Thạc sĩ Hồ Ngọc Khải- Cao đẳng Sư phạm Gia Lai
Thầy - người đã có những đóng góp đáng được ghi nhớ trong việc phát triển giáo dục âm nhạc ở nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long từ sau 1985 cho đến nay. Thầy - người mà tôi kính trọng, đã khai khẩn một mảnh đất màu mỡ để có hàng chục thế hệ, hàng ngàn giáo viên âm nhạc cho nước nhà, mang đến những bài học âm nhạc vui và hay cho mái trường tuổi thơ ở tuổi thơ ở Miền Nam Việt Nam. Thầy Đỗ Tân Việt - nguyên Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc- Mỹ thuật trường Cao đẳng Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh, nay là Đại học Sài Gòn với những chuyển mình vượt bậc trong lĩnh vực đào tạo chuyên nghiệp của đất nước. Nghĩ về thầy là nghĩ về một người trí thức uyên bác, tận tâm; một người cha rộng lượng, bao dung; và một người bạn tri kỷ.
Năm 1985, lần đầu bước chân vào Sài Gòn, đám sinh viên sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật chúng tôi đã thật sự ngỡ ngàng bởi thầy Chủ nhiệm khoa không phải là một nhạc sĩ hay một họa sĩ mà là một giảng viên Lịch sử - Chính trị. Ấn tượng ghi dấu vào tâm khảm chúng tôi là tiếng cười sang sảng, giọng nói ấm áp, và tướng đi mạnh mẽ của thầy trong những giờ Mỹ học. Chúng tôi càng học, càng say mê với sự am tường của thầy về âm nhạc, hội họa, văn hóa thế giới và Việt Nam. Đã gần ba mươi năm rồi, mà tôi vẫn có thể mường tượng được nét chữ phóng khoáng, nhớ như in những bài học đầy giá trị nghệ thuật và nhân văn mà thầy truyền cho chúng tôi. Sự uyên thâm của thầy được đào luyện qua việc đọc hàng trăm tác phẩm nghệ thuật và bộ phim. Tôi nhớ đã từng được thầy đạp xe chở đi xem phim ở số 7 Phan Kế Bính- Viện Lưu Trữ phim Phía Nam. Hồi ấy, chỉ những nhà nghiên cứu xã hội học mới có thẻ xem những bộ phim kinh điển của nhân loại được lưu giữ ở đây sau ngày giải phóng miền Nam. Mỗi lần xem phim thầy đều đưa ra cho tôi những câu hỏi về nhân vật về cốt chuyện phim để khơi gợi cho tôi biết đánh giá, bình luận các góc cạnh xã hội và biết pha trộn nó vào đời sống ứng xử thường ngày. Mỗi tuần thầy dẫn theo một sinh viên đi xem phim ở đó. Tôi là đứa mà được thầy cho đi nhiều nhất, có lẽ vì là sinh viên tỉnh xa, lại nghèo. Tôi cũng theo thầy khi thầy đi giới thiệu sách cho Fahasa (Phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh). Thầy đọc nhiều và rất nhanh. Mỗi lần nghe thầy thuyết trình, cứ như thầy đã sống với từng nhân vật của những câu chuyện sách viết ra. Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, thầy còn dạy thỉnh giảng cả Triết học ở nhiều trường đại học tại Sài Gòn. Những bài triết học tưởng chừng khô cứng đều trở thành những bài học hấp dẫn qua cách lý luận và liên hệ thực tế khéo léo của thầy. Có những đàn anh trong tỉnh tôi đã từng học thầy ở trường sĩ quan công an, giờ nhắc tới thầy ai cũng trầm trồ về những giờ học mà thầy lên lớp.
Thầy Đỗ Tân Việt phát biểu trong Lễ kỉ niệm 5 năm Nhóm từ thiện Lòng nhân ái, thành phố Hồ Chí Minh tháng 12-2013
Yêu thầy nhiều bởi thầy còn là một người cha tuyệt vời với đám sinh viên chúng tôi. Thầy luôn quan tâm đến từng đứa chúng tôi, nhất là những sinh viên xa nhà. Thầy có gì ngon là rỉ tai bảo chúng tôi ghé nhà thầy. Hì hà, hì hục thầy vào cả bếp nấu đãi chúng tôi ăn những món ăn hương vị miền Bắc. Thuở ấy, khi cuộc sống thời bao cấp quá chật vật, những món ăn thầy cho chúng tôi tuy đơn giản nhưng cũng trở thành sơn hào hải vị đối với đám sinh viên lúc nào cũng đói và thiếu. Có những lúc cuối hè hay dịp Tết, thầy gọi chúng tôi: “Thúy Liễu, Ngọc Khải, Ôn Long Hà, ... tí vào thầy cho ít tiền mà về xe. Chúng mày phải về nhà thôi, thấy chúng mày không về là thầy không yên lòng”. Nhiều năm trôi qua, cứ mỗi lần vào Sài Gòn là tôi ghé thăm thầy. Có chai rượu ngon là thầy xách theo đãi chúng tôi khi chúng tôi mời thầy ra nhà hàng ăn cơm. Có một lần như vậy, nhà hàng tính tiền phụ thu vì xách rượu bên ngoài vào nhà hàng. Tiền phụ thu hơn cả chai rượu, thầy nổi giận gọi nhân viên kêu chủ nhà hàng ra và quở trách. Ai ngờ, chủ nhà hàng cũng là học trò thầy. Thế là chúng tôi không phải trả tiền mà có thêm một bữa say bí tỉ.
Mỗi lần vào thăm thầy, thầy đều kể về từng đứa khóa chúng tôi. Thầy hạnh phúc khi thấy mấy đứa thành công, nhưng đầy lo lắng khi nói về những đứa đang gặp khó khăn, trắc trở. Thầy thường tâm sự: "Quốc Bảo, bữa nay nó sáng tác nhạc hay và có uy tín trong giới nhạc sĩ Sài Gòn. Chắc nó bận lắm, không thấy ghé thầy”, "Con bé Đoàn Thị Kim Hồng, giờ nó thành Hoa hậu Quí bà rồi đó, dạo này ăn nên làm ra”, "Thằng Thuận đi làm tiến sĩ ở Mỹ, thằng Cường làm tiến sĩ ở Nhạc viện, thằng Hạp đã là phó phòng đào tạo Đại học Sài Gòn, con Ái Chiêu, Hoàng My bây giờ giỏi lắm, nổi tiếng cả Sài Gòn trong giới giáo viên âm nhạc”, nào là "Phước ở Đồng Nai nó giỏi lắm, viết cả tập sách về ứng dụng công nghệ vào giảng dạy âm nhạc”. Thầy dõi theo từng đứa chúng tôi trong cuộc sống và công việc không mệt mỏi và đầy tự hào. Riêng tôi, thầy luôn động viên tôi vào Sài Gòn để có dịp cống hiến. Thầy bảo, "Mày ăn học ở Mỹ về mà ở trên Tây Nguyên thì sao có đất phát triển, vào đây thì cái mày học được ở trời Tây và năng lực của mày mới được trọng dụng chứ”. Thầy chính là người viết thư giới thiệu (Recommendation Letter) cho tôi khi nhận học bổng Ford cho chương trình thạc sĩ âm nhạc tại Hoa Kỳ. Giờ thầy lại viết thư giới thiệu tôi đến các trường đại học lớn ở Sài Gòn mà tìm việc. Thật khó kể hết những điều mà thầy mang đến cho chúng tôi, như một người cha đau đáu lo cho con mình. Thầy là vậy!
Thầy Đỗ Tân Việt cùng thạc sĩ Hồ Ngọc Khải, tháng 8-2014 tại nhà riêng
Thầy cư xử với chúng tôi như với những người bạn. Thầy luôn cảm thông chia sẻ, yêu thương từng đứa sinh viên của mình, hiểu đến cội nguồn hoàn cảnh của từng đứa. Tôi nhớ mãi thời sinh viên, chiều chiều thầy ra sân đá bóng với chúng tôi. Mỗi lần thầy sút, thì đứa nào giữ gôn cũng ngán vì cú sút như trời giáng. Mỗi lần ghé thăm thầy, thầy cũng phải kiếm cái gì để cho chúng tôi, thường là cuốn sách hay liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp. Mỗi lần tặng sách, thầy kí và viết tặng rất cẩn thận. Nét chữ phóng khoáng của thầy trên những cuốn sách ấy là cả tâm hồn của thầy với chúng tôi.
Điều đáng khẳng định, đó là vai trò của thầy trong sự nghiệp vun trồng ra bao nhiêu thế hệ giáo viên âm nhạc cho những tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Hồi ấy để mở khoa Âm nhạc - Mỹ thuật tại Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, thầy đã tư vấn cho Giáo sư tiến sĩ Cao Minh Thì, nguyên hiệu trưởng nhà trường bằng cả tâm huyết. Khóa chúng tôi là khóa đầu tiên tại miền Nam. Ngoài lớp đào tạo giáo viên âm nhạc, mĩ thuật cho thành phố, thầy tư vấn mở thêm một lớp cho sinh viên các tỉnh. Vì vậy, chúng tôi mới được vào Sài Gòn học. Sau khóa chúng tôi, nhiều khóa học tiếp theo cung cấp một đội ngũ giáo viên nghệ thuật lớn mạnh cho các tỉnh. Chính anh em chúng tôi, đã là hạt nhân cho các khoa đào tạo giáo viên âm nhạc ở nhiều trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Thầy đóng góp rất lớn trong việc mở rộng đào tạo giáo viên âm nhạc, mĩ thuật cho các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long khi các tỉnh này chưa đủ năng lực. Cho đến giờ khi đã nghỉ hưu, ở tuổi thất thập, thầy vẫn tham gia giảng dạy các lớp đại học sư phạm âm nhạc cho Nhạc viện Thành phố. Rong ruổi khắp các tỉnh, thầy truyền dạy cho bao lớp giáo sinh bằng tấm lòng của một người thầy đáng kính. Vì có điều kiện tham gia hội đồng chuyên môn về giáo dục âm nhạc của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm. Mỗi lần nhắc đến thầy, là những cây cổ thụ của giáo dục âm nhạc Việt Nam như những nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Hoành Thông, … đều đánh giá rất cao công lao của thầy Đỗ Tân Việt trong việc mở đường đào tạo giáo viên âm nhạc về phía nam đất nước.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm 2014 sắp đến, tác giả bài viết muốn bày tỏ lòng biết ơn đến thầy Đỗ Tân Việt, người đã dạy dỗ và đồng hành cùng tác giả trong những chặng đường dài phát triển nghề nghiệp của bản thân. Chắc chắn, nhiều anh chị em đồng nghiệp trong cả nước, những đứa con tinh thần của thầy cũng sẽ nghĩ về thầy với sự trân trọng và yêu mến như chính tác giả. Lịch sử phát triển giáo dục âm nhạc Việt Nam sau năm 1985 cũng cần ghi nhận công trạng lớn lao của thầy trong việc hình thành và phát triển các nhà sư phạm âm nhạc, mỹ thuật trong cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Đạo lí "Uống nước nhớ nguồn" của người Việt chúng ta cần tôn vinh những nhà giáo nhiệt thành như thầy bởi sự cống hiến không mệt mỏi của thầy. Thầy là người mà chúng ta không thể Google để được biết đến, bởi sự hi sinh bền bỉ và thầm lặng, nhưng thầy chắc chắn được biết đến trong tâm tưởng của bao nhiêu thầy cô giáo âm nhạc, mĩ thuật, trong đó có tác giả bài viết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét