Tiếp xúc với BBC News Tiếng Việt, TS Phương Nguyễn chia sẻ cảm nghĩ về những người Việt nói tiếng mẹ đẻ như ngôn ngữ thứ hai:
''Người Việt thuộc thế hệ mới phải đối diện với những thử thách, và lựa chọn rất khác với thế hệ trước.
'Rời Việt Nam khi còn tấm bé, hoặc sinh ra ở Mỹ, những người trẻ này có quyền lựa chọn bỏ lại văn hóa Việt Nam, và hoàn toàn biến thành người bản xứ. Điều đó có lợi hơn cho họ về mặt xã hội, chính trị, vì sẽ giúp họ hòa nhập dễ hơn vào dòng chính, thay vì ôm lấy và nhấn mạnh văn hóa Việt Nam. Nhấn mạnh sự khác biệt của mình chắc chắn là điều bất lợi ở những xã hội sẵn sàng và có lẽ sẽ luôn luôn xem mình là 'người ngoài.'
Thế nhưng, cố gắng vượt qua rào cản ngôn ngữ, việc họ chọn đón nhận và nhấn mạnh di sản Việt Nam, và tìm ra những phương cách mới để xác định di sản đó, tôi nghĩ thực sự đã cho chúng ta thấy năng lượng và sự tự hào của thế hệ trẻ trong cách họ suy nghĩ và định nghĩa thế nào là người Việt.''
Về rào cản ngôn ngữ, ông nói:
''Ngôn ngữ quan trọng, nhưng không phải là rào cản không thể vượt qua được trong việc tìm hiểu về văn hóa và cội nguồn. Những người trẻ này có điểm chung là họ cảm thấy gắn bó đủ với cộng đồng để bỏ thì giờ ra tìm hiểu di sản của mình và tổ chức những sinh hoạt để duy trì duy sản đó, dù họ chỉ có thể nói được tiếng Việt ở mức trung bình.
Mãi khi lớn lên tôi mới có dịp và cố gắng học tiếng Việt. Khi phỏng vấn những người ở Mỹ, những người cùng là người Việt Nam, tôi hay nói tiếng Anh vì tiếng Việt không trôi chảy lắm, và những người này cho rằng chắc tôi lạc lõng với văn hóa của mình, chắc tôi không ăn thức ăn Việt Nam, không có bạn người Việt.''
0 nhận xét:
Đăng nhận xét