SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Biện pháp giáo dục kĩ năng hát cho sinh viên chuyên ngành mầm non


Chủ nhật - 22/04/2018 03:00

Âm nhạc là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo cử nhân giáo dục mầm non ở trường ĐHSP Đà Nẵng, nó bao gồm ba học phần: nhạc lí cơ bản - xướng âm, đàn - ca hát và phương pháp giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non.

Tương ứng với mỗi nội dung học tập sẽ là những mục tiêu cụ thể, trong đó, ca hát có vai trò chủ yếu trong việc trang bị cho sinh viên hệ thống tri thức và kĩ năng hát.

Kĩ năng hát đó là khả năng vận dụng những kiến thức, vốn sống kinh nghiệm để thực hiện các hành động thành phần: Hát chính xác, hơi thở, tạo âm nhả chữ (hát rõ lời), và hát diễn cảm nâng cao hiệu quả hoạt động ca hát.

Qua thực tế giảng dạy âm nhạc cho sinh viên chuyên ngành mầm non trường ĐHSP Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy sinh viên mầm non được thi tuyển năng khiếu, hầu hết các em đều có khả năng hát, nhiều em có chất giọng tốt, thể hiện truyền cảm. Mặt khác, các em rất yêu thích môn học, có ý thức trong học tập.

Tuy nhiên, do lớp học quá đông, sinh viên hát tập thể thường bắt chước nhau nên giáo viên khó phát hiện sai cũng như khó sửa sai. Tài liệu chuyên ngành còn thiếu. Sinh viên không được học nhiều về lí luận âm nhạc, nên kiến thức âm nhạc của các em còn yếu, dẫn đến hạn chế kĩ năng hát và chất lượng biểu diễn bài hát.

Do đó, nghiên cứu một số biện pháp giáo dục kĩ năng hát cho sinh viên chuyên ngành mầm non trong môn âm nhạc để nâng cao chất lượng ca hát nói riêng và chất lượng giáo dục âm nhạc nói chung là cần thiết. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng, chúng tôi xây dựng các biện pháp giáo dục kĩ năng hát cho sinh viên.

1. Đưa ra tiêu chí kĩ năng hát trong đánh giá nhằm xác định mục tiêu học tập của sinh viên

Mục tiêu học gây ảnh hưởng đến định hướng hoạt động sư phạm và đến hứng thú của người học và người dạy. Mặt khác, mục tiêu học góp phần gián tiếp làm sáng tỏ các mục đích của giáo dục và của chương trình trong hoạt động dạy - học. Vai trò quan trọng hàng đầu là mục tiêu phải chỉ rõ các yếu tố kiến thức và năng lực mà người học phải thu lượm trong môn học. Chính vì vậy, miêu tả mục tiêu học là trách nhiệm của người dạy. Khi sinh viên học hát, giáo viên cần chỉ ra hiệu năng mà sinh viên sẽ phải đạt đến bằng cách trình bày trước kết quả mà sinh viên sẽ hoàn thành, đó là kĩ năng hát với các hành động thành phần: Hát chính xác, hát rõ lời, hơi thở, hát diễn cảm. Giáo viên phải phân tích, giải thích…để sinh viên hiểu sâu sắc, từ đó các em có các phương pháp, biện pháp học tập phù hợp nhằm đạt được kết quả tốt trong nội dung học.

2. Dạy học nhóm

Dạy học nhóm là một hình thức xã hội của dạy học, trong đó sinh viên của lớp học được chia thành các nhóm nhỏ trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước lớp.

Có rất nhiều cách để thành lập nhóm dựa vào các tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên với việc học hát, các nhóm được thành lập dựa trên 2 tiêu chí, đó là kĩ năng hát và kĩ năng đàn. Mỗi nhóm 8- 10 sinh viên, có những sinh viên khá, giỏi và yếu (đối với kĩ năng hát) và có sinh viên có kĩ năng đàn. Các nhóm này cùng nhau học và luyện tập. Nhóm không chỉ làm việc cùng nhau trên tiết học mà đặc biệt ở ngoài tiết học. Bởi vì thời gian dành cho môn học trên lớp không nhiều, các em phải tự học để rèn luyện kĩ năng hát cho mình. Những sinh viên khá, giỏi trong nhóm cùng luyện tập với các sinh viên yếu hơn và đảm nhận trách nhiệm của người hướng dẫn. Còn sinh viên có kĩ năng đàn phải sử dụng nhạc cụ trong quá trình nhóm tự học để đàn cho các thành viên hát chính xác.

3. Phân tích tác phẩm âm nhạc để hát đúng tính chất, phong cách

Tập hát là một công việc được tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ và sáng tạo. Tuy nhiên, một số người hát chưa thấy hết được ý nghĩa quan trọng của việc nghiên cứu bài hát, nên đã làm việc này một cách qua loa, thiếu thận trọng dẫn đến chưa thuộc lời bài hát, thậm chí chưa hát đúng âm nhạc của bài. Khi tập bài hát thì học theo lối truyền miệng, không có bản nhạc chính xác. Có người không nhớ hoặc không biết giọng điệu (tonalité) ngay cả những bài hát yêu thích của mình, thậm chí đôi khi còn không nhớ một cách chính xác tên bài hát và tên tác giả. Những hiện tượng đó chứng tỏ người hát chưa quan tâm đúng mức tới việc nghiên cứu tác phẩm, do đó hạn chế nhiều đến hiệu quả khi biểu diễn.

Phân tích tác phẩm âm nhạc giúp ta hiểu được sự cấu tạo của tác phẩm, từ việc cấu tạo nên hình thức đến việc xây dựng tác phẩm âm nhạc. Nghiên cứu kỹ tác phẩm về xuất xứ, tác giả, nội dung âm nhạc, ý nghĩa, tầm cữ là vô cùng quan trọng trước khi hát. Bởi vì căn cứ vào đó chúng ta mới hiểu bài hát, mới có phương pháp luyện tập hát một cách phù hợp. Có như vậy mới làm bật lên độ vang âm thanh đúng, tái hiện hình tượng, so sánh đối chiếu để làm sáng tỏ và hiện hình lên cái ‎‎ý cái tình của bài hát, cách cấu trúc và phương pháp diễn tả của nó, đồng thời tạo ra ấn tượng và những nhận định ban đầu có tính tổng quát về bài hát, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục kĩ năng hát.

4. Đọc lời ca trước khi tập tác phẩm

Tập hát có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là "vỡ hoang" bài hát; giai đoạn thứ hai là gọt giũa và sáng tạo. Ở giai đoạn "vỡ hoang" bài hát, không nên ghép lời vào nhạc ngay. Trước tiên nên đọc lời ca một hai lần cho quen, sau đó đọc lại có diễn cảm để biết được nội dung bài hát và bước đầu có những hưng phấn, những cảm xúc, từ đó giúp việc tập hát sẽ thuận lợi, dễ tìm hình tượng diễn cảm của bài.

Khi đọc diễn cảm cần phát âm chuẩn xác, ngắt nghỉ giọng đúng lúc, đúng chỗ, bộc lộ được ý tứ nội dung bài hát, không được tuỳ tiện.

Nhịp điệu đọc phù hợp với nhịp độ của bài hát. Giọng đọc phải có ngữ điệu và sắc thái phù hợp nội dung, tính chất bài hát để có thể biểu hiện được những sắc thái tình cảm đa dạng của con người như vui - buồn, duyên dáng, trong sáng….

Cường độ đọc nhấn mạnh hay lướt nhẹ, âm lượng phát ra to hay nhỏ căn cứ vào sự chuyển động của giai điệu. Chuyển động đi lên của giai điệu thường kéo theo sự tăng độ mạnh của âm thanh, chuyển động đi xuống giảm bớt độ vang của âm thanh. Hoặc nội dung tác phẩm quyết định mức độ chung của cường độ. Ví dụ, những bài hát ru được đọc bằng cường độ nhỏ, nhẹ, êm ái. Ngược lại, những bản hành khúc đọc với cường độ mạnh mẽ, huy hoàng….

Bên cạnh đó cần phối hợp giọng đọc với nét mặt, cử chỉ, điệu bộ một cách hài hoà, nhịp nhàng.

Khi đã thuộc bài, bước sang giai đoạn gọt giũa, sáng tạo. Trước hết là hát cho rõ lời bởi phát âm và nhả chữ là hai yêu cầu thống nhất của nghệ thuật ca hát. Hai yêu cầu này gắn bó với nhau, hỗ trợ cho nhau để tạo nên một tiếng hát hoàn chỉnh, do đó trong bài hát nếu có những chữ khó phát âm thì phải tập kỹ. Một số sinh viên do cách phát âm vùng miền nên thường mắc phải nhược điểm không phát âm rõ ràng những chữ có phụ âm khép ở cuối, chẳng hạn các chữ "chim" hát thành chữ "chiêm", "bàn" thành "bàng", "đất nước" hát thành"đấc nước",”kèn” hát thành “kèng”… thì cần đọc nhiều lần để phát âm cho chuẩn đảm bảo cho bài hát được rõ lời, nếu không bài hát sẽ khó hiểu, hạn chế hiệu quả. Ở giai đoạn thứ hai, cần phải phân tích nghiên cứu kỹ nội dung, chất liệu âm nhạc để việc biểu hiện được phong phú, tình cảm và sâu sắc, sáng tạo. Có như vậy sự truyền cảm bài hát mới có sức sống, có nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó.

5. Kết hợp các phương tiện nghe - nhìn để tham khảo cách thể hiện
Trong l‎í luận dạy học, nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học là ba phạm trù gắn bó chặt chẽ với nhau.

Phương tiện dạy học (Thiết bị dạy học) được xem là tập hợp các sự vật, hiện tượng, các kí hiệu, mô hình, hành động mẫu và lời nói. Chúng là những công cụ mà người dạy và người học sử dụng trực tiếp trong quá trình dạy học, nhằm đảm bảo cho sự lĩnh hội kiến thức mới và phát triển các năng lực trí tuệ.

Chất lượng học tập của sinh viên chịu sự chi phối của các điều kiện và phương tiện dạy học trong nhà trường cũng như cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy học. Ở trường đại học, sinh viên được tiếp xúc với nhiều loại thiết bị như mô hình, bảng biểu, tranh ảnh, máy tăng âm, đàn, các thiết bị nghe nhìn (cassette, máy vi tính, phòng xem video…). Hiệu quả học tập của sinh viên được nâng lên rất nhiều nhờ vào sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học đa dạng và hiện đại này.

Có nhiều phương tiện dạy học, tuy nhiên trong dạy hát, phương tiện nghe- nhìn là phương tiện chiếm vị trí quan trọng nhất. Phương tiện nghe - nhìn gồm có các giá mang thông tin như phim, băng từ âm - hình, đĩa ghi âm, ghi hình…, các máy móc chuyển tải thông tin ghi ở các giá mang thông tin như máy chiếu, máy chiếu phim, cassette, camera, tivi, video, computer….. Trong quá trình dạy hát, giáo viên có thể sử dụng kết hợp các phương tiện nghe - nhìn để minh hoạ hay mở rộng các cách thể hiện kĩ năng hát cho sinh viên.

Khi sử dụng phương tiện nghe nhìn là băng đĩa… thì sinh viên được thưởng thức một tác phẩm âm nhạc với giọng hát hay, chuẩn với phần hòa âm phối khí hoàn chỉnh, cùng phong cách biểu diễn chuyên nghiệp của người hát. Điều đó sẽ kích thích hứng thú của sinh viên, mặt khác giúp sinh viên học hỏi được kiến thức, kĩ năng thể hiện bài hát đó, giúp bổ sung kinh nghiệm âm nhạc cho các em.

Chính các phương tiện này đã góp phần tối đa hoá thời gian mà việc học tập thật sự diễn ra, tối thiểu hoá các lao động cấp thấp, tạo thuận lợi cho các mối quan hệ tương tác giữa người học và người dạy..

Các biện pháp dạy học trên có mối quan hệ mật thiết tác động qua lại với nhau. Do vậy, khi thực hiện cần phải có sự phối kết hợp một cách linh hoạt các biện pháp để giúp cho quá trình giáo dục kĩ năng hát cho sinh viên đạt kết quả.

Tài liệu tham khảo

  • Trần Cường, Đức Mạnh, Đức Hải (1999), Kiến thức âm nhạc phổ thông,NXB Giáo dục.
  • Phạm Minh Hạc (1997), Tâm lý học, NXB Giáo dục.
  • Jean-Marc Denommé et Madeleine Roy, Tiến tới một phương pháp sư phạm tương tác, NXB Thanh Niên.
  • Prof. Berned Meier- Dr. Nguyễn Văn Cường (2009), L‎ý ‎luận dạy học hiện đại, Potsdam- Hà Nội.
  • Ngô Thị Nam (1992), Phương pháp ca hát, NXBGD Hà Nội.
  • Vĩnh Long (1976), Sự tròn vành rõ chữ của tiếng dân tộc, Viện Nghệ thuật, Hà Nội  số 12, trang 12.
  • Hoàng Văn Yến và Nhiều tác giả (1998), Bồi dưỡng âm nhạc cho giáo viên mầm non. NXB Giáo dục, trang 5, 142.
  • Đào Ngọc Dung, Phân tích tác phẩm âm nhạc, NXB Giáo dục
  • http://thanhnhac.com
  • http://kythuatthanhnhac.vn.
  • GS Nguyễn Trung Kiên, Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội.
  • Phạm Trọng Toàn, Đổi mới giảng dạy thanh nhạc trong đào tạo giáo viên âm nhạc cho trường phổ thông, Hội thảo khoa học giáo dục nghệ thuật và cuộc sống.

  • Ths. Tôn Nữ Diệu Hằng
    Khoa Giáo dục Tiểu học - Mầm non
    Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng









































































































































































    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

     
    Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates