Đưa trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giảng dạy: Xu hướng làm thay đổi phương thức giáo dục
Ngày cập nhật : 11/02/2020
Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đã và đang triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy và đã đạt được những hiệu quả bước đầu. Vậy AI có thể thay đổi xu hướng giáo dục và dạy học trong kỉ nguyên tới?
Nhiều mô hình giáo dục tối ưu hóa nhờ AI
Là đơn vị lớn về CNTT, nên Tập đoàn FPT (có Trường ĐH FPT) đã đi đầu trong việc triển khai, ứng dụng các thành tựu của trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong công tác quản lý, đổi mới phương thức giảng dạy và kinh doanh.
Theo ông Đặng Hoàng Vũ – Giám đốc Khoa học Tập đoàn FPT, AI hiện không còn quá xa lạ và dần trở nên phổ biến trong đời sống. AI cũng không phải là cái gì quá ghê gớm, nó rất dễ ứng dụng, chúng ta không cần các giáo sư gạo cội, người siêu giỏi, các lập trình viên Việt Nam vẫn có thể sử dụng công cụ sẵn có để ứng dụng AI.
“Hiện việc ứng dụng AI ngày càng dễ và không cần đầu tư quá lớn, chỉ cần vài trăm triệu có thể xây dựng ứng dụng nhỏ. Tuy ứng dụng AI trong giáo dục chưa thật sự mạnh mẽ như trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhưng với tính hiệu quả của nó, một số trường học bắt đầu phối hợp với các đơn vị công nghệ tiên phong để đưa AI vào giảng dạy và quản lý. Sự thay đổi trong quản lý, giảng dạy tại các đơn vị này là rất rõ nét” - ông Vũ nói.
Thực tế, ghi nhận của chúng tôi cũng cho thấy rất nhiều trường THPT, ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu triển khai và ứng dụng AI vào một vài nội dung trong đơn vị của mình. Đơn cử, như tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ngoài việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng AI vào việc thu thập dữ liệu để công tác quản lý, điểm danh sinh viên được nhanh chóng hơn thì nhà trường còn đẩy mạnh ứng dụng AI vào công tác giảng dạy tiếng Anh.
Theo Thạc sĩ Trần Tín Nghị - Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM: Khoa đang thử nghiệm AI chatbot trong thu thập thông tin sinh viên liên quan đến sở thích, thói quen và phương pháp học, thậm chí thu thập các lỗi sai thường gặp trong một điểm ngữ pháp cụ thể của sinh viên. Qua đó, điều chỉnh trong nội dung bài dạy và giao bài tập online cho từng cá nhân sinh viên, hoặc nhóm sinh viên thông qua platform MyELT (do nhà trường phối hợp với tổ chức National Geographic Learning) triển khai.
“Từ thực tế giảng dạy và đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh cho sinh viên thông qua việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, chúng tôi thấy có sự tác động rất rõ nét lên bài giảng nơi giảng viên, sự hứng thú học tập nơi sinh viên khi sự mới mẻ và không gian học thuật ngày càng được mở rộng không biên giới” - Thạc sĩ Tín Nghị nói.
Không chỉ ứng dụng AI vào trong công tác quản lý sinh viên, điểm danh, chấm điểm bài thi trắc nghiệm, tương tác giữa giáo viên với học sinh, nhiều trường phổ thông, đại học tại TPHCM còn triển khai AI vào việc biến giờ giảng của giáo viên trở nên hấp dẫn, sinh động với không gian mở của lớp học gần như là vô tận.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã áp dụng AI vào công tác nhận diện khuôn mặt, giọng nói của sinh viên trong công tác điểm danh. Trường ĐH FPT còn triển khai ứng dụng AI sâu hơn khi ngoài nhận diện khuôn mặt sinh viên, điểm danh, quản lý sinh viên trong ký túc xá, đơn vị còn đang triển khai AI vào công tác chấm điểm các bài thi trắc nghiệm.
Đặc biệt hơn nữa là dự án nghiên cứu “giáo viên ảo” ứng dụng Học máy (Mearchine Learning) và AI (Trí tuệ nhân tạo) môn Địa lý mà giáo viên Lê Vân Anh và học trò Lê Việt Dũng (Trường THPT FPT) vừa công bố, khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi sự hiệu quả và tính tích hợp mà AI mang lại.
Theo đó, “giáo viên ảo” ứng dụng Học máy (Mearchine Learning) và AI (Trí tuệ nhân tạo) của cô giáo Lê Vân Anh sẽ mang lại một phương pháp học online hiệu quả, thiết thực nhất đến với người dùng.
“Giáo viên ảo” sẽ được sử dụng qua 2 mảng khác nhau, nhưng liên kết với nhau: 1 chatbot và 1 kênh video. Việc sử dụng chatbot sẽ giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin cũng như đặt câu hỏi liên quan đến bài học cho chatbot, người dùng sẽ có được thông tin chính xác, trong thời gian ngắn nhất. Sự linh hoạt, hấp dẫn hơn với cách học online truyền thống (trực tiếp hoặc gián tiếp) là rất rõ ràng. Điểm đặc biệt là cô giáo thật sự sẽ dạy cho “giáo viên ảo” những kiến thức chuẩn, theo quy định của Bộ GD&ĐT, còn “giáo viên ảo” sẽ truyền đạt kiến thức đó đến với học sinh.
Công cụ để dựng được một “giáo viên ảo” đến từ phần mềm IBM Watson. Đây là chương trình phần mềm ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo) do IBM phát triển với mục đích đưa ra lời đáp cho các câu hỏi bằng ngôn ngữ tự nhiên. Người xây dựng sản phẩm không cần phải biết lập trình quá sâu, người dùng cũng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm hơn bằng các thao thác tự nhiên nhất. Ưu điểm lớn nhất của IBM Watson là cho phép người dùng có thể học ở bất cứ đâu, sử dụng trực tuyến, miễn phí mọi tiện ích và tích hợp của phần mềm - Cô Vân Anh chia sẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét