SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

Sư phạm tương tác trong dạy học.



 1. Một số khái niệm cơ bản về sư phạm tương tác

1.1. Tương tác


Theo Từ điển Anh-Việt, “Tương tác” trong Anh ngữ là “Interaction”. Đây là từ ghép, được tạo nên bởi hai từ đơn: Inter và Action. Trong đó “Inter” mang nghĩa “Sự nối kết cùng nhau”, còn “Action” là “Sự tiến hành làm điều gì, hoạt động, hành động”. Như vậy, Interaction – Tương tác là sự liên kết các hoạt động giữa người này và người khác hay chính là những tác động hai chiều lẫn nhau.


Theo cách định nghĩa của Đại từ điển Tiếng Việt (tác giả Nguyễn Như Ý chủ biên), thì: “Tương tác là tác động qua lại lẫn nhau”. Để có tác động qua lại lẫn nhau thì phải có ít nhất hai đối tượng, chúng đóng vai trò kép, vừa là chủ thể của tác động, vừa là đối tượng chịu sự tác động. Chủ thể và đối tượng ở đây có thể là sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội mà không nhất thiết phải là con người.


Như vậy, Tương tác trong dạy học là những mối tác động qua lại chủ yếu giữa người dạy, người học và môi trường (hay nói một cách khái quát hơn, đó là sự giao tiếp tích cực giữa các chủ thể của hoạt động dạy học) nhằm thực hiện chức năng dạy học; được hoạch định, tổ chức và điều khiển theo hướng sư phạm bởi nhà giáo dục, hướng vào việc phát triển nhận thức và năng lực cho người học.


1.2. Quan điểm sư phạm tương tác


Hoạt động dạy học bao gồm nhiều thành tố cấu trúc, mối quan hệ tác động qua đó chúng tạo nên sự vận động của cả quá trình dạy học theo mục tiêu đã định. Nghiên cứu chỉ ra các yếu tố, vai trò và mối quan hệ tương tác giữa các thành tố của hoạt động dạy học đã được đề cập đến từ rất sớm trong lịch sử giáo dục của nhân loại.


Sư phạm tương tác (SPTT) là quá trình dạy học tập trung trước hết vào người học, xem người học là người “thợ chính” của quá trình dạy học. Mọi can thiệp sư phạm đều xuất phát từ nhu cầu, tiềm năng và trách nhiệm của người học đối với quá trình học tập của bản thân. Người dạy sử dụng SPTT là người hướng dẫn người học cách học, tạo ra những điều kiện thuận lợi để người học thực hiện các phương pháp học của mình. Môi trường là yếu tố ảnh hưởng đến cả người dạy và người học, tuy nhiên ở một mức độ nào đó thì người dạy và người học cũng có tác động ngược trở lại đối với môi trường.


1.3. Tiếp cận sư phạm tương tác trong dạy học


Tất cả các phương pháp dạy học truyền thống  từ  xưa tới nay đều có tương tác, vấn đề này GV đều biết và sử dụng. Từ phương thức dạy học truyền khẩu của các cụ đồ nho đến việc giảng dạy của giáo viên ngày nay có sử dụng các phương tiện hiện đại để tăng tính tương tác trong dạy học. Việc sử dụng tương tác trong dạy học chỉ là khả năng tích lũy được trong các quá trình nghiên cứu về các phương pháp dạy học (PPDH) mà chưa dựa trên một cơ sở khoa học và thực nghiệm. Phải đến khi tác phẩm "Sư phạm tương tác - Một tiếp cận thần kinh trong học và dạy" của hai nhà khoa học giáo dục Canada -Jean-Marc Denommé và Madelein Roy, mới trình bày cách tiếp cận khoa học thần kinh nhận thức của việc học và dạy dựa trên sự vận hành năng động của hệ thần kinh trong quá trình tiếp thu và xử lí thông tin.    


Tiếp cận khoa học thần kinh trong học và dạy mang ba đặc điểm lớn. Trước hết đó là một cách tiếp cận cơ bản, năng động, hệ thống và khoa học về hoạt động sư phạm, tiếp đến là cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm và cuối cùng là cách tiếp cận về mối tương tác giữa người dạy, người học và môi trường. Cách tiếp cận này làm nổi bật khái niệm về vai trò của người học, người dạy và môi trường: người thứ nhất có nhiệm vụ tiếp thu một kiến thức mới, người thứ hai trợ giúp để hoạt động học tập được dễ dàng hơn và yếu tố thứ ba có tác động tích cực hay tiêu cực đối với quá trình học và phương thức dạy. Quan niệm về vai trò của mỗi một tác nhân này được đặt trong bối cảnh. với cách nhìn tổng thể của hoạt động sư phạm, tiếp cận này cũng đưa ra một định hướng đặc thù về quá trình học và phương thức dạy, tiếp cận này quan tâm đặc biệt đến hoạt động học và hoạt động dạy trong sự tiến triển của chúng với nhịp độ năng động của hệ thần kinh, đó là các giác quan (có nhiệm vụ nắm bắt thông tin), vùng limbic (gây hứng thú), bán cầu não phải (chứa thông tin rời rạc, không đồng nhất), trạng thái “T” (ngưỡng của các thông tin) và bán cầu não trái (sự đồng nhất). Ngoài ra, cách tiếp cận này cho phép người học và người dạy thấu hiểu một cách cụ thể hoạt động sư phạm có ảnh hưởng đến thái độ ứng xử của họ trong lĩnh hội và truyền thụ kiến thức.


2. Thực trạng học tập nghề phổ thông của HS ở các trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp


Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học là một trong những vấn đề cấp thiết của công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay. Trong đó, vấn đề phát huy tính tích cực hoạt động nhận thức và các kỹ năng cơ bản cho học sinh, tăng cường học tập cá thể phối hợp với hợp tác, khắc phục lối dạy truyền thống truyền thụ một chiều là một nhiệm vụ cần thiết và quan trọng ở nhà trường các cấp học.

Tóm lại, trong dạy học trước đây giáo viên chưa khơi dậy được ở HS nhu cầu tự chiếm lĩnh tri thức, mong muốn giải quyết vấn đề và chuẩn bị tâm thế cho HS khi tham gia vào quá trình học. Do đó, HS chưa chủ động tích cực trong học tập, không phát huy được hiệu quả hoạt động của mình.


3. Định hướng đổi mới PPDH theo hướng tiếp cận SPTT


3.1. Mục đích của việc đổi mới PPDH 


Mục đích của việc đổi mới PPDH theo tiếp cận SPTT là xóa bỏ cách dạy học truyền thụ một chiều “thầy đọc, trò chép”, để trò “học vẹt”, “học tủ”, “bắt chướt thao tác mẫu” không kích thích HS suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo,…theo đó là sự tương tác giữa người dạy - người học - môi trường trong quá trình dạy học nhằm tích cực hóa hoạt động của HS. GV đóng vai trò là nguồn thông tin chính nhưng cũng là người thúc đẩy quá trình học của HS.


Việc áp dụng quan điểm dạy học theo tiếp cận SPTT không phụ thuộc vào có nguồn lực hay không. Giờ học có  thành công hay không phụ thuộc vào sự chuẩn bị cẩn thận của thầy và trò, lòng tin đối với khả năng của HS và vai trò lãnh đạo của GV. Khi áp dụng quan điểm này, đòi hỏi GV phải có khả năng đưa ra những câu hỏi, tạo ra những tình huống có vấn đề gắn liền với thực tiễn, vừa sức với HS để kích thích tư duy, tạo niềm vui hứng thú trong học tập cho họ, giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, ngắn gọn và sâu sắc.


3.2. Cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống


Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, luyện tập mà là sử dụng những phương pháp dạy như thế nào để tạo ra được những giờ học có hiệu quả. Có thể cho rằng, đổi mới phương pháp giảng dạy cần bắt đầu từ việc cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống theo hướng phát huy tính tích cực của người học, hướng vào người học, khắc phục lối truyền thụ một chiều. Người thầy có vai trò giúp đỡ người học tự học, tự tìm kiếm, khám phá những tri thức, kỹ năng, phẩm chất năng lực mới hoặc nói chung là những giá trị mới, người học bộ lộ những mặt mạnh, mặt yếu của mình dể từ đó tự điều chỉnh bằng những cách thích hợp thông qua các buổi tranh luận, hội thảo theo nhóm. Như vậy, để nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học này người giáo viên trước hết cần nắm vững những yêu cầu và sử dụng thành thạo các kỹ thuật của chúng trong việc chuẩn bị cũng như tiến hành bài lên lớp, kỹ thuật đặt các câu hỏi và xử lý các câu trả lời trong đàm thoại, hay kỹ thuật làm mẫu trong luyện tập. chẳng hạn như kỹ thuật mở bài, kỹ thuật trình bày, giải thích trong khi thuyết trình, kỹ thuật đặt các câu hỏi và xử lý các câu trả lời trong đàm thoại, hay kỹ thuật làm mẫu trong luyện tập.


3.3. Kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học


Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế của nó, không có PPDH nào là tối ưu cả. Việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng dạy học. Tuỳ theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức dạy học thích hợp, đem lại niềm vui, tạo say mê, năng động, sáng tạo, hứng thú trong học tập cho HS; tăng tính tích cực, chủ động; tăng khả năng tự học, tính tự tin và khả năng hợp tác trong học tập cũng như khả năng tự đánh giá từ đó điều các hành vi của cá nhân của từng học sinh như học cá nhân, học nhóm; học toàn lớp. Cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho người học.


Có thể chọn lựa một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.


3.4. Vận dụng dạy học khám phá


Dạy học khám phá là giáo viên tổ chức cho học sinh tìm tòi, phát hiện, khám phá  ra tri thức mới, cách thức hành động mới nhằm phát huy năng lực giải quyết vấn đề và tự học cho học sinh. Qua đó, học sinh hình thành được các kĩ năng và thái độ học tập tích cực. Trong đó, người học đóng vai trò là người phát hiện còn người dạy đóng vai trò là chuyên gia  tổ chức. Thực chất dạy học khám phá là một phương pháp dạy học có sự thống nhất giữa thầy với trò để giải quyết vấn đề học tập phát sinh trong nội dung của tiết học.


- Trong dạy học khám phá đòi hỏi người giáo viên gia công rất nhiều để chỉ đạo các hoạt động nhận thức của học sinh.


Hoạt động của người thầy bao gồm: Định hướng phát triển tư duy cho học sinh, lựa chọn nội dung của vấn đề và đảm bảo tính vừa sức với học sinh; tổ chức học sinh trao đổi theo nhóm trên lớp; hướng dẫn sử dụng phương tiện trực quan hỗ trợ cần thiết và tạo ra mội trường học tập để học sinh giải quyết vấn đề. Kết quả dạy học khám phá đem lại ý nghĩa về tinh thần cho người học và người dạy.


- Trong dạy học khám phá, học sinh tiếp thu các tri thức khoa học thông qua con đường nhận thức: từ tri thức của bản thân thông qua hoạt động hợp tác với bạn để khám phá phát hiện hay phát minh lại các tri thức, kỹ năng; giáo viên nhận xét ý kiến của học sinh và chốt lại ý chính để học sinh làm cơ sở tự kiểm tra, tự điều chỉnh tri thức của bản thân thức góp phần tăng cường tính mềm dẻo trong tư duy và năng lực tự học. Đó chính là nhân tố quyết định sự phát triển bản thân người học.


- Cấu trúc của dạy học khám phá: GV nêu vấn đề học tập, HS hợp tác giải quyết vấn đề


3.5. Vận dụng dạy học giải quyết vấn đề


Dạy học giải quyết vấn đề (GQVĐ) là cách thức, con đường mà GV áp dụng trong việc dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề của HS bằng cách đưa ra một tình huống có vấn đề trong đó chứa đựng những cái đã cho và cái phải tìm để kích thích người học tự giác, có nhu cầu GQVĐ. Thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp học sinh lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức.


Mục tiêu cơ bản của dạy học GQVĐ là rèn luyện năng lực GQVĐ, trong đó bao gồm khả năng nhận biết, phát hiện vấn đề. Dạy học GQVĐ là một quan điểm dạy học, nên có thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của học sinh và là con đường cơ bản để phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh. Dạy học GQVĐ được thực hiện ở 3 mức độ cao thấp khác nhau. Tuy nhiên trong thực tiễn dạy học hiện nay nói chung và dạy học nghề phổ thông nói riêng, GV ít chú ý đến các vấn đề gắn với thực tiễn và thường sử dụng ở 2 mức độ đầu tiên nên HS giải quyết các vấn đề  tương đối thụ động, chưa phát huy được năng lực sáng tạo cho người học. Vì vậy, trong quá trình dạy học GV phải biết vận dụng dạy học GQVĐ đúng chỗ, đúng lúc, khéo léo, nhuần nhuyễn thì mới mang đến hiệu quả dạy học cao.


3.6. Vận dụng dạy học định hướng hành động


Dạy học định hướng hành động là quan điểm dạy học nhằm làm cho hoạt động trí óc và hoạt động chân tay kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong quá trình học tập, dưới sự tổ chức của GV, HS thực hiện các nhiệm vụ học tập thông qua các hoạt động để tạo ra sản phẩm, có sự kết hợp linh hoạt giữa hoạt động trí tuệ và hoạt động tay chân. Đây là một quan điểm dạy học tích cực hoá và tiếp cận toàn thể.


Vận dụng dạy học định hướng hành động có ý nghĩa quan trong cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục hướng nghiệp cho HS phô thông, đó là nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, tư duy và hành động”. Nhờ đó, HS có cơ hội trải nghiệm, thử sức mình trong hoạt động lao động nghề nghiệp phổ biến, đối chiếu được những năng lực của bản thân, từ đó đưa ra quyết định chọn nghề tương lai.


Bản chất của kiểu dạy học này là hướng HS vào hoạt động giải quyết các vấn đề kỹ thuật hoặc các nhiệm vụ tình huống của nghề, nhằm chuẩn bị cho HS tham gia giải quyết các nhiệm vụ nghề nghiệp.


3.7. Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học


Phương tiện dạy học có vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Ngoài mối quan hệ với mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học còn có mối quan hệ chặt chẽ với người dạy – người học, tạo nên sự cộng tác giữa các chủ thể tham gia với các thành tố khác của quá trình dạy học.


Dạy học theo tiếp cận SPTT tập trung hướng vào người học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học và nó có liên quan chặt chẽ với phương tiện dạy học. Do đó để phát triển tư duy thực hành cho HS trong quá trình giải quyết các nhiệm vụ học tập, cần phải sử dụng hợp lý các phương tiện trực quan để tạo ra hình ảnh trực quan cảm tính, tạo ra ấn tượng ban đầu làm dữ liệu cho tư duy nhằm giúp người học được chủ động và tham gia tích cực vào hoạt động học tập, được thực hành nhiều hơn và thông qua hoạt động thực hành
 người học lĩnh hội tri thức, hình thành, củng cố những kỹ năng cần thiết, tình cảm thái độ và vận dụng chúng vào thực tiễn.


3.8. Sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo


Kỹ thuật dạy học là những cách thức hành động của của giáo viên và học sinh trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Các kỹ thuật dạy học là những đơn vị nhỏ nhất của phương pháp dạy học. Có những kỹ thuật dạy học chung, có những kỹ thuật đặc thù của từng phương pháp dạy học, ví dụ kỹ thuật đặt câu hỏi trong đàm thoại. Trong dạy học nghề phổ thông ngày nay người ta chú trọng phát triển và sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực, sáng tạo, tăng cường tính hợp tác của người học như “động não”, “tia chớp”, “bể cá”, bản đồ tư duy…


3.9. Bồi dưỡng phương pháp học tập tích cực cho học sinh


Phương pháp tự học đóng vai trò quan trọng trong việc tích cực hoá, phát huy tính sáng tạo của học sinh. HS cần chuyển từ việc học theo cách tiếp cận nông, học số lượng, học vì những động cơ bên ngoài, học để tái hiện tri thức chứ không phải để thông hiểu c̣n phổ biến hiện nay, sang cách tiếp cận sâu, học chất lượng, học vì những động cơ bên trong, học để thay đổi cách nhìn và phát triển nhân cách của bản thân, học chẳng những tri thức mà cả phương pháp và thái độ “học để phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo”. Muốn thế, GV cần dạy cho HS cách học trong quá trình dạy học. Cụ thể:


- Cách truy cập thông tin qua các kỹ năng sử dụng thư viện, đĩa CD, các phương tiện truyền thông như máy in, máy nghe nhìn, hệ thống ảo trên mạng internet, trang thông tin về thế giới,…
- Cách tiếp thu thông tin qua các kỹ năng xác định các ý chính từ bài giảng, từ các tình huống, ghi nhớ thông tin, ghi chép từ bài giảng, từ sách báo,..
- Cách xử lý thông tin qua các phương pháp diễn đạt ý kiến, đặt câu hỏi, sơ đồ khái niệm, sắp xếp các khái niệm, phát hiện và giải quyết vấn đề, học trong tập trung tư tưởng cao độ,…
- Cách xác nhận kết quả học tập qua bài kiểm tra trắc nghiệm, bài kiểm tra viết, qua các thông tin phản hồi, qua tự đánh giá của bản thân, bạn bè và GV
- Học cách tự quản lý việc học của mình qua việc vạch kế hoạch học tập và tự kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của ban thân.
- Học cách phân tích các bài tập tình huống bằng cách sử dụng các kiến thức đã được học từ trước và trên cơ sở hiểu biết của mình về trường hợp hoặc vấn đề trước đó, có thể đề đạt những giải pháp thích hợp.


Tóm lại, có rất nhiều phương hướng đổi mới PPDH với những cách tiếp cận khác nhau, trên đây chỉ là một số phương hướng chung đổi mới PPDH theo tiếp cận SPTT. Việc đổi mới PPDH trong dạy học nghề phổ thông ở các trung tâm GDKTTH đạt hiệu quả cao đòi hỏi người GV phải đầu tư nhiều hơn cho lao động sư phạm, cho quá trình không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó trung tâm GDKTTH cũng cần có những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học, điều kiện về tổ chức, quản lý. Mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương hướng riêng để cải tiến PPDH và kinh nghiệm của cá nhân.


4. Kết luận


Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận sư phạm tương tác trong dạy nghề phổ thông tại các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp là một quá trình và việc làm khó. Bởi để tiếp cận sư phạm tương tác vào dạy học nghề đòi hỏi người dạy phải nắm vững bản chất và những nguyên lý cốt lõi của chiến lược dạy học tương tác, phải làm chủ kiến thức kỹ năng chuyên môn, phải quan tâm tới yếu tố môi trường dạy học đảm bảo sự an toàn, thuận tiện thoải mái, dễ chịu cho các chủ thể tham gia vào quá trình dạy – học môn nghề. Người học cũng phải có ý thức, động cơ, mong muốn tham gia chủ động và tỏ rõ trách nhiệm bản thân trong suốt quá trình học tập,... Ngoài ra đối với môi trường dạy học như cơ sở vật chất và phương tiện dạy học phải đa dạng, đảm bảo các nguồn lực dạy học, các mối quan hệ giữa người dạy – người học, người học – người học phải cởi mở và thân thiện. Trên cơ sở của sư phạm tương tác và thực trạng tại các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, chúng tôi đã đưa ra một số định hướng tiếp cận sư phạm tương tác trong dạy học nghề phổ thông để từ đó đề ra biện pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học nghề phổ thông ở các trung tâm GDKTTH.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates