Song Nghi
(KTSG) – Vào đầu năm học 2022-2023 này, cùng với việc một số bộ sách giáo khoa mới được đưa vào giảng dạy, thị trường giáo án, bài giảng điện tử cũng hoạt động sôi nổi theo vì cần có bài giảng và giáo án cập nhật theo sách mới. Lượng giao dịch khá cao cho thấy thị trường cho loại hàng hóa đặc biệt này đã hình thành trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển lành mạnh thì cần sớm có nhiều giải pháp đồng bộ từ pháp lý, công nghệ đến mô hình kinh doanh phù hợp.
- Giải pháp nào cho giáo án điện tử?
- Thiếu giáo viên dạy chương trình mới, nhiều trường phải ký hợp đồng thỉnh giảng
Giáo viên mẫu giáo Deanna Jump tạo được thu nhập hàng triệu đô la từ việc bán bài giảng trên sàn giao dịch Teachers Pay Teachers. Ảnh: AP
Trên các nhóm giao dịch qua mạng Internet có thể tìm thấy đủ loại từ giáo án dạng file Word, giáo án dạng file trình chiếu PowerPoint, tài liệu dạy thêm, thư viện kiểm tra và đề thi thử… Mỗi nhóm như vậy có vài chục ngàn thành viên và giao dịch diễn ra rất sôi nổi.
Giáo án, bài giảng cho chương trình theo sách giáo khoa mới sẽ có giá cao hơn, tầm 700.000 đồng cho một học kỳ trong khi đối với sách giáo khoa hiện hành thì chỉ tầm 100.000-300.000 đồng.
Thị trường giao dịch giáo án, bài giảng, học liệu… đã hình thành hàng chục năm nay ở Mỹ với doanh thu hàng năm ước tính lên đến hàng trăm triệu đô la. Tuy nhiên, muốn phát triển lành mạnh như vậy thì thị trường này tại Việt Nam phải tránh đi vào vết xe đổ của các “chợ tài liệu” trực tuyến hiện nay.
Nỗi đau đầu về bản quyền còn nguyên
Tại Việt Nam, ngay cả ngành xuất bản chính thống cũng gần như đầu hàng nạn vi phạm bản quyền sách điện tử (ebook). Hồi đầu tháng 8 vừa qua, trong cuộc tọa đàm “10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012” tổ chức tại TPHCM, báo Tuổi Trẻ đã dẫn câu nói của ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM: “Ai muốn chết thì làm sách điện tử!”. Đó là mô tả khá chính xác thực trạng đáng buồn đang tồn tại lâu nay trong nền xuất bản Việt Nam.
Với sách điện tử, nhà phát hành đã mã hóa nội dung chống sao chép, chống in… nói chung là dựng rào cản kỹ thuật mà vẫn không chống nổi nạn xâm phạm bản quyền tràn lan dến mức một vị giám đốc phải thốt lên như vậy thì với giáo án càng khó hơn nhiều.
Bởi lẽ với giáo án, bài giảng điện tử, học liệu… người bán phải cung cấp ở file định dạng thông thường như Word, PowerPoint, PDF… để người mua có thể chỉnh sửa, biên tập nên việc lạm dụng là điều không thể kiểm soát được. Bất cứ ai sau khi mua có trong tay file giáo án là có thể chia sẻ cho nhiều người khác dùng chung. Thậm chí tệ hơn nữa, người mua có thể tiếp tục rao bán ở nơi khác mà chủ sở hữu không biết được hay có biết cũng không làm gì được.
Chính vì vậy, trên các nhóm giao dịch, người bán chỉ còn cách “năn nỉ” người mua là tác giả phải tốn rất nhiều công sức để soạn nên mong rằng người mua chỉ sử dụng giáo án cho mục đích cá nhân, không chia sẻ cho ai. Có thể nói, với giáo án điện tử, biện pháp bảo vệ chỉ có thể dựa vào lòng tốt, ý thức tôn trọng bản quyền của người mua mà thôi.
Tôn trọng bản quyền phải bắt đầu từ tác giả
Có một điểm đáng khen là trong sách giáo khoa mới của lớp 10 năm nay, khái niệm tôn trọng bản quyền đã được đưa vào chương trình giảng dạy. Có thể nói đây là lứa học sinh đầu tiên được học trong chương trình chính thức các vấn đề như bản quyền, bản quyền kỹ thuật số, tác quyền… Hy vọng sau này các em sẽ thấy việc vô tư sử dụng file, phần mềm… có bản quyền là một hành vi không chấp nhận được.
Trong khi chờ được kết quả ý thức tôn trọng bản quyền hình thành trong xã hội từ lứa học sinh này thì thực trạng vẫn hết sức đáng ngại. Cũng theo bài báo đã dẫn ở trên, ông Lê Thanh Hà cho biết trong bảy tháng đầu năm 2022 ông đã từ chối khoảng 300 bản thảo vì có vấn đề về tác quyền. “Có những trường hợp sao chép sách đến xin phép xuất bản, tôi cầm cả sách gốc mà họ đã sao chép ra để từ chối cấp phép, mà họ vẫn bảo cam kết về mặt tác quyền”.
Con số 300 bản thảo vi phạm bản quyền được tác giả mang đến một nhà xuất của ngành giáo dục này cho thấy, ngay cả những tác giả viết sách để giảng dạy mà vẫn phớt lờ chuyện tác quyền thì thật đáng báo động. Và với những giáo án điện tử, bài giảng làm sẵn chứa các hình ảnh, video, template file Word, PowerPoint… thì sao? Liệu những sản phẩm này có chứa các thành phần vi phạm bản quyền hay không và nếu có thì việc bán những tài liệu này cũng không thể xem là đúng luật.
Nếu không sớm có một sàn giao dịch chính thống thì thị trường giáo án điện tử sẽ đi vào vết xe đổ của các “chợ tài liệu” trực tuyến hiện nay: copy lẫn nhau, không có khái niệm bản quyền, mạnh ai nấy chia sẻ. Đến giai đoạn này thì các tác giả chân chính sẽ sớm bỏ cuộc vì họ không thể nào dồn công sức, tâm huyết để soạn ra những bài giảng, giáo án có giá trị, chất lượng cao, tuân thủ bản quyền để rồi mất trắng vì bị sao chép, phát tán khắp nơi.
Sàn giao dịch giáo án tạo ra tác giả triệu đô
Từ năm 2006 tại Mỹ ra đời một sàn giao dịch giáo án, học liệu và nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh thị trường ngách này, đó là Teachers Pay Teachers (TPT). Sàn TPT được cựu giáo viên Paul Edelman thành lập năm 2006, đến nay đã có 7 triệu giáo viên sử dụng, qua đó tạo doanh thu khoảng 800 triệu đô la/năm trong vài năm gần đây. Kho tài liệu của TPT lên tới 5 triệu tài liệu đủ loại từ bài giảng, giáo án, hình ảnh, video đến cả ứng dụng (app) viết sẵn…
Hiện tại, TPT gần như độc chiếm thị trường đặc biệt này, các trang web tương tự như Teachwise, Teacher’s Notebook… sau vài năm hoạt động hiện tại đã đóng cửa hoặc bị sát nhập và không còn hoạt động chỉ riêng trong lĩnh vực giáo án, học liệu như TPT. Đến năm 2020 thì TPT đã có 15.000 giáo viên gởi bài giảng lên bán và 10.000 trong số này có doanh thu, trong đó có hơn 20 người có doanh thu hơn 100.000 đô la/năm.
TPT là sàn tạo ra tác giả triệu đô từ khá sớm, khoảng ba năm sau khi ra mắt. Hai giáo viên nổi bật nhất trên TPT là Deanna Jump và Miss Kindergarten Love (tên thật là Hadar Hartstein) có doanh thu đến hơn 1 triệu đô la/năm trong vài năm gần đây. Cả hai cô giáo này đều đã nghỉ dạy và mở trang web riêng kinh doanh giáo án nhưng họ vẫn duy trì cửa hàng (store) của họ trên TPT vì đây mới là kênh tạo doanh thu chính cho họ.
Mô hình của TPT cho phép người mua tạo tài khoản và tải các tài liệu về sử dụng, có loại miễn phí và có loại phải trả tiền. Các giáo viên chỉ cần tập trung sức tạo ra nội dung tốt để đưa lên sàn giao dịch này, TPT sẽ lo hết mọi việc còn lại như công nghệ, tiếp thị, kinh doanh và thu phí bán tài liệu. Tiền thu về TPT sẽ được hưởng một khoản như hoa hồng phát hành, tác giả sẽ được hưởng 55%, nếu tác giả có đóng phí thành viên hàng năm 60 đô la thì sẽ được hưởng đến 80% doanh thu.
Tất nhiên, bản quyền luôn là vấn đề được đặt ra đầu tiên, TPT có chính sách rất chặt chẽ để chống vi phạm bản quyền, bao gồm cả khóa tài khoản giao dịch nếu người dùng vi phạm.
Với mức giá khá thấp chỉ khoảng 2-3 đô la đến cao nhất khoảng 200 đô la, chi phí cho việc mua tài liệu trên TPT rất dễ chịu. Mức giá thấp này có được nhờ tình trạng vi phạm bản quyền rất thấp từ nhiều yếu tố cộng hưởng từ ý thức của người mua với luật lệ nghiêm minh. Một khi tỷ lệ vi phạm bản quyền thấp thì số lượt bán tài liệu sẽ tăng cao và tác giả lẫn TPT hưởng quả ngọt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét