SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Cơ hội cho sách phát hành trực tuyến


Sự phối hợp giữa đơn vị phát hành sách và các sàn thương mại điện tử được coi là giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay, cũng là một xu hướng phát triển trong tương lai
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu, ngành xuất bản cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của nó nhưng chưa bao giờ có được cơ hội phát hành trực tuyến thuận lợi như bây giờ. Sự phối hợp giữa đơn vị phát hành sách và các sàn thương mại điện tử được coi là giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay nhưng cũng là xu hướng phát triển trong tương lai.
Kỳ vọng kênh phát hành trực tuyến
Với việc thực hiện cách ly xã hội, các hệ thống cửa hàng phát hành trên toàn quốc ngừng hoạt động, vì vậy số lượng sách bán ra của các công ty sách, NXB sụt giảm nghiêm trọng. Ông Bùi Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết lượng sách phát hành của NXB này giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu hầu như không có bởi các khách hàng đều đề nghị giãn nợ.
Các đơn vị làm sách và xuất bản giải quyết tình trạng khó khăn này bằng cách tập trung mạnh vào kênh phát hành online, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phát hành có uy tín như Tiki, FAHASA, Phương Nam… Ông Bùi Tuấn Nghĩa cho hay NXB Kim Đồng thuận lợi là có 2 đối tác lớn trong phát hành online là Tiki, FAHASA, đồng thời có kênh phát hành trực tuyến của riêng mình. Với kênh phát hành riêng này, trong khuôn khổ chương trình "Ở nhà đọc sách - Không ngại giãn cách" từ ngày 18-4 đến 3-5, chỉ trong mấy ngày qua, số lượng bạn đọc đặt mua sách tăng gần 3 lần so với những ngày trước đó.
co-hoi-cho-sach-phat-hanh-truc-tuyen-1.jpg
Giao diện trang thương mại điện tử của FAHASA. (Ảnh chụp từ màn hình)
Theo các chuyên gia xuất bản, cách tốt nhất để ngành xuất bản sống được lúc này và sống tốt sau dịch bệnh là phối hợp các kênh online hiện hữu để đôi bên cùng có lợi. Các sàn thương mại điện tử hiện nay đã giải quyết được khâu kho bãi, đóng gói và vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Mỗi bên chỉ cần làm tốt vai trò của mình, tự động mô hình này sẽ phát triển vượt bậc.
Chia sẻ về doanh thu cũng như sự kỳ vọng vào kênh bán hàng trực tuyến, nhà thơ, cũng là nhà kinh doanh xuất bản phẩm Nguyễn Phong Việt khẳng định trong thời điểm này, doanh thu các kênh bán sách online đang vượt trội hơn offline khá nhiều. Có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa, sách bán qua online sẽ vượt xa.
Xu hướng thời đại
Sách phát hành online đang và sẽ trở thành xu hướng, đặc biệt qua dịch Covid-19. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng đó là xu hướng tất yếu khi vừa tiết kiệm được thời gian, công sức, đặc biệt là rút ngắn khoảng cách địa lý với những bạn đọc không sống ở các thành phố tiện lợi về mặt dịch vụ. "Câu chuyện sách online là một chuyển dịch đã xảy ra cách đây nhiều năm và trong bối cảnh đại dịch là cơ hội thúc đẩy để những người làm trong ngành xuất bản có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển cũng như tạo ra thêm nhiều giải pháp hợp lý hơn cho đối tượng người đọc hôm nay" - nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói.
Theo giới chuyên môn, mô hình online hiện nay không chỉ tiện lợi cho người dùng về mọi mặt mà trên hết, gần như quanh năm các hệ thống online lúc nào cũng có các đợt khuyến mãi lớn giúp người đọc có cơ hội mua các cuốn sách mình yêu thích với giá tốt nhất có thể, điều rất khó cho các nhà sách truyền thống khi chịu áp lực về chi phí mặt bằng và nhân sự vận hành. Dĩ nhiên, các nhà sách truyền thống sẽ không mất đi nhưng việc thu hẹp phạm vi kinh doanh hoặc chuyển đổi mô hình song song vừa offline vừa online để sinh tồn là không thể khác.
Ông Bùi Tuấn Nghĩa cũng kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của kênh bán sách trực tuyến dù kênh này không thể thay thế được kênh truyền thống.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Phụ nữ, nhìn nhận hội chợ sách trực tuyến không kém phần hấp dẫn so với các hội chợ sách truyền thống, thậm chí với nhiều ưu điểm trong thời đại số. Bà Phượng cho rằng nếu mô hình hội chợ sách trực tuyến mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang tổ chức thành công thì nên tổ chức mỗi năm 1-2 lần. Đó có thể là hội sách quốc gia hoặc hội sách chuyên đề, ví dụ hội sách trực tuyến cho thanh thiếu niên, sách kinh tế…
Trong tương lai, ngành xuất bản nên tổ chức xen kẽ hội chợ sách truyền thống để mọi người trực tiếp gặp nhau, đồng thời có cả online để cắt giảm chi phí. 
Phát triển ebook và audiobook
Ngoài sách in truyền thống, các NXB cũng bắt đầu quan tâm đến sách điện tử (ebook) và sách nói (audiobook). Năm 2012, NXB Trẻ là một trong những NXB đầu tiên ở Việt Nam làm sách điện tử. Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc NXB Trẻ, vài năm gần đây, xu hướng đổ dồn vào audiobook, NXB Trẻ đang làm việc với các công ty kinh doanh sách nói để chuẩn bị ra mắt bạn đọc.
Ông Bùi Tuấn Nghĩa cũng cho hay NXB Kim Đồng đang phát triển dự án sách điện tử của mình và sẽ ra mắt sản phẩm trong một tương lai gần.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho biết anh cũng sẽ tính đến việc phát hành tác phẩm của mình dưới dạng ebook và audiobook. "Nếu có đơn vị nào mong muốn hợp tác để phát hành ebook và audiobook, tôi sẽ luôn sẵn lòng... Tôi nghĩ ở Việt Nam trong thời điểm khoảng 3-5 năm nữa, doanh thu từ ebook và audiobook không phải nhiều nhưng ở ý nghĩa quảng bá tác phẩm thì đó là điều rất có ý nghĩa, đặc biệt với những bạn đọc người Việt ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam" - nhà thơ Nguyễn Phong Việt nhận định.
Theo Yến Anh/NLĐO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates