sinh cũng dễ dàng quan sát, đọc kết quả”, cô Mai nói.
Đặc biệt, khi ứng dụng công nghệ, học sinh được chủ động tìm tòi và chắt lọc kiến thức, rèn luyện được nhiều kỹ năng quan trọng như kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình một cách thường xuyên.
Gắn bó với nghề từ những năm 2010, cô giáo Nguyễn Thị Mai luôn tâm huyết với bậc học. Nữ nhà giáo luôn nhắn nhủ với học trò rằng, học không chỉ để thi mà còn để biết và vận dụng vào cuộc sống của mình.
“Tôi từng bỏ ngành Tài chính để đến với Sư phạm, bởi tôi chỉ có tình yêu duy nhất với nghề dạy học. Tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được đứng trên bục giảng, được ngắm nhìn học trò phát triển và trưởng thành từng ngày”, cô Mai bộc bạch.
Dạy học theo hướng phát triển năng lực
Giờ học môn Sinh học của cô và trò trường vùng cao Thanh Hóa - Trường THPT Quan Hóa cũng không chỉ có kiến thức, mà còn rất thực tiễn với những kỹ năng quan trọng, cần thiết trong cuộc sống.
Cô Hoàng Thị Thanh Hà cùng học trò bên mô hình "Thu gom phế liệu gây quỹ kế hoạch nhỏ". |
Đảm nhận môn Sinh học tại trường từ năm 2010, cô Hoàng Thị Thanh Hà, giáo viên Trường THPT Quan Hóa không ngừng tự học, bồi dưỡng bản thân để giúp học trò dễ dàng tiếp cận với môn học, phù hợp với đặc thù học sinh dân tộc thiểu số.
“Tôi chú trọng đổi mới phương pháp theo hướng phát triển năng lực của học sinh, kết hợp phương pháp dạy học tích cực để tăng hứng thú. Đồng thời nhìn nhận môn học gần gũi với đời sống thường ngày”, cô Hà chia sẻ.
Bên cạnh truyền tải kiến thức, nữ nhà giáo vùng cao còn lồng ghép kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên giúp học trò nâng cao nhận thức về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng như cách phòng tránh bệnh tật truyền nhiễm.
Các hoạt động ngoại khóa cũng được cô Hà triển khai trong những năm học vừa qua. Đặc biệt, năm học 2021-2022, nữ giáo viên đã kết hợp cùng học sinh tham gia hoạt động dạy học theo dự án nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm chất thải trắng (túi ni lông) tại địa phương.
“Khi tham gia dự dự án, học sinh có thể phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết và thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Thông qua đó, các em vừa chủ động trong học tập vừa nhận thấy kiến thức mình đã học hoàn toàn không xa lạ, mà rất gần gũi với cuộc sống. Từ đó, các em có thể vận dụng những gì đã học vào phát triển nền kinh tế địa phương, góp phần làm giàu cho quê hương”, cô Hà nói.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Hà (áo vàng), tâm nguyện của nữ nhà giáo là trường học vùng cao được đầu tư hơn về cơ sở vật chất, học sinh được vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. |
13 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, nữ nhà giáo xứ Thanh luôn trăn trở về chất lượng đại trà cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. “Không chỉ riêng tôi, mà với giáo viên đang công tác tại miền núi đều mong muốn chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, cơ sở vật chất được đầu tư hơn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển ngành giáo dục”, cô Hà chia sẻ.
Theo nữ giáo viên, những năm qua tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Sinh học cũng như dự thi tổ hợp Khoa học tự nhiên ngày càng tăng lên. Đây cũng là một sự khích lệ không nhỏ đối với đội ngũ nhà giáo.
“Trong năm học này, chúng tôi phấn đấu sẽ có nhiều học sinh đạt từ điểm 8 trở lên. Với các em học Chương trình mới sẽ phát huy được năng lực và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống”, nữ giáo viên bộc bạch.
"Việc sử dụng công nghệ dạy học tương tác thông minh U-Pointer3 mang lại hiệu quả cao trong việc dạy và học. Thông qua đó, học sinh được rèn luyện được kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm một cách thường xuyên", thầy Dương Minh Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan nhận xét.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét