Friday, 23/11/2018 - 08:42:27
Tiến Sĩ nhạc sĩ piano Đỗ Bằng Lăng (banglangdo.com)
Bài BĂNG HUYỀN
Nhạc sĩ dương cầm Bằng Lăng đã tốt nghiệp cử nhân piano và cao học tại nhạc viện Quebec (Conservatory) Canada và tốt nghiệp bằng tiến sĩ tại đại học Montreal, Canada. Cô đã nhận được giải thưởng từ các cuộc thi quốc gia và quốc tế. Cô nhận được nhiều giải thưởng và tài trợ từ các tổ chức như Hội Đồng Nghệ Thuật Canada, Bộ Văn Hóa của Canada và Pháp, Faculté des étudesSupérieures, Fonds des Amis de l'Art và FCAR, Stepping Stone International, CMC (cuộc thi âm nhạc quốc gia Canada). giải thưởng quốc tế Joanna Hodges, The Missouri Southern International, Baldwin, “Prix d'Europe.”
Tiến Sĩ Bằng Lăng đã thắng trong các cuộc thi trình tấu piano. Cô đã chơi concerto với dàn nhạc Quebec Conservatory, dàn nhạc University of Montreal và dàn nhạc Houston Civic.
Cô còn là thành viên của MTAC và CAPMT / MTNA với tư cách là Giáo Viên Âm nhạc được Chứng Nhận Toàn Quốc (NCTM) tại Hoa Kỳ.
Bài viết kỳ này xin tiếp tục gửi đến quý độc giả nhật báo Viễn Đông những chia sẻ của Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng về thế giới âm nhạc qua nhạc cụ dương cầm, cùng những kinh nghiệm của cô qua việc học piano và các kỳ thi piano, kinh nghiệm giảng dạy và ước mong truyền thụ cho các học trò tình yêu âm nhạc của một nhà giáo giàu tâm huyết.*
- Những nghệ sĩ piano nổi tiếng có một kỹ xảo độc đáo, các ngón tay linh hoạt. Có cần phải có năng khiếu trời sinh hay được học và miệt mài luyện tập?
Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng: Tôi không tin để trở thành nghệ sĩ piano nổi tiếng, có một kỹ xảo độc đáo, các ngón tay linh hoạt là phải cần có khiếu trời sinh. Có nhiều người có tai nghe nhạc, đầu óc thông minh và có hướng dẫn thì học được nhạc rất nhanh.
Kinh nghiệm trong thời gian dạy đàn hơn hai mươi mấy năm qua tôi nhận thấy, người Á Đông thường hay có khả năng linh hoạt khi điều khiển từng ngón tay một, độc lập với những ngón khác, mà vẫn phối hợp với nhau. Điều này các em gốc Á Đông có lợi điểm hơn so với những em thuộc sắc dân khác. Nhưng ngược lại, ngón tay của các em gốc Á Đông yếu hơn các em thuộc sắc dân khác. Và trẻ em Á Đông khi chơi đàn thường chỉ dùng bàn tay, cổ tay, mà ít em biết dùng cả cánh tay, chuyển động từ vai, từ lưng và eo của mình.
Có người cổ tay rất mềm mại, có người thì rất cứng; đi, đứng, ngồi đều cứng.
Mỗi người có một khả năng riêng. Có người óc điều khiển được từng bộ phận trên cơ thể mình. Có người đầu óc thông minh, nhìn bài nhạc hiểu được rất nhanh, nhờ vậy nhớ nhanh hơn, nắm được toàn thể bài nhạc nhanh hơn.
Khi nói đến năng khiếu âm nhạc, có nhiều thứ khác nhau lắm. Người thầy cô nào nhìn thấy được năng khiếu của học viên mạnh chỗ nào, sẽ có thể đào tạo thêm; còn những gì học viên đó yếu thì huấn luyện để nâng lên. Thành ra, có khiếu hay không tôi không nghĩ sẽ quyết định tất cả.
Tôi còn nhớ một lần đi dự lớp master-class, có một ông thầy nói rằng “khi đạt đến trình độ cao, bài nhạc nào cũng có thể chơi được mà không sợ nữa, thì những cái gì mình diễn tả ra chính là con người mình. Có những người chơi nhạc lãng mạn, romantic rất hay, vì tánh tình họ như vậy. Có những người chơi những bản nhạc có cấu trúc chặt chẽ rất hay. Vì người đó nhìn vào chỗ nào cũng thấy cấu trúc. Có những người thì chơi rất hay những bản nhạc cảm xúc biến đổi nhanh, vì họ là những người phản ứng rất nhanh và cảm xúc thay đổi liên tục. Nghĩa là những lúc đó, bản chất của người nghệ sĩ sẽ thể hiện rõ qua cách trình tấu bản nhạc.
Ví dụ như Lang Lang được coi là một trong những nghệ sĩ người Trung Hoa độc tấu dương cầm nổi tiếng nhất đầu thế kỷ 21. Cách chơi đàn của ông đầy tính trình diễn khiến người ta thích thú.
Hoặc có những nghệ sĩ dương cầm chơi đàn với phong thái đơn điệu, chỉ có đôi tay di chuyển trên phím đàn, chứ gương mặt không thấy lộ ra cảm xúc. Thật ra đây chỉ là thói quen thôi.
Những người nghệ sĩ nổi tiếng, có cái riêng của họ. Cá nhân tôi thì chỉ thích những nghệ sĩ trình tấu đã già hoặc qua đời rồi. Vì tôi có dịp nghe chính các vị ấy chơi đàn. Ví dụ như nhạc sĩ piano Claudio Arrau chơi nhạc Beethoven, tôi rất thích.
Mỗi người có khả năng nhận diện và kinh nghiệm sống khác nhau, thành ra khi chơi nhạc, cũng sẽ có cách chơi khác nhau.Dương cầm thủ Alicia de la Rocha chơi nhạc De Falla, hay nhạc của Albeniz rất hay. Nhạc sĩ piano Tatiana Nikolayeva chơi nhạc của Frédéric Chopin tuyệt vời.
Nhạc sĩ Martha Argerich chơi những tác phẩm nào mà có passion nhiều, cảm xúc mạnh mẽ, tình cảm nồng nàn, thì bà chơi rất hay.
Khi nghe đĩa Vladimir Horowitz chơi Sergei Rachmaninoff, hoặc Dominico Scarlatti tôi thấy rất thích thú. Mỗi nhạc sĩ nổi tiếng có cái hay riêng của họ. Đó là những nghệ sĩ mà tôi yêu thích. Nhưng nếu hỏi ý kiến một người khác, ví dụ như anh Đặng Thái Sơn chẳng hạn, anh sẽ thích những nhạc sĩ piano khác tôi.
- Khoảnh khắc âm nhạc tuyệt diệu nhất mà chị từng trải nghiệm là khi nào?
Bằng Lăng: Tôi có dự thi một cuộc thi piano quốc tế Joanna Hodges International Piano Competition, tôi vào được vòng hai bán kết, thì có một bài của soạn nhạc gia Gyorgy Ligeti. Mà những bản nhạc của Gyorgy Ligeti thuộc thể loại nhạc cổ điển dương đại (contemporary classical music), người nghệ sĩ piano không chơi thuộc lòng, phải nhìn bản nhạc để chơi, vì những bản nhạc của những soạn nhạc gia hiện đại như Ligeti viết rất phức tạp. Khi tôi đến dự thi, lúc tôi sắp sửa đi ra thi, thì có một cô xin bản nhạc của Ligeti mà tôi đang cầm, cô ấy nói vì giám khảo không có bản nhạc nên không xem được. Tôi ngạc nhiên hỏi bài này là thuộc thể loại nhạc cổ điển đương đại (contemporary classical music) thì làm sao tôi chơi thuộc lòng được. Cô ấy nói tôi phải chơi thuộc lòng. Vì vậy tôi phải đưa bản nhạc cho cô ấy.
Khi thi, tôi đành phải thử chơi bài này thuộc lòng hết. Hồi đó người ta in ra bản nhạc bài này không dễ nhìn, vì ông Ligeti viết bằng tay, cách ông viết cũng rất phức tạp. Bài nhạc đó rất ít người chơi, vì quá phức tạp. Sau khi tôi chơi xong bản nhạc của Beethoven rồi chuyển qua chơi bản nhạc của Ligeti, trong lúc tôi chơi trang đầu, qua trang thứ hai thì tôi nghe những vị giám khảo lật qua lật lại trang nhạc để xem, tựa như họ không biết tôi đang chơi đoạn nào, họ đã không theo dõi được. Lúc đó tôi nghĩ trong đầu, thôi rồi, họ lạc mất rồi.
Vì tôi nghĩ vậy, nên tôi bắt đầu lạc luôn. Thế là tôi bắt đầu “phăng”. Tôi “phăng” một lúc thì nghe thấy họ tiếp tục lật qua lật lại trang nhạc để tìm. Lúc đó tôi vẫn tiếp tục “phăng” và tôi quyết định nhanh trong đầu, mình nên tiếp tục “phăng” hay chơi bài này đàng hoàng, nếu chơi bài này đàng hoàng thì phải ngưng và xin họ lại bài nhạc để chơi.
Cuối cùng tôi quyết định bài này đáng để mình chơi đàng hoàng, thành ra tôi ngừng lại và nói với giám khảo là tôi chưa bao giờ chơi bài này mà phải học thuộc lòng. Tôi không nghĩ là chơi bài này thuộc lòng vì là nhạc cổ điển đương đại, cho tôi xin lại bản nhạc được không.
Thế là họ đưa lại bài nhạc cho tôi chơi. Sau khi trình tấu xong bài nhạc đó, tôi ra khỏi phòng thi và nghĩ thôi rồi, không thể nào giám khảo cho mình qua vòng tới đâu. Vì mình không theo luật lệ. Nhưng cuối cùng họ lại cho tôi qua và tiếp tục đi vào vòng tiếp theo.
Trong giải thi đó, tôi học được nhiều điều khi tôi được trò chuyện với các thí sinh khác. Có người thắng giải kỳ trước, nhưng kỳ thi này lại không lọt được vào vòng thứ ba. Người lần trước không vào được chung kết, lần này lại lọt vào vòng chung kết. Nghĩa là người chơi piano đã đến một trình độ nào đó rồi, đi thi cũng tùy vào nhận diện của ban giám khảo đối với thí sinh, giám khảo đó thích mình hay không thích mình.
Thành ra không phải cuộc thi nào cũng đều hoàn toàn công bằng. Dù cuộc thi đó công bằng đi nữa, thì có thể ngày thi đó thí sinh dự thi không hoàn toàn 100 phần trăm tài năng người đó, họ chỉ chơi được 70 phần trăm thôi, vì lý do này lý do kia.
Qua kỳ thi đó, giúp tôi thấy được rằng mình học đàn, mình nghĩ mình cần đi thi, thì mình mới đạt được thành tựu này, thành tựu kia. Thật ra, mình đạt được hay không là trong lòng mình hết. Mình biết rằng mình cho hết tất cả những gì mình có thể cho vào lúc đó khi chơi bài nhạc đó là đủ rồi.
Trong thế giới nhạc, chỉ có cách đi thi, người ngoài thấy người này có giải này, có giải kia thì mới có vị trí nào đó. Nhưng tôi đi thi rồi, mới thấy rằng, khi đi thi, ngoài tài năng cũng cần có may mắn nữa.
Thi và thắng các giải thưởng cũng tùy thuộc một chút vào may mắn nữa. Trong đời tôi, có những lúc đi thi tôi gặp may mắn, là người thắng giải nhất.
Năm tôi thắng giải nhất và được đi Paris học là năm 1992. Năm đó tôi thi giải nào cũng thắng hết, nên nghĩ chắc tử vi năm đó mình được thắng giải.
Qua chia sẻ này, tôi muốn nói, có những nghệ sĩ piano đi thi những giải thưởng, nếu lỡ không thắng giải, họ sẽ bị sụp đổ tinh thần. Vì họ nghĩ rằng họ bị giám khảo chấm rớt là vì họ chơi dở. Vì những người chọn chơi nhạc chuyên nghiệp, họ quyết định chơi nhạc là cả cuộc đời của họ.
Thành ra khi bị chê chơi dở, họ suy sụp, dễ bị trầm cảm. Tôi gặp nhiều người giỏi kinh khủng, thắng nhiều giải thưởng giá trị từ khi tuổi còn nhỏ 15- 16 tuổi, nhưng sau đó lại suy sụp cũng nhanh khi bị một thất bại nào đó.
Tôi nghĩ với người nghệ sĩ piano, đời sống tâm linh và đời sống thường ngày cần phải cân bằng với nhau.
Một em trẻ muốn theo ngành trình diễn piano chuyên nghiệp phải có tinh thần thật vững. Hoặc học những cách để giữ tinh thần vững. Ví dụ như tập thiền chẳng hạn.
Vì có nhiều người khi vào ngành trình diễn độc tấu piano, nhiều khi họ nghĩ là mình đã bỏ hết bản thân vào bài nhạc, nếu người khác chê mình chơi dở, có nghĩa là nói mình dở. Vì vậy khi vào ngành này, mình phải biết còn có điều gì quý báu hơn những lời khen đó.
Những người nào muốn con em mình theo ngành này, thì nên cho. Vì không có ngành nào như ngành trình tấu piano (và những nhạc cụ khác cũng tương tự), người nghệ sĩ dùng hết khả năng từ đầu óc, tâm linh, sự linh hoạt của cơ thể khi chơi đàn. Là nơi để mình diễn tả cảm xúc, những lời mình muốn nói thông qua cách chơi nhạc của mình. Mình phải biết rõ cơ thể của mình, thì khi chơi nhạc mới được lâu dài, sẽ không bị đau tay.
Tập đàn không đúng cách lâu ngày sẽ làm hư tay, không thể đàn được nữa. Vì nếu cử động sai khi chơi nhạc, lặp đi lặp lại nhiều lần, bị đau cũng không để ý, thì đến lúc nặng sẽ không thể tiếp tục đàn được nữa.
Hồi tôi đi học, có nhiều bạn của tôi phải nghỉ học luôn vì không thể chơi nhạc được nữa, họ phải đi điều trị. Có người kiên trì chữa trị, tập luyện thì có thể trở lại sau vài năm, nhưng có người thì bỏ luôn.
Riêng tôi, cũng nhờ tôi đã làm quen với thiền, cách thở, tập khí công, tập taichi với mẹ từ năm 18 tuổi, nên tôi luôn lắng nghe cơ thể của mình. Mỗi khi có vấn đề sức khỏe trong cơ thể là cảm nhận được nhanh hơn.
- Có sự khác biệt nào trong hoạt động biểu diễn piano, trong kỹ thuật đàn piano giữa các sinh viên phương Đông và phương Tây? Đặc biệt là với các sinh viên gốc Việt thì sao? Theo sự quan sát của chị, có nhiều sinh viên gốc Việt ghi danh học ngành âm nhạc không? Hay vẫn nhiều nhất là bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ?
Bằng Lăng: Những buổi hội thảo về ngành nhạc của Hội giáo viên tại quận Cam như Music Teachers' Association of California (MTAC) và California Association of Professional Music Teachers (CAPMT). Cả hai Hội này thường tổ chức những buổi hội thảo, tôi đi dự rất nhiều lần. Đa số những em thắng giải đều là người Á Đông như gốc Đại Hàn, Nhật, Việt Nam. Khi mình nghe các em chơi nhạc, đa số kỹ thuật các em rất tốt, chơi nhanh, chơi mạnh, những bài khó chơi rất tốt. Nhưng với phần diễn tả những gì mình có để nói lên khi chơi nhạc thì các em gốc Á Đông rất yếu. Cũng giống như chia sẻ ban đầu của tôi, chính tôi khi học lúc mới qua Canada, tôi chẳng muốn diễn tả gì hết, cái gì cũng giữ bên trong. Vì giáo dục của tôi lớn lên tại Việt Nam là vậy.
Dĩ nhiên trong số sinh viên gốc Á Đông vẫn có những người sinh ra có tính hướng ngoại nhiều hơn hướng nội, nhưng nói chung người gốc Á Đông vẫn hướng nội nhiều hơn. Vì văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức rồi. Thành ra trong ngành trình tấu piano, nếu muốn diễn tả, thì cũng như mình đi xem phim, mình phải cảm thấy khóc được, cười được, phải cho ra bên ngoài những cảm xúc bên trong của mình. Chứ không nên dồn nén và giấu kín bên trong.
Tôi có về Việt Nam dạy ngắn hạn tại Nhạc Viện ở Sài Gòn, nhận thấy hầu hết các em bên đó đều như vậy.
Thời tôi học nhạc tại Canada, trong trường sinh viên gốc Việt rất ít, chỉ có hai ba người thôi. Còn những bạn tôi chơi chung bên hướng đạo Việt Nam, đa số chọn ngành học kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ chứ không ai theo ngành nhạc hết.
- Độ tuổi nào là thích hợp nhất để bắt đầu tiếp xúc và học chơi các nhạc cụ?
Bằng Lăng: Tôi đang bắt đầu dạy đàn piano tại trường nhạc Mindful Music Academy (Costa Mesa) của mình cho những em mới 3 tuổi. Trước đó tôi dạy tại Canada thì các em bắt đầu học nhạc lúc 5 tuổi. Về những nhạc cụ thổi như các loại kèn, thì cần phổi lớn đủ thì có thể bắt đầu học khoảng 8, 9 tuổi. Các nhạc cụ như violin, piano, thì trên thế giới có nhiều người cho học từ lúc 3, 4 tuổi. Tùy vào trình độ, khả năng tập trung của em đó. Và tùy vào cách mình dạy cho các em.
Dĩ nhiên mỗi 5 phút, mình phải đổi một hoạt động khác, để thu hút các em. Tôi biết được những hoạt động nào để dụ các em tập trung. Ví dụ như tôi có những cục tẩy nhỏ nhiều hình dáng khác nhau hay mấy finger-puppet, tôi đặt trên đàn, em đó lập đi lập lại 10 lần thì em có 10 cái để em nhìn.
Con nít thường không cần phải có quà các em mới làm, chỉ cần cho bé lựa một cục tẩy hình này hình kia, hay finger-puppet này, thì bé sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần phần mình muốn các em đàn. Vì khi học đàn, phải lặp đi lặp lại nhiều lần thì mới thuần thục, chứ không phải làm một lần tốt là xong, hôm sau sẽ quên liền.
Tôi cũng từng dạy những người cao niên chưa bao giờ học nhạc, tôi từng dạy một cụ bà người Mỹ ngoài 70 tuổi. Dù họ tuổi đã cao mới bắt đầu học, miễn sao họ thích học là được. Nhưng người học đàn cần nhất là phải kiên trì, phải tập luyện đều đặn. Vì đầu óc mình có thể nhớ, nhưng không tập luyện thì không chuyển được xuống tay. Mình cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần tới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét