SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Giáo dục trực tuyến đang tạo những dấu ấn ban đầu tại Việt Nam

Forbes (TuấnPM) Lên mạng học - Giáo dục trực tuyến đang tạo những dấu ấn ban đầu tại Việt Nam

(Forbes Việt Nam, 9/2014) Mỗi ngày, Nguyễn Thành Chung, 37 tuổi, phó giám đốc phụ trách kinh doanh của công ty Cpharma (Hà Nội) dành trung bình khoảng 30 phút truy cập vào hệ thống giảng dạy trực tuyến của Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA để trả lời câu hỏi của học viên các khóa học phát triển kỹ năng cá nhân, marketing căn bản, quản trị marketing mà anh giảng dạy.


Chung không phải là giảng viên theo lối truyền thống. TOPICA tìm thấy Chung trên LinkedIn năm 2011. Anh chủ yếu điều phối các cuộc thảo luận của học viên qua mạng và ít khi gặp trực tiếp học viên trên lớp. Theo quy chế về đào tạo từ xa của bộ GD-ĐT, các học viên của Chung không phải thi đầu vào, họ lấy tài liệu học qua mạng, nhưng làm bài thi ở lớp theo cách truyền thống. Chung thuộc số hơn 1.000 “giảng viên doanh nghiệp”, là các nhà quản lý, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, tổ chức tham gia chương trình giảng dạy cấp bằng cử nhân dựa trên nền tảng công nghệ của TOPICA. Chung ví “TOPICA như khu công nghiệp”, còn các trường là nhà máy thuê đất, sản xuất. TOPICA cũng là nơi tìm khách hàng, bán sản phẩm của các trường.”
Mô hình giáo dục trực tuyến cho phép người học ở bất kỳ đâu, thời gian nào có thể học bất kỳ thứ gì và có thể học tập suốt đời đang phát triển tại Việt Nam, khi 30% dân số tiếp cận được với Internet và tỉ lệ này đang tăng nhanh. TOPICA được xem là đơn vị hàng đầu về cung cấp nền tảng giáo dục trực tuyến ở Việt Nam. Sau sáu năm hoạt động, nhà sáng lập TOPICA Phạm Minh Tuấn cho biết hơn 1.600 người tốt nghiệp cử nhân, tỉ lệ tốt nghiệp khoảng 64%.
T.S Phạm Minh Tuấn, 39 tuổi, chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TOPICA nhận ra tiềm năng của giáo dục trực tuyến ở cả qui mô phát triển lẫn chất lượng khi đang là phó viện trưởng viện Tiên tiến và Khoa học công nghệ (HAST) thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh thực hiện dự án phát triển nền tảng và học liệu giáo dục trực tuyến tại 64 tỉnh thành, có tài trợ từ Microsoft, Qualcomm, Hewlett Packard và USAID. Anh nhớ lại: “Dự án khá thành công, tỉ phú Bill Gates và phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm tới thăm.” Sau đó, họ tổ chức khóa học thử nghiệm với học viên Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ). Giáo sư giảng bài từ Mỹ, qua mạng và cung cấp bài giảng quay sẵn cho 30 sinh viên Việt Nam theo học tại Hà Nội, với hai nghiên cứu sinh người Việt ở Mỹ làm trợ giảng. Kết quả “ngoài mong đợi”: Khi thi chung đề với sinh viên học viên MIT, sinh viên Việt Nam nhận số điểm A và A- nhiều hơn (không có A+, tức xuất sắc, như một người của MIT). Minh Tuấn và các cộng sự tìm hướng phát triển dài hạn chương trình giáo dục trực tuyến chất lượng cao. Họ thành lập TOPICA năm 2008, với 20 người trong nhóm dự án, làm những việc mà anh gọi là “khó và mới”.
“Nhiều người nhầm tưởng rằng cứ ghi hình bài giảng của giảng viên hay số hóa giáo trình đưa lên mạng là có thể đào tạo trực tuyến.” – Phạm Minh Tuấn.
TOPICA “hóa giải” một trong những cơn đau đầu của những người muốn đầu tư vào đào tạo trực tuyến là cấp bằng được công nhận cho học viên. Họ cung cấp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ để 5 trường gồm ĐH Kinh tế quốc dân, viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Trà Vinh, ĐH Duy Tân và ĐH AMA (Philippines) triển khai năm ngành học là quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, tin học và luật. Bằng do các trường cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, bên cạnh chứng nhận cho sinh viên của TOPICA. Ngoài giáo dục đại học, TOPICA có chương trình TOPMITO khởi động từ đầu năm 2014, mà họ được quyền đại diện tổ chức khảo thí để cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế CASEC. Ngoài ra, chương trình ươm tạo khởi nghiệp của TOPICA, một nhánh hoạt động tại Việt Nam của quỹ Khởi nghiệp (Founder Institute) từ thung lũng Silicon, đang có lứa học viên thứ ba.


Phạm Minh Tuấn từ chối chia sẻ với Forbes Việt Nam các thông tin liên quan đến các nhà đầu tư, số tiền đã được đầu tư đến nay, doanh thu, số lượng học viên mỗi năm, và lợi nhuận. Theo tìm hiểu của chúng tôi, họ có được đầu tư vòng đầu (series A) từ quỹ mạo hiểm IDGVV (nơi cũng là nhà đầu tư vào công ty truyền thông Tương Tác, phụ trách kinh doanh của Forbes Việt Nam) và CyberAgent Ventures, nhưng số tiền đầu tư không được tiết lộ. TOPICA hiện có 400 nhân viên, 1.100 giảng viên và 100 cộng tác viên. Những người đó “đã góp phần xây dựng được môi trường ‘được làm vua, thua làm hiệp sĩ’ để có thể đưa công nghệ và phương pháp mới nhất vào áp dụng.” anh Tuấn cho biết, “Có giảng viên là lãnh đạo ngân hàng rất bận rộn, nhưng vẫn dành hơn 800 giờ một năm để giảng dạy online, tức là gần ba giờ mỗi ngày, và trả lời hàng ngàn câu hỏi của sinh viên.”
Giáo dục trực tuyến đang trở nên phổ biến trên thế giới vì các lý do: học phí tăng, công nghệ và thị trường lao động thay đổi nhanh chóng. Theo nghiên cứu của Carl Benedikt Frey và Michael Osborne thuộc ĐH Oxford tháng 9.2013, 47% việc làm ở Mỹ sẽ được tự động hóa trong vài thập kỷ tới, đòi hỏi cá nhân phải liên tục cải thiện năng lực nếu muốn có việc làm. Giáo dục trực tuyến có thể giúp quy trình đào tạo và tái đào tạo thuận lợi hơn do khả năng quy mô hóa nhờ lợi thế công nghệ, giúp học phí giảm và tính phổ cập tăng.
Theo anh Tuấn, trong 10 năm tới, đa số việc dạy và học sẽ diễn ra qua Internet, từ kiến thức đại học, phổ thông cho đến kỹ năng, ngoại ngữ. “Cũng giống như cách đây 10 năm chúng ta chỉ đọc báo giấy, gọi điện thoại bàn, nghe nhạc trên đĩa CD, và chụp ảnh bằng máy phim nên khó có thể tưởng tượng một ngày nào đó đa số sẽ đọc báo mạng, gọi điện trên mobile, nghe nhạc online và chụp ảnh trên smartphone xong là đưa ngay lên Facebook.” anh nói.
Có nhiều người đang tin như thế. Được cho là đi sau thế giới khoảng 5 – 10 năm, thị trường giáo dục trực tuyến ở Việt Nam đang có một số doanh nghiệp đầu tư khai thác các phân khúc như cấp bằng cử nhân, học thêm, luyện thi, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng (xem bảng). Jacob Stiglitz, đồng sáng lập trung tâm Rockit Online, nhận xét thị trường ở Việt Nam có “tiềm năng và nhu cầu rất lớn.” Rockit Online đã gọi được gần 500 ngàn đô la Mỹ từ các nhà đầu tư cho mô hình học trực tuyến có tương tác giữa người học và giáo viên. “Rõ ràng bây giờ đúng là thời điểm để đầu tư,” Stiglitz nói. “Sự tiếp cận Internet, sự tò mò của mọi người, sự tương tác, những phát minh sáng kiến, những người tiên phong là các yếu tố thuận lợi.” Mới ra mắt từ tháng 4.2014 đến nay, họ gần 2.000 người đăng ký và 170 người nhập học, trong đó 2/3 là học tiếng Anh, còn lại là toán, lý, hóa, với 45 giáo viên bán thời gian. Họ đặt mục tiêu thu hút 2.000 học sinh nhập học và 100 giáo viên trong 1-2 năm tới. “Học trực tuyến hay ở chỗ bạn không cần đến một nơi nào đó mới có được giáo viên giỏi hay học trò giỏi, muốn học. Mọi thứ đều có thông qua mạng.” đồng sáng lập, CEO Rockit Online Đào Thu Hiền nói thêm.
Nhưng đào tạo trực tuyến không phải chỉ là ghi hình bài giảng của giáo viên hay số hóa giáo trình đưa lên mạng. Anh Tuấn cho biết đến nay, TOPICA đã xây dựng 12 hệ thống phần mềm và hơn 300 quy trình quản lý, không chỉ bao gồm lớp học, phòng học mà còn có thể hỗ trợ học viên, kiểm tra đánh giá, phòng ngừa bỏ học, chăm sóc giảng viên, theo dõi tuyển sinh, quản lý điểm và hồ sơ. “Họ có hệ thống nhắc nhở nếu giảng viên chậm trễ trả lời câu hỏi, hay học viên không chuyên cần,” Chung cho biết. Theo anh Tuấn, tỉ lệ sinh viên tiếp tục theo học ở TOPICA sau 12 tháng đầu là 79%, nằm ở mức khá cao so với tỉ lệ các chương trình học trực tuyến ở nước ngoài. Theo AskForEducation, tỉ lệ ở các chương trình đại học trực tuyến hàng đầu ở Mỹ năm 2012 là 14% đến 93%. Theo tạp chí HR tháng 8.2013, chỉ có khoảng 4% số người đăng ký là học theo mô hình giáo dục mở trực tuyến đại trà (MOOC) là học hết khóa,) TOPICA cũng áp dụng nhiều công nghệ mới vào giảng dạy như mô phỏng 3D cho môn kinh tế vi mô, luật doanh nghiệp, giải thuật; bài giảng, thảo luận, trắc nghiệm có thể thực hiện trên điện thoại thông minh và máy tính bảng; và bài giảng có thể xem được qua truyền hình qua giao thức Internet (IPTV).
Cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ không phải là thách thức lớn nhất với những nhà cung cấp dịch vụ, mà là việc họ phải chạy đua để theo kịp với tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ. Theo anh Tuấn, “cứ 12 tháng thì cách thức làm tiếp thị trực tuyến hiện nay sẽ lỗi thời, cứ hai năm thì nội dung đào tạo cần phải cập nhật, và cứ ba năm thì toàn bộ phương pháp đào tạo cần phải nâng cấp toàn diện.” Anh cho rằng cạnh tranh khốc liệt nhất chính là ở khâu thu hút nhân tài, và sân chơi cạnh tranh là ngành Internet nói chung chứ không chỉ đào tạo trực tuyến nói riêng. Cũng như giáo dục truyền thống, giáo dục trực tuyến vẫn cần yếu tố quan trọng nhất là đội ngũ chuyên môn, nhưng “ vẫn đang thiếu rất nhiều nhân tài phù hợp để phát triển các công nghệ và chương trình đào tạo chất lượng cao.”
Theo TS. Phạm Thị Ly, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá giáo dục đại học (ĐH Nguyễn Tất Thành), hình thức truyền thông dùng kỹ thuật số sẽ có vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai rất gần, trong đó có hoạt động dạy và học. “Trong lúc nhà trường Việt Nam chuyển biến quá chậm bởi nhiều rào cản không đáng có, giáo dục số sẽ lấp lỗ hổng ấy.” Nhưng trên thực tế là các nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng đang tiếp tục tìm kiếm mô hình tài chính ổn định cho loại hình này, Bà Ly nhận xét một số trường ĐH, nhất là khu vực ngoài công lập ở Việt Nam sử dụng giáo dục trực tuyến để giảm chi phí, nhưng chưa thực sự thành công.
“Các nhà đầu tư không quan tâm lắm tới mô hình này, một phần do chưa có nhiều sản phẩm thuyết phục họ là sẽ phát triển đột biến,” Nguyễn Thanh Minh, thành viên sáng lập và giám đốc điều hành của công ty cổ phần DeltaViet Education, nền tảng học trực tuyến về kỹ năng cho người đi làm (kyna.vn) cho biết. Phát triển theo mô hình Udemy (nền tảng và thị trường học online), đến nay kyna đã có 22 khóa học, 11 giảng viên, với mức học phí khoảng 200 ngàn – 300 ngàn đồng/khóa và đến nay có 40 ngàn người đăng ký học, trong đó có 12 ngàn người có trả tiền. “Vấn đề là người học muốn học  nhưng chưa sẵn sàng trả tiền để học online.”
Võ Thành Công, người đang phát triển nhiều ứng dụng học tập trên Facebook cho rằng, ở Việt Nam, không có nhiều người đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trực tuyến vì “mọi người đang tập trung vào game và thương mại điện tử, các lĩnh vực có mô hình kiếm tiền rõ ràng hơn.” Việt Nam đi sau thế giới, trong khi mô hình giáo dục trực tuyến ở thế giới vẫn trong giai đoạn sáng tạo và thử nghiệm, nên chưa có mô hình kinh doanh nào rõ ràng để sao chép như Amazon, Groupon…
Các yếu tố cần để giáo dục trực tuyến thành công là mô hình kết hợp giảng viên giỏi, bài giảng sinh động, tương tác trực tuyến tốt, hỗ trợ học viên, tạo động lực và kiểm tra đánh giá thường xuyên. Công nghệ đang thay đổi ngành giáo dục như xuất bản và báo chí. “Giáo dục số ở Việt Nam chắc chắn sẽ có bước phát triển nhanh chóng, vì thị trường giờ đây đã là thị trường toàn cầu,” TS. Ly nói.
….
Hình dung lại mô hình Đại học
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đang tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu, nơi đang có những mô hình hoàn toàn mới ra đời. ĐH Minerva (www.minerva.kgi.edu) ở San Francisco theo dạng lai ghép, trong đó sử dụng công nghệ trực tuyến như một nền tảng quan trọng để thúc đẩy mô hình giáo dục toàn cầu và quy mô hóa. Họ đã tuyển được 1 sinh viên Việt Nam vào khóa đầu tiên gồm 32 sinh viên, tất cả đều được miễn học phí trong 5 năm và hỗ trợ tài chính, khai giảng đầu tháng 9.2014.
Với 25 triệu đô la Mỹ đầu tư từ quỹ Benchmark Capital tháng 4.2012, Minerva cho rằng chất lượng của họ có thể cạnh tranh với những ĐH tốt nhất Ivy League, nhưng với mức giá thấp hơn nhiều là khoảng 10 ngàn đô la Mỹ/năm so với khoảng 60 ngàn đô la Mỹ/năm, và các địa điểm học trong thời gian đầu sẽ là 7 thành phố khắp thế giới. “Tại sao lại phải đầu tư vào hạ tầng như khuôn viên học tập, thư viện, phòng thí nghiệm… trong khi chúng tôi có thể kết hợp với những nơi tốt nhất trên thế giới?” Kenn Ross giám đốc điều hành phụ trách châu Á của ĐH Minerva nói với Forbes Việt Nam. “Tỉ lệ nhận học cho khóa đầu tiên của Minerva là 2,8%, thấp nhất trong lịch sử đại học Mỹ.” Kenn tin là với nền tảng công nghệ trực tuyến, họ có thể tuyển sinh mà “không cần quota”, với sinh viên khắp thế giới nhờ quy trình lựa chọn khác biệt: không phải điểm SAT. “Mọi người, kể cả chính phủ, cần phải bắt đầu suy nghĩ về những thay đổi có thể và nên được tạo ra trong lĩnh vực giáo dục.”    

HỌC TRỰC TUYẾN Ở VIỆT NAM
Huy động nguồn nhân lực từ xã hội để tạo ra sản phẩm tốt và quy mô hóa đang là thách thức lớn cho các nhà phát triển sản phẩm giáo dục dựa trên nền tảng Internet. Sau đây là một số nền tảng”.

TÊN
ĐÔI TƯỢNG/ 
MÔN HỌC
MÔ TẢ
chamhoc.vn
(Công ty cổ phần Trò chơi Vui vẻ)
Lớp 1 - 5
“Chăm học thành tài, miệt mài thành giỏi” mạng xã hội đạt giải Sao Khuê 2012, 2013.
lophoc.violet.vn
(Công ty cổ phần Tin học Bạch Kim)
Tài liệu đồ sộ, nhiều môn, nhiều cấp
Mạng chia sẻ giáo trình, tài liệu, video hướng dẫn học tập lâu đời, gần 9 triệu thành viên
onschool.vn
(công ty TNHH Giáo dục Đào tạo Gia sư và Dạy kèm)
Lớp 4-12 và ôn thi đại học
Dạy kèm và gia sư tương tác trực tuyến
hocmai.vn
Tiểu học, trung học cơ sở, luyện thi và thi thử đại học
Học online và offline đều được, có đầu tư từ quỹ IDGVV
zuni.vn
(Dự án giáo dục trực tuyến phi lợi nhuận)
Ôn thi đại học
Do quỹ Cộng đồng người sử dụng Internet Việt Nam (VNF) và các thầy cô giáo phát triển, có đầu tư của VNG
hellochao.vn
Tiếng Anh
1,9 triệu người theo học đến nay theo con số trên website
kyna.vn
(Công ty cổ phần DeltaViet Education)
Phát triển kỹ năng mềm
Bắt đầu hoạt động từ tháng 5.2013
hocduong.vn
Công ty cổ phần Tin tức Cộng đồng Việt – Vicko. , JSC)
Kỹ năng mềm, Tiếng Anh, quản trị kinh doanh, tin học
Học cả online và offline
mstudy.vn
(MobiFone)
Chương trình từ THCS đến cao đẳng, đại học
Dành cho thuê bao trả trước và sau của MobiFone
viettelstudy.vn
(Viettel Telecom)
Luyện thi, học tiếng Anh, kỹ năng mềm, thư viện
Nhiều chương trình miễn phí
 
Nguồn: Forbes Việt Nam tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates