Nhạc sĩ Hoàng Long
Trong hội thảo của chúng ta hôm nay, các vấn đề được đưa ra trao đổi khá rộng. Đó là vấn đề đổi mới phương pháp và kĩ năng dạy học nghệ thuật ở trường THCS, vấn đề tăng cường năng lực cho giáo viên chủ động tham gia “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vấn đề xây dựng các Câu lạc bộ Âm nhạc học sinh tại các trường THCS, vấn đề góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong phạm vi một bài viết nhỏ, tôi xin được phát biểu một vài ý kiến chỉ về một vấn đề, đó là góp phần tư vấn xây dựng CLB Âm nhạc học sinh tại các trường THCS. Ở đây, xin được bàn về cả hai mặt lí thuyết và thực tiễn.
Môn Âm nhạc đã được chính thức đưa vào giảng dạy ở các trường Trung học cơ sở từ năm 2002. Việc khẳng định vị trí của môn Âm nhạc trong ngành giáo dục là một bước tiến lớn của sự nghiệp giáo dục nghệ thuật dành cho thế hệ trẻ. Tuy môn Âm nhạc chỉ được dạy 1 tiết/ tuần nhưng qua môn học cũng đã góp phần tích cực vào việc hình thành thị hiếu âm nhạc lành mạnh cho các đối tượng học sinh nhỏ tuổi đang trong thời kì đầu tiên tiếp cận với nghệ thuật. Việc dạy môn Âm nhạc nội khóa mang tính phổ cập văn hóa âm nhạc đại trà, nhưng ở trường THCS nếu chỉ dạy Âm nhạc nội khóa, chắc chắn việc giáo dục âm nhạc sẽ bị hạn chế nhất định.
Từ lâu, người ta cũng đã nghĩ đến việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa âm nhạc ở các trường phổ thông để hỗ trợ, bổ sung cho việc giáo dục âm nhạc nói chung, tạo thêm môi trường cho các em hoạt động với một sân chơi âm nhạc đa dạng. Thực tế, nhiều trường THCS dã tổ chức được những hoạt động văn nghệ để các em tham gia vào việc biểu diễn ở trong và ngoài nhà trường, làm phong phú thêm các sinh hoạt của học sinh có năng khiếu và ham thích nghệ thuật, là cơ hội cho học sinh toàn trường tiếp cận với văn nghệ quần chúng do chính bạn bè của các em cùng tham gia thể hiện. Các hội thi, hội diễn văn nghệ chính là một dịp để đông đảo học sinh đến với sân chơi nghệ thuật, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của các em.
Như vậy, không phải chúng ta không có hoạt động ngoại khóa âm nhạc, vì dù nhiều dù ít, những hoạt động đó đã tồn tại trong các trường THCS nhiều năm nay. Còn tổ chức Câu lạc bộ âm nhạc, mô hình này đã từng có hay chưa có trong các trường THCS?
Trước hết cần nói, Câu lạc bộ là một mô hình hoạt động rất phổ biến trên mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Lĩnh vực nào cũng có thể tổ chức câu lạc bộ để hoạt động… Đến với CLB, người ta có thể tìm thấy ở đây nhiều điều bổ ích, đáp ứng các nhu cầu học tập, giao lưu, giải trí tìm hiểu văn hóa nghệ thuật, khoa học kĩ thuật, bảo vệ sức khỏe, … Trong trường học, từ cấp trung học đến đại học chuyên nghiệp đều có thể tổ chức các loại hình Câu lạc bộ, từ văn học nghệ thuật đến khoa học kĩ thuật, thể dục thể thao, … Chúng tôi được biết, có địa phương như ở tỉnh Ninh Bình, một thời gian Sở Giáo dục đã từng chỉ đạo mỗi đơn vị trường THPT và mỗi Phòng giáo dục huyện - thị xã phải tổ chức được một Câu lạc bộ văn nghệ, trong đó việc tâp luyện ca nhạc có vị trí chủ đạo, để hàng năm hoặc 2 năm tham gia Hội thi văn nghệ toàn ngành giáo dục trong tỉnh. Ở nhiều địa phương, có trường, có nơi tổ chức Câu lạc bộ hát dân ca, Câu lạc bộ thể dục nghệ thuật, Câu lạc bộ cầu lông, Câu lạc bộ bóng bàn, … Tuy vậy, CLB âm nhạc cho học sinh THCS vẫn còn là một dạng hoạt động chưa được nhiều trường đặt vấn đề chính thức tổ chức cho các em tham gia.
Mô hình tổ chức Câu lạc bộ âm nhạc trong các trường THCS là hình thức hoạt động dễ thực hiện và có khả năng thu hút HS đông đảo. Để duy trì Câu lạc bộ này, quan trọng nhất là chúng ta phải tìm được một phương thức sinh hoạt và hoạt động sao cho thật bổ ích và có sức thu hút các em.
Câu lạc bộ âm nhạc trường Wellspring, Long Biên, Hà Nội
Câu lạc bộ âm nhạc trường Nguyễn Trường Tộ, Đống Đa, Hà Nội
Nếu như nhiều năm nay chúng ta đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa âm nhạc dưới các hình thức như đội hát, đội múa, tốp ca khúc măng non, hội thi hát, hội diễn văn nghệ… thì bằng mô hình Câu lạc bộ âm nhạc, ta có thể mềm hóa và đa dạng các hoạt động âm nhạc hơn. Ở Câu lạc bộ âm nhạc, người tham gia hoàn toàn tự nguyện, không cần thiết phải là diễn viên, phải là người có ít nhiều năng lực biểu diễn mà chủ yếu có nhiệt tình và ham thích ca hát, ham thích âm nhạc. Hoạt động của Câu lạc bộ phải linh hoạt, không gượng ép và quan trọng nhất là Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ phải luôn tìm tòi, có sáng kiến để thường xuyên thay đổi các hình thức hoạt động nhằm thu hút học sinh.
Xin thử nêu một số hoạt động của Câu lạc bộ âm nhạc học sinh THCS để các bạn cùng tham khảo và góp ý thêm. Tùy theo định kì sinh hoạt, ta có thể tổ chức dạy hát, dạy múa tập thể, nghe nói chuyện giới thiệu âm nhạc, học hát dân ca, xem biểu diễn đơn ca độc tấu, thi hát karaoke, lập nhóm nhạc học sinh, trò chơi âm nhạc… Trong CLB có thể có những nhóm hoạt động theo các lĩnh vực chuyên môn ca nhạc phù hợp với năng lực và sở trường, sở thích của mỗi người.
Các buổi sinh hoạt của CLB thường chỉ nên diễn ra khoảng 1 giờ đến 1giờ 30 phút, trong đó có thể tổ chức một vài hoạt động âm nhạc, hoạt động giao lưu văn hóa, … Thành viên của Câu lạc bộ phải có một lực lượng nòng cốt và việc mở rộng thành viên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng cơ sở. Cộng tác viên của Câu lạc bộ không ai khác là những GV nhiệt tình với âm nhạc, các phụ huynh HS quan tâm đến đời sống tinh thần của con em và mời thêm những cán bộ hoạt đông văn hóa, văn nghệ tại địa phương, …
Để tổ chức được Câu lạc bộ âm nhạc học sinh THCS, trước tiên phải có vai trò chủ đạo của người GV âm nhạc trực tiếp giảng dạy tại trường, phải tranh thủ được sự đồng thuận và ủng hộ của Ban giám hiệu, của Đoàn thanh niên và tổng phụ trách Đội. Việc thành lập được Câu lạc bộ thiết nghĩ không khó nhưng quan trọng và khó khăn hơn là duy trì và phát triển các hoạt động của Câu lạc bộ. Ở những trường chưa có giáo viên âm nhạc vẫn có thể tổ chức mô hình này, nếu có giáo viên với lòng nhiệt tình và một chút năng lực âm nhạc đứng ra đảm nhiệm.
Hẳn có người sẽ hỏi, tổ chức xây dựng CLB âm nhạc thì dựa vào kinh phí ở đâu? Câu hỏi này luôn là tiền đề của bất kì một hoạt động nào và điều đó hoàn toàn đúng. Theo chúng tôi nghĩ, Câu lạc bộ âm nhạc là một hoạt động không cần nhiều kinh phí, tất nhiên vẫn phải có. Có thể tìm các nguồn kinh phí sau đây để hoạt động chăng?
-Xin kinh phí của nhà trường trong mục chi cho hoạt động văn thể.
-Dựa vào đóng góp của phụ huynh HS.
-Tìm nguồn tài trợ từ bên ngoài.
-Vận động góp quĩ xây dựng CLB từ giáo viên, học sinh.
Câu lạc bộ âm nhạc trường Trưng Vương, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Như trên đã nói, mô hình tổ chức, xây dựng Câu lạc bộ âm nhạc học sinh phải khác cách tổ chức đội văn nghệ của trường, do dó mọi phương thức hoạt động, sinh hoạt nên thông thoáng và linh hoạt. Trong các trường THCS của chúng ta hiện nay, mô hình xây dựng CLB âm nhạc học sinh chưa có điển hình, chưa có hình mẫu chuẩn, bắt tay vào làm công việc này chúng ta cần phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hi vọng sau một thời gian sẽ có nhiều bài học quí giá từ mô hình hoạt động âm nhạc này. Khi đã có CLB âm nhạc ở mỗi trường thì việc tổ chức giao lưu giữa các CLB âm nhạc của những trường lân cận hoàn toàn có thể tiến hành để mở rộng mối quan hệ của thầy và trò trong môi trường sư phạm rộng hơn phạm vi một trường. Đây là dịp tốt để các trường có điều kiện học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Trong giai đoạn hiện nay, các trường học toàn ngành giáo dục đang có phong trào xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực thì việc tổ chức Câu lạc bộ âm nhạc chính là một việc làm mang nhiều ý nghĩa, góp phần cụ thể vào cuộc vận động đang diễn ra sôi nổi trong cả nước. Làm gì để đẩy mạnh nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực? Tin rằng, nếu các trường THCS và kể cả THPT nếu tổ chức được CLB âm nhạc, chắc chắn sẽ góp phần hữu hiệu vào việc đẩy mạnh phong trào nói trên, là một việc làm hết sức thiết thực và có nhiều tác dụng tốt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét