SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

1 Phương Pháp Mới Dạy Piano Do Người Việt Nam Biên Soạn Đang Được Sử Dụng Rộng Rãi Ơû Miền Đông-bắc Hoa Kỳ

19/07/2002


PHOTO: Bà Giáo Sư Thuyen Phiet nhận hoa tặng.

WESTMICTER (Lê Văn Khoa) - "Bà Thuyen Phiet, người tốt nghiệp Ecole Normale de Musique, xuất bản một phương pháp dạy piano rất mới và giá trị để giúp hướng dẫn, nuôi dưỡng và khai triển các thế hệ cầm thủ tương lai. Phương pháp "thấy, nghe và đàn" của bà vừa đơn giản vừa dẫn dụ trực tiếp nhạc sinh trẻ mới bắt đầu học đàn, để phát triển một cảm nhận vững mạnh về tiết nhịp, tự tin và độc lập." - José Cáceres, Concert Pianist, Adjudicator and Teacher, Washington, DC

Là người dạy piano, tôi có nghiên cứu một số phương pháp dạy piano đang thịnh hành. Khi được biết giáo sư Đỗ Thế Phiệt phu nhân có ấn hành một phương pháp mới, tôi chú ý ngay, nhưng đồng thời tôi tự hỏi: "Đã có quá nhiều phương pháp dạy piano rồi, tại sao cần có một phương pháp nữa"" Dĩ nhiên khi có phương pháp mới, nó phải có những ưu điểm so với các phương pháp trước.

Thật ra bộ sách này đã được giới thiệu từ mấy năm trước, ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Có nghĩa là phương pháp này đã đi vào giới giáo dục âm nhạc Hoa Kỳ trước khi đến cộng đồng Việt Nam ở tận miền Tây Nam Hoa Kỳ.

Vài nét về tác giả
Tác giả phương pháp dạy piano "THUYEN PHIET" là Đỗ Thế Phiệt phu nhân, người em út của nữ danh ca Minh Trang. Sau khi tốt nghiệp Ecole Normale de Musique ở Pháp năm 1957, bà về Saigon và dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon, bộ môn piano, từ 1957 đến 1975. Biến cố 75 đã đẩy đưa bà qua Mỹ và tiếp tục dạy piano tại Bridgewater College, Virginia, từ 1975 đến 1981. Từ 1981 đến năm 2000 bà dạy piano tại Northern Virginia Community College, campus Annandale, Virginia. Bà đã sinh hoạt rất nhiều nhất là trong lãnh vực nhạc thính phòng của loại cổ điển Tây phương. Nhưng chính việc dạy nhạc, va chạm hằng ngày với nhạc sinh, chia sẻ những bối rối, khổ nhọc đến chán nản với tiết nhịp, đã làm cho bà nghĩ đến một phương pháp mới để nhạc sinh thu nhận tiết nhịp dễ dàng hơn và học nhạc mau chóng hơn.

Tôi nói đùa với bà là phương pháp dạy piano của bà hoàn toàn đi ngược lại tượng ba con khỉ ở chùa cầu Hội-An. Chúng bịt mắt để không thấy, bịt tai để không nghe, bịt mồm để không nói (điều ác). Ở đây bà mở hết. Mở mắt để thấy, mở tai để nghe, mở mồm để hát (trường độ của nốt nhạc) rồi mới tới đàn bằng tay. Tuy nhiên bà rút gọn lại để gọi phương pháp "Thuyen Phiet" là phương pháp "Thấy, Nghe và Đàn" (See, Hear & Play). 

Về phương pháp "Thuyen Phiet"
Tại sao gọi là "method Thuyen Phiet"" Thuyền là tên của bà. Phiệt là tên của phu quân, một nhạc sĩ vĩ cầm và là nhạc trưởng Việt Nam. Ông không còn, bà dùng tên chồng làm họ của mình, do đó có tên Thuyen Phiet, theo lối Mỹ.

Bà cho biết từ trước người ta đã làm khác hơn, có nghĩa là thấy, đàn rồi mới nghe. Do đó có thể phải đàn cả trăm lần mới đúng được một lần theo ý thầy muốn. Ai làm được dễ hơn thì người ta cho người đó là thiên tài về nhịp nhàng. Thật ra phải tập mới được. Đây là một sự khổ tâm cho cả trò lẫn thầy. 

Một giáo sư chia sẻ với bà trong lời phê bình bộ sách của bà như sau: "Sau 25 năm dạy piano tôi vẫn gặp mãi vấn đề rắc rối lớn là giữ nhịp, tôi tin chắc (phương pháp Thuyen Phiet) sẽ đưa nhạc sinh đến chỗ hiểu biết tường tận về tiết nhịp ngay từ đầu." - Sandra L. Isaacs, MTNA Certified Piano Teacher, Virginia.

Lời trên đây cũng là lời than thở thầm của tất cả giáo sư dạy nhạc thuộc bất cứ phân bộ nào. Đã bao nhiêu lần thầy bức đầu bức tóc mình (vì không dám đánh học trò), và trò dù không bị đòn cũng nước mắt đầm đìa hoặc âm thầm rơi. Với phương pháp này từ nay giờ học sẽ sáng sủa hơn và nhịp học sẽ bước mau hơn. Dĩ nhiên phụ huynh sẽ chi tiền ít hơn.

Chính vấn đề tiết nhịp trong âm nhạc đã làm cho nhiều nhạc sinh gãy cánh nữa đường. Phương pháp của Giáo sư Thuyền Phiệt giúp nhạc sinh nhận ra và tự mình tập lấy bài nhạc khó chơi. Sách của phương pháp này chỉ có tới cấp bốn, nhưng nguyên tắc áp dụng được cho mọi cấp mà không bị gián đoạn.

Nhận thấy các bài chọn lọc in trong sách toàn nhạc cổ điển Tây Phương, tôi hỏi giáo sư Thuyền Phiệt có định in một vài quyển sách với bài nhạc của nhạc sĩ Việt Nam viết hay không, bà cho biết bà đang tuyển chọn. Như thế trong tương lai gần các nhạc sinh Việt Nam sẽ có bài nhạc Việt để chơi bên cạnh nhạc Tây Phương.

Trả lời cho câu hỏi: "Phương pháp của bà dựa trên căn bản nhạc cổ điển Tây Phương để soạn ra, có áp dụng được cho nhạc Việt hay không"" 

Bà đáp: "Nếu nhạc được viết ra cẩn thận thì cách ứng dụng cũng như nhau. Nếu không đàn phịa thì không có vấn đề chơi nhạc Việt làm hư tay người học nhạc cổ điển Tây Phương."

Thông thường khi một người làm được điều gì trội hơn người khác, thế nào cũng bị gièm pha, dè bỉu. Giáo sư Thuyền Phiệt không ra khỏi thông lệ này. Những nơi bà dạy không có giáo sư Việt Nam. Tuy nhiên bà đón nhận rất nhiều lời khen tặng từ nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, trong đó có những nhân vật lẫy lừng trong giới giáo dục âm nhạc Hoa Kỳ mà cá nhân tôi đã có viết bài nhận định về họ.

Vài lời phê bình
Những lời nhận xét về bộ phương pháp Piano Thuyền Phiệt, rất nhiều, chúng tôi chỉ trích đăng ra đây một vài câu tiêu biểu:

"Sau quyển bài tập chắc chắn đem nhiều lợi ích cho sự nhuần nhuyễn của các ngón tay nhạc sinh. Các giáo sư của hội âm nhạc chú ý đến việc chuẩn bị, luyện cho nhạc sinh trong các cấp dự trắc nghiệm sẽ thấy bộ sách này rất hữu ích cho các mục tiêu khác nhau. . . Chúng có ích lợi cho việc giới thiệu, tăng cường hay ôn lại ngón đàn . . . phương pháp này có thể dùng được trong mọi trường hợp với kết quả tốt đẹp." - Dr. Christine Armstrong, Reviewer, The Guild Notes, November-December 1999.

"Sách gọn, không đầy kín trang giấy, được suy nghĩ cặn kẽ để nhấn mạnh vào việc đọc nốt nhạc và nhịp nhàng thay vào chỗ những hình ảnh thú vật ngộ nghĩnh được minh họa trong sách nhạc. Điều này làm bộ sách này khác hẳn các bộ sách nhạc khác." - D.P. Báo Clavier, January 2000.

"Những hình ảnh trợ huấn của phương pháp dạy piano của bà Phiệt giúp cả thầy lẫn trò thấy rõ nhịp chính phải rơi vào chỗ nào trong chuỗi dài của nhịp điệu, đồng thời aphát triển thính giác, cơ động và thị giác để phối hợp các giác quan này trong việc trình tấu piano." - Dr. Gladys Watkins, Professor of Music, Chair Music Department, Northern Virginia Community College.

"Tôi rất thích sự nhấn mạnh của bà về "mắt thấy, tai nghe và đàn tiết nhịp."Đó là nền tảng để học đàn cách nghiêm chỉnh. Bộ sách (Thuyen Phiet Piano Method) giúp cho nhạc sinh một căn bản tuyệt diệu, bài bản được tuyển chọn kỹ lưỡng mà không thúc nhạc sinh đi quá nhanh. Đó là dấu chứng của phương pháp dạy học lý tưởng." - Fernando Laires, University of Rochester, Eastman School of Music.

Xem tận mắt
Trưa Thứ Bảy từ 3 đến 5 giờ, giáo sư Thuyền Phiệt sẽ diễn giảng và đích thân hướng dẫn một số nhạc sinh từ các trường nhạc tại Orange trong một chương trình lớp học làm mẫu sau khi nghe các em trình tấu dương cầm. Bộ sách nhạc của bà sẽ có bán tại chỗ. Quan trọng hơn bà sẽ có những lớp hướng dẫn miễn phí từ 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa từ Thứ Hai đến Thứ Sáu tại trụ sở Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, số 9445 Edinger Ave. Westminster. Phụ huynh và giáo sư có thể ghi tên tại buổi thuyết giảng nói trên và chọn giờ cho con em tham dự các buổi học hội này.

- Chương trình sẽ bắt đầu đúng 3 giờ chiều thứ Bảy ngày 20 tháng 7 năm 2002 tại Hội Quán Little Saigon Radio, số 15781 đường Brookhurst, thành phố Westminster(gần Mile Square Park). Điện thoại (714) 918-4444

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates